Khởi nghiệp thành công từ cây chuối Laba
Vừa qua, tại vòng Chung kết Hội thi Ý tưởng khởi nghiệp của Phụ nữ Lâm Ðồng năm 2019, ý tưởng “Thành lập HTX cung cấp, thu mua chuối Laba chất lượng cao” của chị Võ Thị Thu- người phụ nữ đến từ huyện nghèo Ðam Rông đã vượt qua 11 ý tưởng khác đoạt giải nhất.
Nằm ở thôn Đạ Mur (xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng), HTX Laba Banana Đạ K’Nàng mới được thành lập năm 2018, chuyên cung cấp và thu mua chuối Laba chất lượng cao, với quy trình sản xuất đơn giản: Chuối được trồng, chăm sóc từ lúc nhỏ đến khi ra trái và chín. HTX chuối Laba Banana Đạ K’Nàng ra đời với mong muốn giúp cho người dân có thể làm giàu từ chính trên mảnh đất nơi mình sinh sống, quảng bá được sản phẩm nông nghiệp của địa phương, giúp những chị em phụ nữ biết cách trồng và chăm sóc chuối đúng quy trình, kỹ thuật. Mục tiêu hoạt động của HTX là cung cấp và thu mua chuối Laba chất lượng cao; hướng tới liên kết các hộ dân trồng chuối và thành lập nên vùng nguyên liệu chuối chất lượng, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch chuối đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Từ đó, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động tại địa phương (các lao động trực tiếp tại HTX) và giúp cho hơn 10 hộ dân tại xã có thu nhập ổn định từ việc trồng chuối.
Được biết, chuối Laba từng được cung tiến cho Vua triều Nguyễn nên còn được người dân gọi với tên là chuối Tiến vua. Đáng chú ý, chỉ với 1 năm thành lập, nhưng HTX đã mở rộng được thị trường tiêu thụ, trong đó đã ký kết và xuất khẩu chuối Laba sang Nhật Bản.
Tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ dàng khi trồng chuối Laba thành sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu. Thời gian một gốc chuối từ lúc trồng tới ra buồng khoảng 8 tháng, từ lúc ra buồng đến thu hoạch khoảng 4 tháng nữa, tổng cộng 12 tháng là có thể thu chính vụ. Vì vậy, ở các giai đoạn của chuối, phải rất chú trọng đến kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước… đảm bảo đúng thời điểm để chuối phát triển và đạt chất lượng tốt nhất.
Ý tưởng khởi nghiệp từ chuối Laba của chị Thu được thực hiện không chỉ duy trì và phát triển giống chuối Laba, tận dụng diện tích đất sình lầy, đất cà phê già cỗi, dần chuyển đổi thói quen canh tác tự cung tự cấp sang hướng sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị kinh tế; mà còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.