Nhớ một người viết báo trách nhiệm và tâm huyết

Cẩm Thúy 08/07/2019 17:05

Cho dù nhiều năm là trưởng một ban chuyên môn của báo Đại đoàn kết, chị chưa bỏ viết một số báo nào, ngày nào ra báo là ngày ấy chị có bài đăng. Một sự cần mẫn, một đam mê, một sự trân trọng nghề viết và thực ra nữa là sự rèn luyện chính mình.

Nhớ một người viết báo trách nhiệm và tâm huyết

Trân trọng, băn khoăn đặt lên đặt xuống từng chữ một, nhất là khi viết chân dung những người bạn bè gần gũi, ngay cả khi đã nghỉ hưu rời toà soạn rồi - đó là hình ảnh còn đọng lại rất lâu về chị. Cũng có thể đã từng có một thế hệ làm báo say nghề và trách nhiệm với nghề như thế, nhưng ngay cả ở trong những người cùng thời, chị cũng vẫn có một nỗi say mê hiếm có. Nhất là vào những ngày tháng 6 này, khi nghĩ về nghề báo, càng nhớ Thu Phương – một nhà báo có phong cách và giọng điệu riêng, cùng góp phần tạo ra bản sắc Đại đoàn kết trong nhiều năm liền.

Có một thời gian, quãng 5 năm, chị chuyển đi báo khác. Khi trở về, có một lần đến hội trường cơ quan Mặt trận Trung ương ở 46 Tràng Thi họp, chị bảo rằng bỗng nhiên thấy xúc động vì nhận ra vẫn còn nguyên tình yêu với Mặt trận, dù không còn nguyên người xưa cảnh cũ (những cán bộ Mặt trận lớp cũ cũng đã nghỉ hưu nhiều rồi). Cảm xúc ấy tôi hiểu. Đó là tinh thần của một thế hệ làm báo những ngày tôi mới chân ướt chân ráo vào báo Đại đoàn kết. Toà soạn hồi ấy ít người, báo mới ra một tuần 2 kỳ. Và chỉ một thời gian ngắn, tôi nhận ra tất cả những người làm báo Đại đoàn kết thời ấy, trong đó có nhà báo Thu Phương, đều không phải chỉ say mê với việc làm báo như những người làm báo khác, họ nên được gọi là những người làm báo Mặt trận. Bởi vì bất cứ là viết ở mảng gì, lĩnh vực nào, các nhà báo đều cực kỳ am tường về Mặt trận, đều cố gắng để tạo ra bản sắc của tờ báo Mặt trận. Không có chuyện phóng viên không chuyên đi đưa tin Mặt trận thì lại không có hiểu biết về Mặt trận. Bất cứ ai đã làm ở báo Đại đoàn kết thì đều hiểu công tác Mặt trận là gì, cơ chế hoạt động của Mặt trận là phối hợp, là hiệp thương dân chủ… cho nên, nếu phóng viên mà lại viết các khái niệm “bầu” hay “bỏ phiếu” trong các Hội nghị Uỷ ban Mặt trận hay Hội nghị Đoàn chủ tịch thì tức là không hiểu gì. Bài học sơ đẳng đầu tiên mỗi phóng viên mới vào báo Đại đoàn kết hồi ấy được dạy dỗ kỹ từ các nhà báo đi trước là như thế. Phóng viên viết văn hoá hay viết giáo dục, thì cũng đều phải, đầu tiên là từ góc nhìn của khối đại đoàn kết dân tộc, tức là nói tiếng nói của nhân dân. Là có những từ phải hiểu, nếu làm ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc thì ở tờ báo này không dùng. Trên báo Đại đoàn kết không phải chỉ có 1 trang thông tin về công tác Mặt trận, mà cả 8 trang (thời đó mới chỉ 8 trang) đều thẫm đẫm tinh thần Mặt trận: đề cao các tôn giáo, các dân tộc, tôn trọng ý kiến nhân sĩ, trí thức, nồng nhiệt với kiều bào và ở bên những thân phận con người…

Không phải là người được phân công theo dõi công tác Mặt trận, Thu Phương vẫn là người đi cùng với các đoàn công tác của cơ quan Mặt trận Trung ương rất nhiều, chị cũng thường xuyên về với Mặt trận cơ sở. Cho nên, chị viết về người cao tuổi hay truyền thông về giới, viết về ma tuý, mại dâm hay khuyến học, dù không nhắc đến chữ “Mặt trận” nào, cũng vẫn thấy một cách nhìn rất riêng, rất bản sắc của tờ báo Mặt trận…

Tháng 6 khi nghĩ về nghề, bỗng nhiên lại nghĩ rằng việc học từ những đàn anh đàn chị, việc được những người đi trước chỉ dạy về nghề, về đạo lý, về ứng xử… thực sự là một may mắn. Tất nhiên, vào lúc ban đầu non nớt ấy, cũng không phải dễ dàng để tiếp nhận. Bởi vì nói ví dụ như Thu Phương, chị tận tâm đào tạo phóng viên trẻ, nghiêm khắc trong đánh giá nhận xét về nhiều phóng viên khác trong cơ quan, không phải thuộc chị phụ trách. Nhưng điều này cũng đồng thời với việc nhiều người khác cho rằng chị nghiệt ngã với các bạn trẻ, và cũng không ít bạn trẻ phản ứng hoặc thậm chí là để bụng oán trách… Chuyện này, cũng là lẽ thường cuộc đời thôi. Không ai được tất cả mọi người đều quí mến. Cũng không ai sống để vừa lòng hết cả mọi người. Nữa là một người cá tính đầy ăm ắp như chị, phong cách khác người như chị, biết sống và biết chấp nhận, thì chuyện như vậy cũng là thường tình. Nhưng điều muốn nói ở đây là nếu đã vượt qua được những đòi hỏi nghiêm khắc từ chị, đã thực sự nghiêm túc để học hỏi từ những người như chị, thì sau này, người ta sẽ vững vàng mà trải qua những khó khăn, thậm chí là sóng gió trong những tháng năm làm cái nghề nhọc nhằn này. Chị đã từng viết một bài báo có cái tít rằng “Đừng chấp thị phi”, trong đó có câu đại ý: Bản lĩnh của người trưởng thành là trước sóng gió thị phi vẫn nhất mực bao dung…

Sau ngày Thu Phương mất, tôi đọc được, nghe được nhiều lời viết, nói về chị từ các đồng nghiệp. Nhà báo Thu Hà nhớ chị Phương đầy yêu thương và tình nghĩa không phải chỉ vì là con gái thầy Tâm, mà còn vì những chia sẻ ngọt bùi trong những chuyến công tác, nhất là một đêm đen gặp bão trên biển khơi mù mịt. Một hoạ sĩ nhớ về chị như một người yêu tranh đáng kính trọng. Một phó giáo sư ở Viện Văn học – bạn gái thân thiết của chị, kể cho tôi nghe biết bao là kỷ niệm… Và có lần, trong một buổi phỏng vấn, tôi mạo muội hỏi chuyện hoạ sĩ Chu Hùng Sơn về chị. Cứ tưởng anh Sơn sẽ tránh không trả lời. Nhưng không phải, bữa ấy, nhớ là xa xót lắm, khi anh Sơn nói về chị - người giờ đã quá xa xôi. Bạn bè những ai biết cả 2 anh chị đều hiểu, cả hai người đều đẹp, đều tốt, đều giỏi giang. Việc họ trong quá khứ đã không còn sống cùng nhà với nhau là “kết cục hợp lý” của những người “cá tính mạnh mẽ khi ở cùng nhau”... Trong ngày giỗ thứ hai của chị cách đây hơn 2 tháng, khi cùng với người thân trong gia đình kể những câu chuyện về chị, chúng tôi đều nghĩ rằng cuộc đời vốn nhẹ nhõm vô cùng, cho nên không có gì là không thể tha thứ. Nhẹ như lời hát của Trịnh Công Sơn: Thân nhẹ nhàng như mây…

Nói về tư cách một người viết báo, Thu Phương đã làm được việc mà không phải ai cũng làm được: Cho dù nhiều năm là trưởng một ban chuyên môn của báo Đại đoàn kết, chị chưa bỏ viết một số báo nào, ngày nào ra báo là ngày ấy chị có bài đăng. Một sự cần mẫn, một đam mê, một sự trân trọng nghề viết và thực ra nữa là sự rèn luyện chính mình. Điều này, thì cũng chính là bài học mà nhà báo Thái Duy vẫn dạy lớp trẻ: Làm gì thì làm không được bỏ viết – ông nhiều lần đã nhắc nhở tôi điều ấy. Nhớ có lần Thu Phương giải thích rằng bởi vì chị lúc nào cũng tâm niệm mình chỉ là một phóng viên. Nhưng mà còn một lý do nữa, nếu đã đọc bài “Lối xưa toà soạn” mà chị từng viết đăng trên báo Đại đoàn kết thì hiểu rằng tình yêu với toà soạn, với tờ báo Mặt trận của chị lớn lắm. Nơi ấy, chị gắn bó suốt từ lúc mới ngoài 20 tuổi, trải qua hết những năm tháng thanh xuân đẹp đẽ nhất của đời người.

Tháng 6 này nhớ chị, nhớ những bài học làm nghề, nhớ một người viết báo đầy tâm huyết và trách nhiệm. Và nhớ nhất là tình yêu của chị với nghề, với báo Đại đoàn kết, để nếu có lúc nào nản lòng, lại nhìn sự cần mẫn với câu chữ của chị mà tiếp tục viết, tiếp tục rèn luyện mình.

Cẩm Thúy