Cân nhắc chọn trường, chọn ngành phù hợp
Với các phương thức xét tuyển như hiện nay và sự săn đón thí sinh của nhiều cơ sở giáo dục ĐH, cơ hội để trở thành sinh viên là trong tầm tay với những thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, chọn ngành học nào lại là câu chuyện không đơn giản vì còn căn cứ vào năng lực, sở thích và nhu cầu của xã hội.
Lập nghiệp đừng chỉ vì chữ ĐH mà cố chọn ngành không phù hợp. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Áp lực chọn nghề
Cho dù công tác hướng nghiệp trong các trường THPT thời gian qua đã được chú ý hơn, nhưng trên thực tế việc chọn ngành học nào sau khi tốt nghiệp lại là câu chuyện của cả gia đình. Theo các chuyên gia, xu hướng chung là các gia đình thường định hướng cho con em mình nối nghiệp gia đình với suy nghĩ có sẵn lợi thế nền tảng khi người đi trước sẽ truyền đạt cho người đi sau. Chẳng hạn, gia đình có truyền thống kinh doanh sẽ hướng con theo học về kinh doanh, bố mẹ là giáo viên, bác sĩ... sẽ hướng con học sư phạm, trường y dược...
Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, việc bố mẹ can thiệp quá sâu vào quyết định chọn ngành học, chọn trường của con sẽ khiến thí sinh cảm thấy rất áp lực. Lợi thế nếu theo ngành truyền thống của gia đình không ai có thể phủ nhận nhưng trên thực tế, có học sinh đã từng tâm sự với TS Lâm rằng chứng kiến cảnh bố mẹ đi sớm về khuya, trực bệnh viện nhiều đêm trong tuần, công việc căng thẳng đến giấc ngủ cũng chập chờn khiến cho em... sợ ngành y. Em không muốn cuộc sống sau này của mình cũng tuân theo quỹ đạo ấy nên dù học rất giỏi, hoàn toàn có khả năng thi đậu vào ngôi trường mơ ước của hàng triệu thí sinh nhưng cuối cùng em học sinh này vẫn quyết định chọn ngành sư phạm.
Tương tự, TS Nguyễn Ngọc Tài (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM) cho biết, hiện nay có một xu hướng đó chọn ngành nghề thời thượng mà báo chí nhắc đến thường xuyên, gọi chung là chọn ngành “hot” mà không thực sự hiểu rõ. Thông tin chọn trường mà thí sinh biết chủ yếu qua cuốn sách “Những điều cần biết về tuyển sinh...” và một vài thông tin trên báo chí, website của trường ĐH đó còn thực chất cơ hội việc làm ra sao, mức độ phù hợp của bản thân với ngành nghề đó lại không được tính đến. Từ đó, dẫn đến nguy cơ chọn sai ngành học, trường học, lãng phí thời gian, công sức... Tự nhiên rơi vào lĩnh vực khác mà mình không có sở trường, thậm chí mình cũng không thực sự thích thì chắc chắn sẽ khó đạt kết quả học tập tốt, sau đó là công việc sau khi ra trường không được như ý. Hàng năm, các trường ĐH đều công bố danh sách hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học, cảnh báo học vụ do có kết quả học tập kém vì không theo được hoặc vì không yêu thích nên không học được... Nhiều hệ lụy khác cũng sẽ kéo theo nếu chọn sai ngành nghề tương lai.
Đừng bỏ lỡ cơ hội
Theo các chuyên gia của công ty tuyển dụng trực tuyến Vietnamwork, mỗi thí sinh không chỉ có cơ hội một lần chọn ngành học trong đời, nhưng thời gian không chờ đợi bất cứ ai nên lần lựa chọn đầu tiên rất quan trọng. Sau khi tốt nghiệp THPT, việc lựa chọn đăng ký học tiếp hay tham gia thị trường lao động cần được cân nhắc kỹ dựa trên rất nhiều tiêu chí. Trong đó, quan trọng nhất là xác định đúng đam mê của mình, thứ hai là đánh giá năng lực bản thân có thế mạnh gì, điểm yếu nào để phát huy và khắc phục những hạn chế đó. Thứ ba, xem xét nhu cầu xã hội có cần đến ngành nghề đó hay không. Thứ tư là xem xét hoàn cảnh gia đình, không chỉ là sự ủng hộ của gia đình mà còn là những lời khuyên từ người đi trước có sự tiếp xúc gần gũi với bạn, đánh giá bạn có phù hợp với ngành nghề đó hay không. Thứ năm, nếu như bạn vẫn còn đang mơ hồ về bản thân bạn, còn gặp khó khăn trong sự lựa chọn thì nên tìm đến những lời tư vấn của những người đã có kinh nghiệm hay đã trải qua những vấn đề mà bạn đang gặp phải. Từ đó, có thể có những phát hiện mới mẻ với bản thân bạn hoặc khơi gợi hướng đi đúng đắn cho tương lai. Thứ sáu, tìm kiếm cơ hội, nỗ lực làm việc, học tập để đạt được nguyện vọng. Cũng có thể, đam mê thực sự sẽ đến trong quá trình làm việc.
Ông Trần Anh Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM phân tích, nếu như trước đây, người lao động giỏi chuyên môn, tay nghề giỏi là có thể thành công. Nhưng ngày nay hai điều đó chỉ một phần, quan trọng nhất là phải phát triển năng lực biến mình trở thành người có tư duy, sáng tạo gắn liền với công nghệ. Bởi thực tế các ngành nghề hiện nay đang chuyển đổi, phát triển, đòi hỏi người lao động phải sáng tạo. Vì vậy, các bạn trẻ đừng hỏi ngành nghề nào “hot”, mà hãy hỏi “mình có hot không?”.
Kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019 sắp được công bố. Đây là thời điểm các thí sinh và gia đình đang hồi hộp chờ đợi kết quả và tính toán khả năng chọn trường, chọn ngành phù hợp. Một lưu ý năm nào cũng nhắc lại đó là không phải vào ĐH bằng mọi giá mà quan trọng là xác định được sở thích và năng lực của bản thân để chọn ngành nghề và bậc học phù hợp, có thể là cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Đừng chỉ vì chữ ĐH mà cố chọn ngành không phù hợp, chọn ngành chạy theo thị hiếu sẽ lãng phí không chỉ thời gian, công sức, tiền của mà chính là cơ hội của bản thân...