Miền Trung trong 'chảo lửa' nắng nóng
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, nắng nóng ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Đợt nắng nóng suốt nhiều ngày qua ở khu vực này đã gây ra nhiều thiệt hại cho nông nghiệp, gây cháy rừng, hoạt động sản xuất bị đình trệ và gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe của người dân.
Nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng nặng nề tới nhà nông, hoạt động sản xuất và sức khỏe người dân.
Nông nghiệp thiệt hại nặng
Đợt nắng nóng kéo dài 22 ngày trong tháng 6 vừa qua tại Nghệ An vừa kết thúc, đợt nắng nóng mới lại bắt đầu. Thiệt hại do thời tiết gây ra làm hàng chục héc ta rừng bị thiêu rụi, hơn 23.000 ha lúa hè thu trên địa bàn bị thiếu nước tưới, trong đó 2.300 ha lúa bị hạn nặng có nguy cơ mất trắng, gần 800 ha chè bị cháy sém. Thiệt hại vô cùng lớn đối với ngành nông nghiệp của tỉnh Nghệ An.
Tại Nghệ An, nắng nóng kéo dài cộng với không có mưa khiến lượng nước trên các sông, khe, suối, ao, hồ ở các địa phương đang ở mức thấp và cạn kiệt. Thời tiết nắng nóng được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong hơn 15 năm qua. Các địa phương và người dân đang tập trung các giải pháp chống hạn, ổn định cuộc sống và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho cây trồng. Điển hình như tại huyện Con Cuông, nắng nóng đã làm hơn 1.442 hộ dân ở các xã Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn, Yên Khê đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Các giếng nước của người dân khô trơ đáy; nhiều người dân phải đi chắt từng can nước còn sót lại ở khe, suối mang về dùng.
Cũng do nắng nóng kéo dài, toàn huyện Con Cuông có hơn 850 ha diện tích ruộng cấy chậm so với tiến độ do thiếu nước; 138/356 ha chè kinh doanh đã bị chết cháy và khô héo. Tại huyện Tương Dương, có gần 30 ha diện tích ruộng nước ở các xã Tam Quang, Tam Thái, Nga My bị thiếu nước nghiêm trọng, có nguy cơ không thể gieo trồng kịp thời vụ. Các huyện như Thanh Chương, Anh Sơn... nắng nóng cũng đã làm cho hàng trăm ha chè bị cháy ngọn, thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Ở huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Diễn Châu nắng nóng làm cho rau màu, cam chết cháy.
Ông Nguyễn Xuân Tiến – Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ cho biết: Đợt nắng nóng gay gắt này bắt đầu từ ngày 4/6 đến ngày 25/6, tức vừa tròn 22 ngày. Nền nhiệt độ phổ biến từ 37 – 40 độ C trong khoảng từ 10 giờ đến 17 giờ hàng ngày, trong đó nhiều nơi nhiệt độ trên 40 độ C. Đây là đợt nắng nóng phá nhiều kỷ lục về nhiệt độ 15 năm trở lại đây tại vùng Bắc Trung Bộ nói chung và Nghệ An nói riêng.
Nắng nóng kỷ lục vừa qua đã làm cho hơn 200 hồ, đập ở Nghệ An cạn trơ đáy như hồ Vực Mấu, Khe Đá; hồ chứa ở Nghi Văn... một số hồ đã trơ đáy, lượng nước chỉ khoảng 40-50% dung tích. Đặc biệt, hồ lớn nhất ở Nghệ An hiện nay là hồ thủy điện Bản Vẽ cũng có lượng nước giảm mạnh, chỉ đạt 12 - 50m3/s so với cùng thời điểm những năm trước là 70 - 100m3/s. Trữ lượng nước của hồ Bản Vẽ chỉ còn 87 triệu m3, bằng 5% so với dung tích thiết kế là 1,8 tỷ m3 nên mực nước hồ này đã gần với mực nước chết.
Bệnh nhân khi nhập viện đều có các triệu chứng lâm sàng như sốt phát ban, co giật, viêm đường hô hấp, viêm phổi cấp, tiêu chảy…
Người dân quay quắt trong nắng nóng
Thanh Hóa cũng đang phải hứng chịu đợt nắng nóng đỉnh điểm thứ 2 trong năm. Nhiệt độ ngoài trời mức bình quân luôn ở ngưỡng 39 - 42 độ C. Cá biệt như các huyện như Tĩnh Gia, Thường Xuân, Như Xuân nhiệt độ trong ngày đo được ngoài trời lên tới gần 50 độ C. Nắng nóng gay gắt không chỉ khiến các hoạt động lao động, sản xuất bị đình trệ, mà còn gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏa của người dân.
Chiều ngày 8/7, chúng tôi có mặt tại cánh đồng đang vào cao điểm của đợt gieo cấy vụ hè thu của xã Tùng Lâm, huyện Tĩnh Gia. Dù đã 16h chiều nhưng mặt trời vẫn còn chói chang, bỏng rát như giữa trưa. Trên thửa ruộng đã được máy lồng làm đất kỹ, chỉ chờ gieo cấy, chị Hoàng Thị Hà (ở xã Tùng Lâm, huyện Tĩnh Gia) đưa tay áo lau những giọt mồ hôi đang chảy thành dòng trên khuôn mặt vì cháy nắng, cho biết: Vụ hè thu năm nay, gia đình chị gieo cấy hơn 7 sào ruộng. Hiện chị đã cấy được 4 sào. Còn lại 3 sào nữa nhưng do nắng nóng kéo dài, phải mất thêm khoảng 3 đến 4 ngày nữa gia đình mới có thể cấy xong toàn bộ diện tích. “Các anh thấy đấy, hơn 4h chiều mà trời cứ như thiêu đốt thế này thì bà con làm sao có thể ra đồng để gieo cấy?”- chị Hà nói.
Ông Nguyễn Phúc Lan (86 tuổi) trú ở thôn 1, xã Cán Khê, huyện Như Xuân cho biết: Đây là đợt nắng nóng chưa từng có mà ông được chứng kiến. Nắng nóng cũng khiến các dịch bệnh mùa nóng được dịp hoành hoành đối với người già và trẻ em.
Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, số trẻ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa trong mấy ngày qua nhập viện đang gia tăng. Phần lớn các bệnh nhân khi nhập viện đều có các triệu chứng lâm sàng như sốt phát ban, co giật, viêm đường hô hấp, viêm phổi cấp, tiêu chảy… ThS.BS Chuyên khoa II Lê Đăng Khoa – Giám đốc BV Nhi Thanh Hoá cho biết: Hiện số giường bệnh đã có dấu hiệu quá tải. Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, số bệnh nhân lớn tuổi phải nhập viện do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng cũng tăng đột biến, khiến bệnh viện luôn trong tình trạng kín giường bệnh.
Đám cháy rừng khởi phát ở xã Sơn Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh trưa ngày 8/7.
Liên tiếp các vụ cháy rừng
Đợt nắng nóng kéo dài cũng ảnh hưởng nặng nề tới người dân tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt trong thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7. Nắng nóng khiến hàng nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả thiếu nước tưới trầm trọng, hàng nghìn hộ dân “khát” nước sinh hoạt, thậm chí phải dùng nước sông để ăn.
Khoảng 11h trưa ngày 8/7, tại khu vực núi Nầm (xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) xuất hiện một đám cháy. Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực dập lửa, nhưng do thời tiết khắc nghiệt, gió to, kết hợp với địa hình phức tạp nên việc khống chế đám cháy gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Cù Xuân Hùng – Chủ tịch UBND xã Sơn Châu, đám cháy xuất hiện đầu tiên ở rừng thuộc xã Sơn Thủy, cháy lan sang núi Nầm thuộc thôn Bãi Trạm (xã Sơn Châu).
“Chúng tôi đã dốc tổng lực để khống chế. Tuy nhiên gió to, nắng nóng kết hợp với địa hình đồi núi phực tạp nên việc dập lửa gặp nhiều khó khăn” – ông Hùng nói. Đến 14h cùng ngày, đám cháy mới được dập.
Từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ cháy rừng (không tính vụ cháy vừa xảy ra ở xã Sơn Thủy, Sơn Châu của huyện Hương Sơn) xảy ra ở 9 huyện. Diện tích rừng bị cháy là 267,69 ha, trong đó diện tích rừng bị thiệt hại ước tính 71,41 ha. Hiện chưa có con số thống kê thiệt hại cụ thể, song theo ước tính 12 vụ cháy rừng vừa qua đã làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Cháy rừng không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn để lại nhiều hệ lụy về sau như nguy cơ lũ quét. Đặc biệt, nắng hạn khiến người dân các vùng “chảo lửa” như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, thị xã Kỳ Anh… quay quắt. Xã Hà Linh (Hương Khê, Hà Tĩnh) hiện là một trong những địa phương có nhiều hộ dân “khát” nước sinh hoạt nhất của huyện Hương Khê. Theo thông tin từ cán bộ nông nghiệp xã cung cấp, tính đến thời điểm này gần 700 giếng nước/1.650 hộ dân trên địa bàn xã đã cạn trơ đáy.
Theo bà Nguyễn Thị Tứ (59 tuổi, thôn 11 xã Hà Linh) hơn 2 tháng nay, giếng nước của gia đình không còn giọt nước nào. Để có nước uống, hàng ngày bà phải xách can, lặn lội đi mua, nước nấu ăn thì đi xin những hộ giếng chưa cạn, còn tắm giặt phải bơm từ ruộng lên.
Để có nước sử dụng, người dân xã Hà Linh phải thuê người về đào giếng khoan. Ông Nguyễn Văn Nho – Phó Bí thư Chi bộ xóm 12 xã Hà Linh thông tin, hơn chục hộ trong xóm sau khi nước giếng đào cạn kiệt đã bỏ ra cả chục triệu đồng thuê người về khoan nhiều khu vực trong vườn với chiều sâu 50 – 60 m nhưng vẫn không tìm được nước. Một số khác đào sâu 80m có nước nhưng lại không thể sử dụng được do chất lượng nước không đảm bảo, đành phải lấp đất trở lại. Hiện 20 hộ dân trong xóm 12 đang nhận sự chia sẻ ít nước còn lại của giếng nước nhà anh Nguyễn Văn Cường để sinh hoạt.
Người dân miền Trung quay quắt vì liên tục phải đối mặt với nắng hạn.
* Báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đợt nắng nóng vừa qua, toàn tỉnh có hơn 2.440 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở huyện Kỳ Anh (710 hộ); Hương Khê (1.500 hộ) và Hương Sơn (200 hộ). Hạn hán cũng làm 850ha lúa hè thu thiếu nước nghiêm trọng; hơn 1.300ha cây ăn quả có múi; 110 ha chè bị hạn, ảnh hưởng đến năng suất; tập trung chủ yếu ở các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh.
* Theo Sở NNPTNT Nghệ An, do ảnh hưởng của đợt nắng nóng vừa qua, tỉnh Nghệ An hiện có gần 23.000 ha lúa hè thu bị khô hạn, thiếu nước tưới; gần 15.000 ha lúa chưa gieo cấy được. Tính đến ngày 2/7, trong số 527 hồ đập do xã, hợp tác xã quản lý có 25 hồ xuống dưới mực nước chết. Trong 95 hồ đập do các doanh nghiệp quản lý có 40 hồ dung tích dưới 50%, 20 hồ dung tích nước còn 50-70%.