Buồn vui gameshow truyền hình
Những năm gần đây, các trò chơi truyền hình (gameshow) đã trở thành “món ăn” tinh thần của khán giả truyền hình. Tuy nhiên, thông qua sự xã hội hóa, gameshow xuất hiện nhiều, chiếm sóng ở nhiều kênh truyền hình và đang trở nên nhàm chán…
Sự ra đời của nhiều gameshow truyền hình đang làm khán giả “bội thực” Ảnh minh họa.
Doanh thu “khủng”
Theo số liệu thống kê, hiện nay ước tính có gần 100 gameshow đang được phát sóng trên các kênh truyền hình lớn nhỏ trong cả nước. Thậm chí các gameshow có mặt suốt 24h phát sóng cả ngày lẫn đêm. Nhất là vào “giờ vàng” buổi tối, gần như kênh truyền hình nào cũng có gameshow được phát sóng. Đây là giờ mà khán giả dù chuyển đến hàng chục kênh cũng không thể tìm được cho mình cái gì đáng xem, nếu không muốn bị đưa vào “cơn bão” gameshow. Chỉ tính riêng khung giờ buổi tối, THVL1 có đến 27 gameshow phát sóng. Gameshow được các nhà đầu tư tổ chức khắp nơi. Trong đó các gameshow ca nhạc thì vô số như Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc, Thần tượng Bolero… Không những vậy, trẻ em cũng bị cuốn vào “cơn bão” này với hàng loạt các chương trình như Giọng hát Việt nhí, Gương mặt thân quen nhí, Siêu mẫu nhí…
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên những gameshow lại được các đài truyền hình ưu ái chiếu dày đặc như vậy. Bởi theo số liệu thống kê gần đây nhất từ công ty đo lường chỉ số khán giả, hầu hết các chương trình có rating cao hiện nay đều rơi vào giải trí hài và ca nhạc. Cụ thể, theo bảng giá của Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam), mức độ quảng cáo 30 giây trên VTV3 từ 180 triệu đồng cho đến 300 triệu đồng mỗi chương trình… Nếu tính theo mức giá quy định như vậy, mỗi tập phát sóng doanh thu từ quảng cáo lên đến hàng tỷ đồng, chưa kể các chương trình áp dụng tin nhắn bình chọn, phần lợi nhuận còn cao hơn. Vì thế, những giải thưởng vài trăm triệu đồng cho Quán quân các chương trình chỉ như “muối bỏ biển”.
Thực tế hiện nay ngoại trừ Đài Truyền hình Việt Nam không bị “cơn bão” gameshow nhấn chìm, còn lại hầu hết các đài truyền hình cả nước đều ảnh bị ảnh hưởng. Đơn cử như HTV có rất nhiều phim đã làm xong nhưng do không có quảng cáo nên các sản phẩm luôn trong trạng thái “nằm kho” chờ. Trước đó, các đơn vị sản xuất phim truyền hình như Sóng vàng, MT Picture… đã phải giảm đầu phim xuống một nửa. Nguyên nhân là hiện nay với nhiều kênh truyền hình phim Việt không còn thu hút được khán giả như trước, lượng quảng cáo giảm sút mà hầu như chỉ tập trung cho gameshow.
Nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long nhìn nhận: “Giữa gameshow và các môn nghệ thuật không phải là một cuộc chiến nữa mà nó đang chiếm vị trí độc tôn trên truyền hình. Thời sân khấu vàng son, khán giả rất chịu khó đến rạp để thưởng thức nghệ thuật còn hiện nay gameshow biến khán giả xem theo cách giải trí. Giờ khán giả tới sân khấu xem là phải vui, phải hài, nếu không đáp ứng được những yếu tố đó, họ sẽ không tới. Với sự ảnh hưởng khủng khiếp như thế thì gameshow thực sự rất đáng báo động”.
Nhiều “hạt sạn”
Có thể thấy, nhờ việc xã hội hóa các gameshow giờ đây đã đi vào một “guồng quay” của giải trí và lợi nhuận. Hết gameshow này sẽ có gameshow khác thay thế. Nhiều nghệ sĩ, ca sĩ thay vì tham gia các hoạt động đúng chuyên môn thì giờ đây “nghề chính” là tham gia các gameshow. Đơn cử như 2 danh hài Trấn Thành và Trường Giang gần như các gameshow được phát sóng trên HTV đều tham dự. Hai danh hài này nếu không phải là người chơi thì là MC hay là thành viên ban giám khảo. Chính vì sự “quá tải” đang dẫn tới những “hạt sạn” ở nhiều chương trình.
Mới đây, tại tập 23 chương trình gameshow hẹn hò “Lựa chọn của trái tim” lên sóng ngày 26/6 trên VTV3 đã gây bất bình với khán giả khi 2 nhân vật tham dự chương trình đã có màn “khóa môi” quá lố. Nhất là chương trình được chiếu vào đúng khung giờ vàng 20h30 trước hàng triệu khán giả ở nhiều độ tuổi khác nhau, kể cả trẻ em thì những màn hôn cuồng nhiệt của các đôi trai gái mới gặp gỡ bị đánh giá phản cảm, không phù hợp. Không những vậy với các gameshow có tính tương tác với người chơi do kịch bản chưa chặt chẽ vô tình đã biến chương trình trở thành nơi đấu tố, nói xấu nhau. Có thể kể đến vụ ồn ào nghệ sĩ Lê Giang tố bị chồng cũ, nghệ sĩ Duy Phương bạo hành dã man; hay nhiều việc nghệ sĩ Trung Dân tố nghệ sĩ đàn em hỗn hào...
Cùng với đó, có một thực tế là các gameshow đang đối mặt với nguy cơ của sự thoái trào. Đơn cử từng rất thành công như chương trình Gương mặt thân quen, Giọng hát Việt và Giọng hát Việt nhí, Thách thức danh hài, Tuyệt đỉnh song ca, The Face Việt Nam… những năm qua vẫn được sản xuất, nhưng hầu hết các quán quân của chương trình cứ lặng lẽ đăng quang rồi chìm vào lãng quên. Nguyên nhân là bởi gameshow được Việt hóa nhiều nhất là tìm kiếm tài năng, đặc biệt là âm nhạc đang quá dư thừa. Điều này dẫn đến tình trạng các cuộc thi ngày càng “khát” thí sinh. Thậm chí một vài nghệ sĩ giờ buộc phải tham dự các cuộc thi để tạo hiệu ứng với khán giả. Ngay cả đội ngũ giám khảo trong các sân chơi tìm kiếm tài năng cũng rơi vào tình trạng “khủng hoảng”. Thậm chí, có nghệ sĩ một buổi tối ngồi trên ghế giám khảo cùng lúc ở vài ba chương trình trên các kênh sóng khác nhau. Chưa kể, đặc điểm nổi bật nhất trong những năm qua của loại hình này tiếp tục là trào lưu ăn theo. Sau cơn sốt của bolero, duy trì được sức nóng trong vài năm thì nay đã hạ nhiệt. Hay các gameshow hẹn hò bùng lên như một hiện tượng nhưng cũng nhanh chóng lụi tàn. Trong khi đó, các gameshow, chương trình về hài, thi tài tí hon, ẩm thực… cũng chỉ mang tính cầm chừng.
Lý giải vấn đề này, nhiều khán giả truyền hình nhìn nhận gameshow Việt đã qua thời hoàng kim và tình trạng thoái trào tất yếu sẽ xảy ra. Yếu tố mới, lạ trong các gameshow chỉ có thể thu hút được khán giả ở một, hai mùa đầu tiên, càng về sau, sức hút của chương trình càng giảm.