Thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin: Thách thức lớn đối với thị trường trong nước

Khanh Lê 10/07/2019 08:30

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay nguồn nhân lực Công nghệ thông tin (CNTT) tại các doanh nghiệp đang thiếu trầm trọng, trong khi nhu cầu tuyển dụng vào khoảng 250.000 lao động. Theo hướng quy hoạch nhân lực quốc gia đến năm 2020, Việt Nam cần 1 triệu lao động trong lĩnh vực này.

Thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin: Thách thức lớn đối với thị trường trong nước

Đào tạo nghề đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ 4.0 là mục tiêu giáo dục nghề nghiệp đang hướng đến.

Những con số trên cho thấy nhu cầu, cơn khát nhân lực trong ngành CNTT dường như vẫn chưa hề giảm sút. Và đây cũng là thách thức lớn đối thị trường lao động Việt Nam trước ngưỡng cửa của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0)

“Khát” nguồn nhân lực

Theo bản cập nhật của Báo cáo thị trường nhân lực CNTT 2019 vừa được VietnamWorks công bố cho thấy, mức lương đăng tuyển trung bình cho nhóm kỹ sư phát triển phần mềm liên quan đến Blockchain (công nghệ chuỗi khối) nhận mức lương trung bình là 2.186 USD/tháng, tương đương hơn 51,3 triệu đồng/tháng; nhóm phát triển phần mềm liên quan đến AI (trí tuệ nhân tạo) có mức lương 1.856 USD/tháng, tương đương hơn 43,5 triệu đồng/tháng.

Đáng chú ý, trung bình mức lương đăng tuyển ở TPHCM về chuyên môn Back-end là 2.017 USD/tháng (tương đương khoảng 47,3 triệu đồng/tháng), nằm trong top đầu; trong khi con số này ở Hà Nội là 1.174 USD/tháng (khoảng 27,5 triệu đồng/tháng), thấp nhất trong số các chuyên môn công việc về công nghệ.

Theo ông Gaku Echizenya - Tổng Giám đốc Navigos Group, thị trường nhân lực ngành CNTT ở Việt Nam không chỉ “khát” nguồn lực mà đang gặp rất nhiều điểm yếu như: Hạn chế về kỹ năng, chưa phù hợp yêu cầu chuyên ngành, kể cả kiến thức ngoại ngữ. Kiến thức ngoại ngữ của nguồn nhân lực IT nước ta còn nhiều hạn chế. Trong khi đó chương trình đào tạo chưa thích ứng với sự thay đổi của công nghệ, số cơ sở đào tạo nhiều nhưng tỉ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên còn thấp, chỉ chiếm khoảng 49%.

Tăng cường đào tạo nghề theo tiêu chuẩn công nghệ 4.0

Thực tế cũng cho thấy sự phát triển của cuộc CMCN 4.0 sẽ mang lại những thách thức trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Trong đó, nhiều ngành nghề cũ mất đi, ngành nghề mới ra đời, nên bắt buộc danh mục đào tạo cũng phải thay đổi theo.

Nhận thấy những thách thức trên để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với nhu cầu của xã hội hiện nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 1982/QĐ-TT ngày 31/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020”.

Đề án này có nhiều hoạt động ứng dụng CMCN 4.0 như hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin giáo dục nghề nghiệp tiên tiến. Theo Đề án này, để phục vụ cho việc đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều hoạt động ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng số như: Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin GDNN tiên tiến, đồng bộ; Xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến (với các bài giảng online, offline; đang xem xét nghiên cứu để xây dựng bài giảng cho 6 môn học chung trên mạng); Xây dựng hệ thống thiết bị mô phỏng, thiết bị thực tế ảo (trước mắt tập trung xây dựng các mô phỏng ở những bài giảng, những ngành nghề có độ trừu tượng cao; hoặc cần có sự luyện tập trên thiết bị mô phỏng trước khi luyện tập trên thiết bị thật); Xây dựng các chương trình, giáo trình, học liệu, bài giảng điện tử; Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong hoạt động dạy học; đào tạo và chuyển giao công nghệ... Song song đó, tập trung xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong hoạt động đánh giá kỹ năng nghề và kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đào tạo và chuyển giao công nghệ…

Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội là một trong 8 trường được Bộ LĐTBXH lựa chọn đào tạo nghề trọng điểm trình độ cao đẳng cấp độ quốc tế như: Cơ điện tử, Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp… để đào tạo nhằm cung ứng sang thị trường các nước. Theo đó để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường hướng mạnh đến việc nghiên cứu khoa học, xây dựng các giáo trình, mô hình dạy học mới theo yêu cầu thị trường. Song song với việc thay đổi giáo trình, xuất phát từ nhu cầu sử dụng người lao động của doanh nghiệp, nhà trường sẽ thiết kế chương trình đạo tạo; nhà trường đã cử đại diện tham dự nhiều cuộc thi trí tuệ như: thi Sáng tạo Việt, thi Robocon, thi thiết kế mạch vi điều khiển… đưa một số sản phẩm nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên vào thương mại hóa. Đặc biệt, nhà trường hướng đến hợp tác đào tạo với các trường quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia và đưa 100% sinh viên đi thực tập, đào tạo tại các doanh nghiệp. Mục tiêu của nhà trường khi sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp sẽ được doanh nghiệp trả lương nhờ chất lượng tay nghề.

Khanh Lê