Xứ sở ca trù vẫn hát
Ở thôn Thượng Thôn, xã Đồng Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, bất chấp đời sống bận bịu, người dân nơi đây vẫn một lòng yêu mến và cất lên tiếng hát. Họ coi đó là báu vật, là di sản, cần phải được đánh thức, bồi đắp và truyền toả cho muôn đời con cháu.
Các thành viên CLB trong một buổi biểu diễn tại nhà.
Lúc thịnh lúc suy
Bà Đào Thị Xuyến- Chủ nhiệm CLB ca trù Thượng Hội bảo, trong cuộc đời của bà, khi lớn lên bà đã thấy ca trù xướng lên ở làng mình rồi. Nó nhộn nhịp lắm, tưng bừng từ làng trên xóm dưới, ấm áp trong từng gia đình, chảy trôi qua nhiều thế hệ, trở thành một giá trị văn hoá sâu sắc không thể thiếu trong đời sống cộng đồng của bà con Thượng Hội. Các cụ già trong làng truyền lại rằng, xưa, nơi đây có một dòng họ Đào rất lớn. Con cháu của dòng họ này lại vốn tài hoa, chỉ loáng thoáng nghe câu hát ca trù cũng thuộc thấm nhuầm. Những lứa tuổi con trai, con gái đôi mươi cũng đã bắt đầu biết cầm đàn, cầm phách gõ nhịp, í a câu hát ca trù. Từ cái nôi của quê hương, dòng họ, sau đó đã có không biết bao nhiêu người con trai, con gái nổi tiếng được mời đi biểu diễn khắp nơi trong vùng.
Có lẽ vì thế mà ca trù ở đây được xem như một nghề kiếm kế sinh nhai cho nhiều người dân Thượng Thôn trong những năm tháng. Là người thuộc lớp người cao niên trưởng thượng, cụ Đào Xuân Cường còn nhớ: “Lên 9 tuổi đã từng tập đánh trống. Khi 15 tuổi thì được các cụ dẫn đi biểu diễn ở Hải Dương, Hưng Yên, phố Khâm Thiên (Hà Nội). Tuy còn bé nhưng được cái trời phú ngón đàn dẻo dai, tiếng trống lão làng nên được nhiều người biết tới, thậm chí ông còn được ví như “hạt giống vàng” của giáo phường”.
Để tưởng nhớ công lao của các bậc có công sáng lập ra ca trù, họ Đào đã cùng nhau xây dựng một ngôi nhà thờ rộng ba gian Bắc Bộ. Nhưng sau đó là những năm tháng đất nước chiến tranh, ca trù bị đình trệ.
Bồi đắp và truyền toả
Những tưởng tất cả dấu tích, tư liệu của ca trù chỉ còn là hoài niệm, là kí ức xa xưa. Nhưng đến năm 2009, ca trù được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo tồn khẩn cấp, thì ca trù ở Thượng Thôn mới được nhiều người biết đến. Cũng từ đó, những ca nương, kép đàn luyện tập, quyết tâm làm sống dậy ca trù. Tuy nhiên, những tư liệu, những câu hát cổ thì đã không còn nữa. Và không ai khác ngoài bà Đào Thị Xuyến đã phải lặn lội tìm kiếm và may mắn khi biết cụ Mần Thị Chung - một danh ca lừng danh vẫn còn sống. Cụ Chung có một chất giọng cuốn hút, nhớ nhiều điệu hát, lề lối cơ bản. Sau rất nhiều lần thuyết phục, cụ Chung đã nhận lời đồng ý dạy lại cho con cháu. Không có kinh phí hộ trợ, bà Xuyến đã cùng với những thanh viên ca trù Thượng Thôn tự bỏ tiền túi ra để mua toàn bộ loa đài, tăng âm, nhạc cụ, phục vụ cho sinh hoạt.
Sau nhiều ngày luyện tập, không quản khó khăn, nhọc nhằn, CLB ca trù Thượng Thôn đã có 22 thành viên. Trong đó, người trẻ độ 12-16 tuổi, cao tuổi nhất là cụ Mần Thị Chung (85 tuổi). Tất nhiên khó khăn thì vẫn còn nguyên đấy vì tuy hoạt động nhiều năm nhưng do thiếu kinh phí nên ca trù Thượng Thôn cũng chỉ hoạt động bập bõm. Nhưng những người như cụ Cường hay bà Xuyến thì vẫn tràn đầy lạc quan: “Nếu mở lớp dạy hát ca trù cho thế hệ trẻ thì chỉ độ dăm năm nữa thôi, lứa tuổi này sẽ hát rất hay và có triển vọng”.
Trưởng thôn Đào Xuân Mỹ cho biết: “Chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện cho CLB ca trù hoạt động, nhưng cái khó nhất vẫn nằm ở khâu kinh phí, khâu thầy dạy và người có tâm huyết, yêu thích ca trù thật sự. Bởi lẽ để thuộc được lời ca trù không khó những để phối hợp nhuyền nhuyễn giữa tiếng hát- nhịp phách - trồng chầu thì đòi hỏi phải được dạy hết sức tỉ mỉ, cơ bản và chính xác”.
Trước khi chúng tôi ra về, bà Xuyến hào hứng: “Chúng tôi vẫn quyết tâm gìn giữ ca trù. Dù khó khan nhường nào, nhưng sẽ không bao giờ để ca trù rơi vào quên lãng. Thượng Thôn sẽ mãi là xứ sở ca trù vẫn hát…”