Hành động chống nạn buôn bán người

Khanh Lê 10/07/2019 08:00

Với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện Dự án “Thành lập đường dây nóng phòng, chống mua bán người ở Việt Nam”.

Mục tiêu của Dự án là tăng cường các chức năng hiện tại của Đường dây Tư vấn và Hỗ trợ trẻ em (nay là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111), và mở rộng thêm chức năng phòng, chống mua bán người.

Theo cơ quan chức năng, tại Việt Nam, trong giai đoạn tháng 11/2015 - tháng 5/2018, toàn quốc phát hiện 868 vụ mua bán người với 1.140 đối tượng, lừa bán 2.355 nạn nhân. So với giai đoạn 2011 - 2015, số vụ giảm 28%, số đối tượng vi phạm giảm 37%, nhưng số nạn nhân lại tăng 7%. Các địa phương xảy ra nhiều nhất là Lào Cai (160 vụ), Hà Giang (37 vụ), Nghệ An (36 vụ), Điện Biên (33 vụ)… Theo đại diện Bộ Công an, các đối tượng mua bán người bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất xảo quyệt để lừa bán ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ, đẻ thuê...

Xuất phát từ thực trạng trên, việc triển khai Dự án thiết lập đường dây nóng phòng, chống mua bán người tại Việt Nam đã được triển khai giai đoạn II từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2021. Mục tiêu của Dự án là tăng cường các chức năng hiện tại của Đường dây Tư vấn và Hỗ trợ trẻ em (nay là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111) và mở rộng thêm chức năng phòng, chống mua bán người để đóng góp vào những nỗ lực chung của Chính phủ trong công tác phòng, chống mua bán người cũng như tái hòa nhập cộng đồng cho những nạn nhân bị mua bán.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH, hiện nay 2 nhánh trung tâm cấp vùng của Đường dây nóng phòng chống mua bán người được thành lập tại Đà Nẵng và An Giang. Mạng lưới phòng, chống mua bán người trên cả nước đã từng bước được xác lập. Sự kết nối thông tin và chia sẻ, chuyển tuyến dịch vụ được duy trì theo 3 vùng: Miền Bắc - Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ - Đồng bằng sông Cửu Long. Việc tiếp nhận thông tin của Đường dây nóng từ số điện thoại 18001567 sang số điện thoại 111 thống nhất trên cả nước cũng được triển khai và không ngừng được hoàn thiện. Tính đến tháng 6/2018, đường dây nóng đã tiếp nhận gần 13.000 cuộc gọi, trong đó có hơn 9.000 cuộc cung cấp thông tin, 3.500 cuộc tư vấn liên quan đến chính sách, tâm lý, thủ tục hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán, can thiệp gần 300 ca cho các nạn nhân. Đặc biệt khi bước sang giai đoạn 2 chỉ trong 6 tháng đầu năm, Đường dây nóng đã tiếp nhận hơn 700 cuộc gọi phản ánh tới Đường dây nóng về cuộc gọi, trong đó, có 607 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của Đường dây nóng và phòng chống mua bán người.

Khanh Lê