Lương tối thiểu năm 2020 sẽ được chốt đề xuất tăng vào hôm 11/7?
“Tỷ lệ doanh nghiệp trả lương thực tế cao hơn mức lương tối thiểu năm 2019 đạt khá nhiều. Mức lương tối thiểu chỉ còn là “sàn” để hạn chế việc trả lương quá thấp cho người lao động. Vì vậy, tăng lương tối thiểu sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nhóm doanh nghiệp đã trả lương cao hơn lương tối thiểu”.
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ VN), thành viên đoàn đàm phán lương tối thiểu 2020 của Tổng LĐLĐ VN - nhận định trước Phiên đàm phán lần 2 về điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2020, dự kiến diễn ra vào ngày 11/7 tại Hà Nội.
Trước đó, trong tháng 6, Phiên đàm phán lần 1 về lương tối thiểu vùng 2020 đã dừng lại ở khoảng cách 5 % giữa các đề xuất tăng từ Tổng LĐLĐ VN (đề xuất tăng 8 %) và VCCI (đề xuất tăng 3 %).
Thưa ông, tới thời điểm này, quan điểm của Tổng LĐLĐ VN về mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 vẫn từ 7-8% so với mức lương tối thiểu 2019. Vậy, căn cứ của điều này là gì?
- Tổng LĐLĐ VN đề xuất dựa trên nhiều cứ liệu thực tế. Tới nay, chỉ số GDP tăng khoảng 7 %, năng suất lao động cũng tăng xấp xỉ 6%. Đây là 2 chỉ số vĩ mô có ảnh hưởng tích cực tới việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2020.
Trong khi đó, tình hình xuất khẩu khẩu với tỷ lệ đơn hàng ngày càng tăng, đặc biệt ở các ngành sử dụng đông lao động. Điều này cho thấy khả năng chi trả của doanh nghiệp sẽ ổn định. Đồng thời, số doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng hơn so với năm trước.
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ VN).
Thông tin mới đây cho thấy, triển vọng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới nhờ các hiệp định CPTPP và EVFTA. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được giảm thuế.
Ở góc nhìn khác, lương tối thiểu đủ sống là yếu tố cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia vào CPTPP và EVFTA. Nhiều nhãn hàng quốc tế cam kết trả lương đủ sống và yêu cầu doanh nghiệp trả lương đủ sống cho người lao động.
Tăng lương tối thiểu để người lao động đủ sống cũng là cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh đơn hàng tốt hơn. Vì vậy, mức đề xuất tăng 3 % lương tối thiểu của đại diện người sử dụng lao động có lẽ chưa phù hợp.
Ngoài việc cho rằng mức đề xuất tăng 3% của VCCI không phù hợp, ông cũng cho rằng mức đề xuất tăng 5,2 % lương tối thiểu do Bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương Quốc gia đưa ra chưa có tính thuyết phục?
- Có một số bất cập về cách tính chi phí lương thực thực phẩm. Theo đó, “Rổ hàng hóa” được Bộ phận kỹ thuật đưa ra chủ yếu chỉ dựa trên thói quen tiêu dùng của nhóm dân cư có mức tiêu dùng thấp.
Cụ thể, trong xếp hạng mức tiêu dùng bình quân tăng dần từ 1 đến 10, Bộ kỹ thuật chỉ tính trên lượng calo tiêu dùng bình quân của nhóm 2 và nhóm 3.
Mức đề xuất tăng 5,2% của Bộ phận kỹ thuật đưa ra chỉ đáp ứng được tổng lượng calo theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng (là 2.300 calo).
Ngoài ra, cách tính tỷ lệ lương thực thực phẩm (LTTP)/phi lương thực thực phẩm (phi LTTP) là 48/52, tức là 48% là chi phí cho LTTP thì 52% là chi phí cho phi LTTP. Tỷ lệ này chỉ phù hợp với nhóm tiêu dùng mức thấp.
Tuy nhiên, chúng ta đều biết đất nước càng phát triển, cuộc sống con người được cải thiện thì chi tiêu cho phi LTTP sẽ cao hơn. Nhiều yếu tố về phi lương LTTP ngày càng được quan tâm. Chưa kể, chi phí phi LTTP lúc này còn cần tính thêm cả chi phí dự phòng và phòng ngừa rủi ro trong cuộc sống như tai nạn, ốm đau, bệnh tật…
Nhìn rộng ra quốc tế, chúng tôi đã tham khảo tỷ lệ LTTP/phi LTTP ở các nước khác có trình độ phát triển tương đồng với Việt Nam, kết quả cho thấy: Campuchia, Srilanka, Philipin, Ấn Độ, Mông Cổ cho thấy tỷ lệ chi cho phi LTTP ở các nước này đều cao hơn mức tính của Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông