TP Hồ Chí Minh dùng chính sách 'mở' tạo cạnh tranh thi tuyển giáo viên
Hai năm gần đây, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đã “cởi mở” hơn với chính sách tuyển dụng giáo viên thông qua việc bãi bỏ quy định phải có hộ khẩu tại thành phố. Chính sách này giúp TP Hồ Chí Minh có thêm nguồn tuyển dụng dồi dào, chọn lựa được giáo viên đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Cánh cửa rộng mở
Theo kế hoạch tuyển dụng của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, công tác tuyển dụng tiếp tục mở rộng đối với các ứng viên không có hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt các cơ quan được xác định điều kiện tuyển dụng công chức, viên chức theo yêu cầu vị trí dự tuyển nhưng không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập hay ngoài công lập do đó sẽ có nhiều cơ hội cho các ứng viên.
Nhiều giáo viên ở tỉnh, giáo viên hợp đồng tham gia nộp sơ ứng tuyển vào trường công lập tại TP Hồ Chí Minh.
Gần 9 năm nay, gia đình anh N. V. H sống cảnh xa cách, khi vợ anh có công việc ổn định ở TP Hồ Chí Minh còn anh vì không có hộ khẩu tại thành phố nên về dạy văn ở một trường THPT tỉnh Bình Phước. Trong suốt thời gian đó, tháng nào anh cũng vượt hàng trăm cây số đi về giữa tỉnh Bình Phước và TP Hồ Chí Minh để thăm gia đình. Anh H cho biết, hai vợ chồng anh cũng từng đấu tranh với nhau rất nhiều lần về việc vợ anh về quê hay anh lên thành phố sống cùng gia đình và làm công việc khác. Thế rồi cũng không đi đến thỏa thuận, vì anh không muốn bỏ nghề giáo, còn vợ anh thì công việc ổn định và vì tương lai của con cái nên cũng không muốn về quê.
Nộp xong bộ hồ sơ xin dạy môn ngữ văn tại TP Hồ Chí Minh, anh H mừng rỡ chia sẻ: “Biết thành phố tuyển giáo viên không cần hộ khẩu, tôi mừng quá nên đăng ký tham gia ứng tuyển liền. Với chín năm kinh nghiệm giảng dạy, mong rằng trong đợt tuyển dụng này tôi sẽ trúng tuyển vào dạy trong một trường nào đó tại thành phố để được ở gần vợ con và vẫn có thể yên tâm theo đuổi sự nghiệp làm thầy giáo. Nếu năm nay thi không đậu, tôi lại tiếp tục về Bình Phước dạy học và sang năm thi tiếp”.
Tốt nghiệp ngành Sư phạm thể dục thể thao đúng vào thời điểm ở quê đã đủ giáo viên và phải đợi đến năm 2021 mới có nhu cầu tuyển dụng lại, thế nên ra trường anh P. V. T (Bình Thuận) đã xin dạy môn thể dục tại một trường THPT dân lập ở TP Hồ Chí Minh. Việc dạy ở trường dân lập công việc bấp bênh, không có phụ cấp, mức lương thấp… nên năm anh T đã quyết tâm tham gia ứng tuyển dạy thể dục ở một trường THPT công lập của thành phố. Lý do duy nhất của anh T muốn ứng tuyển vào trường công lập này là mong có một chỗ làm việc ổn định và được hưởng những chính sách ưu đãi của thành phố mà một giáo viên dạy hợp đồng cũng như dạy ở trường dân lập không có. “Bạn tôi mới dạy được ở trường công lập được một năm Tết đã có tiền thu nhập tăng thêm gần chục triệu, còn được tiền phụ cấp đứng lớp, thu nhập cũng khá tốt. Đặc biệt là có được một chỗ làm ổn định. Trong khi đó tôi dạy ở trường tư công việc bấp bênh, lương tháng thấp, không được các chính sách đãi ngộ của nghề và Tết thưởng cũng tầm 1 -2 triệu đồng”, anh T cho biết thêm.
Trong khi đó, Huyền Như vừa tốt nghiệp ngành sư phạm ngữ văn loại giỏi tại trường ĐH Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) cũng lặn lội từ Đồng Nai lên TP Hồ Chí Minh nộp hồ sơ để tìm kiếm một cơ hội dạy học tại đây. Huyền Như chia sẻ: “Ở thành phố nhu cầu tuyển dụng giáo viên nhiều hơn ở tỉnh nên khi đọc thông tin tuyển dụng ở thành phố không cần hộ khẩu em đã đăng ký ứng tuyển liền. Dù em đã chuẩn bị hết tất cả những bằng cấp theo quy định nhưng kinh nghiệm dạy học chưa nhiều bằng những anh chị đi trước nên em nghĩ cơ hội đậu cũng khá “mong manh”. Nhưng dù sao em cũng muốn được thử sức mình”.
Cùng với chính sách về tuyển dụng là chính sách về thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, viên chức đang làm việc tại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đã thu hút một lực lượng lớn những giáo viên đang dạy hợp đồng tại các trường công lập và dân lập cũng đến nộp hồ sơ với mong muốn trở thành công chức, viên chức của thành phố.
Cuộc "đua" khốc liệt
Năm học 2018-2019 là năm đầu tiên TP Hồ Chí Minh tiến hành bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng viên chức. Đây cũng là năm số hồ sơ dự tuyển tăng đột biến với gần 1.800 hồ sơ đăng ký nhưng nhu cầu tuyển dụng chỉ có 363 giáo viên. Tương tự, trong năm học 2019-2020, ngành giáo dục thành phố dự kiến tuyển dụng 443 viên chức giáo viên, 88 viên chức nhân viên nhưng có đến 1.738 ứng viên đủ điều kiện để tham gia kỳ thi tuyển ở tất cả các vị trí.
Năm nay, TP Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển dụng 531 giáo viên, nhân viên nhưng có đến 1.738 ứng viên.
Công tác tuyển dụng giáo viên diễn ra ở 19 môn học, ngoài môn ngữ văn tuyển nhiều chỉ tiêu, năm nay môn tiếng Anh cũng tuyển đến 82 chỉ tiêu, toán 54 chỉ tiêu. Cũng có một số môn mỹ thuật, âm nhạc, tiếng Đức, kỹ thuật nữ công chỉ tuyển một chỉ tiêu cho mỗi môn. Hai môn tiếng Nhật, tiếng Pháp, mỗi môn chỉ tuyển 2 chỉ tiêu. Qua thống kê, nhiều môn có tỷ lệ chọi khá cao như dẫn đầu là môn vật lý với tỷ lệ chọi 12,2; hóa học có tỷ lệ chọi trong thi tuyển 8,9; toán tỷ lệ chọi 6,9; giáo dục công dân 3,5; địa lý tỷ lệ chọi 3,9…
Chị Trần Thị Diệu Huyền cũng tham gia ứng tuyển dạy môn ngữ văn, cho biết: “Với lối tuyển dụng “mở” của TP Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện cho tất cả ứng viên khắp cả nước tham gia, mang đến sự công bằng trong tuyển dụng. Hồ sơ nộp vào nhiều đồng nghĩa tỷ lệ chọi tăng nhưng đòi hỏi ứng viên phải cạnh tranh bằng chính năng lực chứ không cạnh tranh dựa trên bằng cấp, giúp ngành giáo dục thành phố tuyển dụng được đội ngũ giáo viên có chất lượng”.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc tuyển dụng đảm bảo theo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật và đảm bảo tính cạnh tranh. Năm nay công tác tuyển dụng giáo viên tại TP Hồ Chí Minh diễn ra ở 2 vòng. Sau khi kiểm tra ở vòng 1, người dự tuyển có các điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm sẽ được tham dự vòng 2 để kiểm tra năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy.
Theo kế hoạch tuyển dụng, dự kiến ngày 7/8, Hội đồng tuyển dụng sẽ niêm yết, thông báo kết quả xét tuyển viên chức tại Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh. Thông báo này cũng được đăng trên trang thông tin điện tử của Sở; gửi tin nhắn thông báo kết quả đến người dự tuyển. Ngày 8/8, người trúng tuyển đến Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nhận kết quả trúng tuyển và ngay sau đó hoặc hôm sau (ngày 9/8) đến đơn vị được phân công để nhận nhiệm sở.