Tạo cơ sở pháp lý cho giám sát phản biện

Tiến Đạt 10/07/2019 15:31

Ngày 10/7, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Các Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng; Ngô Sách Thực dự và chủ trì hội thảo.

Tạo cơ sở pháp lý cho giám sát phản biện

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam là phương thức quan trọng góp phần hoàn thiện nền dân chủ XHCN ở nước ta hiện nay, đồng thời cũng là phương thức để đảm bảo sự công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật của các cơ quan Nhà nước, các chủ thể trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Với ý nghĩ đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong muốn hội thảo tiếp tục làm rõ hơn cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng thời tạo cơ hội tốt để cán bộ Mặt trận làm công tác giám sát, phản biện xã hội các cấp được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp góp phần đưa hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam hiệu quả hơn, thực chất hơn, đáp ứng nguyện vọng chính đánh của người dân và yêu cầu của công tác Mặt trận trong tình hình mới.

Theo ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, muốn nâng cao được chất lượng trong hoạt động, cán bộ Mặt trận phải thường xuyên nâng cao, bồi dưỡng kiến thức về giám sát và phản biện xã hội. Cán bộ phải thấm nhuần sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng về vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Cán bộ Mặt trận phải có bản lĩnh, dám nói, dám làm; phải theo dõi đến cùng việc giải quyết, trả lời kiến nghị của nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện.

Tạo cơ sở pháp lý cho giám sát phản biện - 1

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại hội thảo.

Ở góc độ khác, theo GS TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ pháp luật, Luật MTTQ Việt Nam chưa quy định đầy đủ trình tự, thủ tục và hậu quả pháp lý của giám sát, phản biện xã hội. MTTQ Việt Nam bao gồm các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân nhưng chưa được luật xem là một chủ thể giám sát, phản biện nên chưa được thể chế hóa; cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần, nội dung của Hiến pháp năm 2013; bổ sung các quy định về trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát, phản biện xã hội trong việc phản hồi, tiếp thu và thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện.

Theo TS Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, chủ thể của giám sát, phản biện xã hội rất đa dạng. Do đó, đối tượng, phạm vi giám sát, phản biện xã hội rất rộng lớn, bao trùm trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội ở cả Trung ương và địa phương. Khi việc giám sát của các cơ quan quyền lực Nhà nước được tiến hành theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục hết sức chặt chẽ do luật định, giám sát, phản biện xã hội sẽ được thực hiện một cách linh hoạt với nhiều phương thức khác nhau theo điều lệ hoạt động của mỗi tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, giám sát, phản biện xã hội đang trở thành một nhu cầu khách quan của xã hội. Cùng với mục tiêu đề ra là thực hành dân chủ rộng rãi, mở rộng dân chủ trực tiếp, bảo đảm các quyền công dân, tạo điều kiện cho công dân được tham gia giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước, đã khiến cho giám sát, phản biện xã hội trở thành một nhu cầu tất yếu, một biện pháp cần thiết để thực hiện nền dân chủ. Với vai trò hết sức quan trọng thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, giám sát, phản biện xã hội cần được đẩy mạnh để trở thành một hoạt động thường xuyên hơn nữa ở Việt Nam.

“Để đạt được mục tiêu trên, cần có cơ sở pháp lý rõ ràng và môi trường xã hội phù hợp để phát triển là điều hết sức cần thiết; đồng thời cần nâng cao nhận thức về phản biện xã hội, nhất là nhận thức của người dân để người dân tham gia giám sát, phản biện xã hội”, ông Thực nói.

Tạo cơ sở pháp lý cho giám sát phản biện - 2

Quang cảnh hội thảo.

Tiến Đạt