Suất ăn công nhân quá thấp

Thanh Giang 11/07/2019 07:01

Khi nói về suất cơm hàng ngày cho công nhân, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, so với mặt bằng chung, suất cơm ấy là quá rẻ. Thống kê tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chỉ có 14% bếp ăn tập thể của doanh nghiệp có giá 20.000 đồng/suất ăn. Đáng chú ý, 6% bếp ăn có giá trị bữa ăn ở mức rất thấp, dao động từ 11.000 - 15.000 đồng/suất ăn.

Suất ăn công nhân quá thấp

Bữa ăn tập thể của công nhân tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc A. Ảnh: S.Xanh.

Phát hiện mì sợi vàng chứa hàn the

Ngày 10/7, Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP HCM tổ chức kiểm tra bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh). Cụ thể là Công ty CP Thuốc lá Sài Gòn, Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (Cofidec). Đây là hai đơn vị mà Ban Quản lý ATVSTP từng kiểm tra và nhắc nhở.

Theo nhận định của Ban Quản lý ATVSTP, nhìn chung hai đơn vị đã có nhiều cố gắng để tạo bếp ăn tập thể một chiều hiện đại, hạ tầng sạch sẽ, dụng cụ vệ sinh, có tủ lưu mẫu thức ăn; tuy nhiên, sau khi khảo sát bếp ăn tại hai đơn vị, thanh tra ATVSTP đã lấy mẫu thực hiện test nhanh đối với bún, mì vàng, chả lụa ở hai doanh nghiệp (DN) nêu trên. Kết quả test tại chỗ cho thấy, mì trứng cung cấp cho bữa ăn trưa của Công ty CP Thuốc lá Sài Gòn có chứa hàn the. Với kết quả này, Ban Quản lý ATVSTP yêu cầu đưa mẫu mì vàng về giám định lại cùng các chất liên quan.

“Mì sợi vàng có hàn the nhưng do thực hiện test nhanh nên chưa có cơ sở xử lý. Ban tiếp tục đem mẫu đi kiểm nghiệm, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ. Trường hợp sản phẩm không đạt an toàn chất lượng sẽ xử phạt” – Ban ATVSTP lý giải và thêm rằng, đang cố gắng kiểm tra chất lượng bếp ăn tập thể nhằm tránh ngộ độc cấp tính đối với thực phẩm không vệ sinh, nhiễm khuẩn dẫn đến các triệu chứng tức thời, cũng như những ảnh hưởng không tốt sau này.

Trước thông tin mì sợi vàng dùng trong bữa ăn công nhân có hàn the, ông Trịnh Xuân Quang – Phó Giám đốc Công ty CP Thuốc lá Sài Gòn cho hay: “Với kết quả mì vàng có hàn the như test nhanh thì ngay trong ngày hôm nay DN sẽ làm việc với nhà cung cấp. Tôi cũng rất trăn trở, làm sao để nhân viên nấu bếp ăn tập thể của công ty có kinh nghiệm kiểm tra chất lượng thực phẩm đầu vào. Đầu bếp có chuyên môn nấu ăn chứ không có chuyên môn kiểm tra an toàn nguyên liệu thực phẩm”.

Liên quan đến nguồn gốc thực phẩm trong bữa cơm công nhân, ông Trịnh Xuân Quang khẳng định, trước đây đa phần thực phẩm nấu ăn của công ty đều mua ngoài chợ. Nhưng vài năm nay, DN yêu cầu bếp ăn phải ký hợp đồng với các DN thực phẩm uy tín, có thương hiệu nhằm đảm bảo suất ăn tốt. Không chỉ lo về dinh dưỡng, đơn vị còn quan tâm đến vấn đề ATVSTP cho 1.000 – 1.200 suất ăn/ngày cho phù hợp với sự đầu tư bếp ăn tập thể hiện đại, vệ sinh cơ sở hạ tầng sạch sẽ.

Tăng chất lượng bữa ăn

Ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết cho thấy, đa phần chủ DN đều tự khẳng định, chất lượng bữa ăn tốt, ATVSTP được đảm bảo, thế nhưng người lao động lại khá mù mờ về vấn đề này. Hầu hết người lao động cho rằng họ chỉ nhận định được ATVSTP bằng mắt thường, còn thực phẩm như thế nào, khâu chế biến ra sao công nhân không rõ.

Ông Trần Văn Dự - công nhân Công ty Cofidec chia sẻ: “Do làm mệt nên cũng ít để ý đến bữa ăn. Cứ đến giờ trưa là ăn vội rồi nghỉ ngơi làm tiếp, đôi khi không cảm nhận được ngon hay dở. Riêng việc ATVSTP bữa ăn đã có nhà bếp lo”.

Chia sẻ với truyền thông về công tác thanh kiểm tra các bếp ăn tập thể trên địa bàn TP HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan thông tin thêm, Ban Quản lý ATVSTP đang kiểm tra các bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố. Cụ thể, bếp ăn tập thể ở trường học; bếp ăn tập thể cho công nhân; bếp ăn tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn. Qua kiểm tra cho thấy, so với mặt bằng chung thì mức đầu tư suất cơm cho công nhân hiện nay quá thấp. Theo thống kê, chỉ có 14% bếp ăn tập thể của DN có giá 20.000 đồng/suất ăn, 6% bếp ăn có giá trị bữa ăn ở mức thấp, dao động từ 11.000 – 15.000 đồng/suất ăn.

“Suất ăn có giá trị thấp sẽ ẩn chứa nhiều nguy cơ mất ATVSTP hơn. Dĩ nhiên không phải suất ăn nhiều tiền sẽ an toàn. Suất ăn nhiều tiền vẫn xảy ra sự cố, như suất ăn của nhà hàng tiệc cưới Adora rất đắt nhưng vẫn bị khách hàng “tố” không đảm bảo ATVSTP, gây ngộ độc” – bà Phạm Khánh Phong Lan nhận định.

Theo Ban ATVSTP TP HCM, hiện nay có 3 hình thức đầu tư bếp ăn tập thể. Thứ nhất, DN chủ động tổ chức bếp ăn nhằm đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho công nhân. Thứ hai, DN có cơ sở hạ tầng nhưng thuê bên ngoài vào nấu. Thứ ba, DN mua suất ăn bên ngoài cho công nhân. Mô hình thứ nhất được đánh giá cao hơn, an toàn hơn vì DN có thể tổ chức và giám sát các bước thực hiện, xử lý hiệu quả khi có sự cố xảy ra.

Trước vấn đề sức khỏe của công nhân qua bữa ăn tập thể, Ban Quản lý ATVSTP TP HCM cho rằng, ngoài giá trị dinh dưỡng DN cần chú trọng đến an toàn thực phẩm. DN phải xem sức khỏe của công nhân là tài sản của quan trọng của họ. Bên cạnh đó, DN cần đầu tư thêm vào giá trị bữa ăn, tránh đầu tư nhiều nhưng lại qua tầng lớp trung gian, nhà thầu làm cho bữa ăn “teo tóp” lại.

Ban Quản lý ATVSTP TP HCM hiện đang tiếp tục tập huấn kiến thức ATVSTP cho nhân viên bếp ăn, tăng cường ý thức để người công nhân tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách báo cáo sớm với công ty, cơ quan chức năng khi bữa ăn không đảm bảo an toàn.

*Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý ATVSTP Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi có khách hàng phản ánh ngộ độc thực phẩm tại nhà hàng tiệc cưới Adora, Ban đã vào cuộc. Tuy nhiên, việc điều tra gặp khó khăn vì biết thông tin quá trễ. Ban ATVSTP tiến hành kiểm tra 9 cơ sở của hệ thống Adora để xem cơ sở, con người có đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. Thời điểm kiểm tra có 2/9 cơ sở đang dừng hoạt động để sửa chữa. Riêng 7 cơ sở còn lại đã kiểm tra và đúng như gì đã thẩm định, cấp phép đáp ứng an toàn thực phẩm.

Cụ thể, bếp hiện đại, một chiều,… Nhìn chung, đơn vị này đảm bảo đủ vệ sinh nhưng có vi phạm nhỏ. Adora (quận Tân Bình) và Adora (quận 5) bị phát hiện cống thoát nước bị ứ đọng gấy mất an toàn thực phẩm. Hành vi như vậy bị xử phạt 8 triệu đồng. Tổng cộng tiền phạt từ hai chi nhánh là 16 triệu đồng. Theo tôi, trường hợp Adora là không xảy ra ngộ độc hàng hoạt mà chủ yếu là trường hợp lẻ ở thành phố và các tỉnh. Ban đang điều tra dịch tễ bao nhiêu người, thời gian bao lâu. Ngoài ra, còn xem thêm kết quả bệnh phẩm tại các bệnh viên có bệnh nhân đang điều trị.

Thanh Giang