Dân số vàng và chất lượng cuộc sống

Xuân Thuỷ 11/07/2019 08:00

Theo nhận định của giới chuyên gia, cơ cấu dân số nước ta đã và đang tiếp tục thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm 70% dân số. Dẫu thế, một vấn đề cũng đang được đặt ra: Làm thế nào để nâng cao chất lượng dân số, tận dụng cơ cấu dân số vàng để phát triển đất nước?

Dân số vàng và chất lượng cuộc sống

Việt Nam đang trong giai đoạn dồi dào lực lượng lao động trẻ.

Nhiều vấn đề cần phải giải quyết

Nhận định chung về công tác dân số, ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, công tác dân số đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, tuy nhiên trước tình hình thế giới và trong nước đã và đang có nhiều thay đổi, để đáp ứng yêu cầu chuyển trọng tâm công tác dân số từ Dân số - Kế hoạch hoá gia đình sang Dân số và phát triển, cần giải quyết toàn diện các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số, không chỉ đơn thuần là kế hoạch hoá gia đình.

Tuy nhiên, tới nay vẫn tồn tại một thực tế cách nghĩ trọng nam, khinh nữ. Việc nhiều gia đình muốn sinh con trai để “nối dõi tông đường” hay làm “trụ cột” trong gia đình vẫn tồn tại, điều đó đã khiến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trở nên nặng nề, đặc biệt là tại vùng nông thôn, các địa phương ở vùng sâu, vùng xa.

Ngay như tại huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở huyện Sóc Sơn đã lên tới 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Tại huyện Quốc Oai, Mỹ Đức là 117 trẻ trai/100 trẻ gái được sinh ra.

Theo ông Tạ Quang Huy- Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình Hà Nội, cùng với những định kiến về giới, một nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đó là công nghệ siêu âm xác định giới tính trước sinh khiến tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng tăng. Mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai mà còn dẫn tới tình trạng dư thừa trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự kiến đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ.

Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số

Bên cạnh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nhìn một cách tổng thể, chất lượng dân số ở nước ta vẫn còn thấp khi Chỉ số phát triển con người (HDI) nằm ngoài top 100. Những vấn đề về chiều cao, cân nặng, tầm vóc, sức bền thể lực của người dân… vẫn cần có giải pháp để khắc phục. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng dân số chưa cao, đó là: Nhận thức và tiếp cận sớm với tư vấn và khám sức khoẻ trước hôn nhân cũng như hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh còn nhiều hạn chế dẫn đến nhiều trẻ sinh ra mắc hội chứng Down, dị tật bẩm sinh, tăng động, tự kỷ,..

Đáng chú ý, hiện nay Việt Nam đang có khoảng 13 triệu người, tương đương 13% dân số mang gen bệnh tan máu bẩm sinh, trong đó tỷ lệ đồng bào ở miền núi chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20 đến 40%. Ngoài ra, tình trạng mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn ở độ tuổi vị thành niên/ thanh niên cũng là một nguyên nhân khiến chất lượng dân số đi xuống; nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn đang diễn ra tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên.

Chia sẻ về hoạt động nâng cao chất lượng dân số, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình TP Hà Nội cho biết, nhằm nâng cao chất lượng dân số, hiện nay tại Hà Nội nhiều mô hình được duy trì và nhân rộng tại các địa bàn trên toàn thành phố như: Mô hình chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên; mô hình tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân.

Ngoài ra, hằng năm các ngành, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình thành phố đã triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình trên địa bàn như Liên đoàn Lao động, Hội Kế hoạch hoá gia đình tổ chức các buổi truyền thông về kiến thức sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình cho các đối tượng là phụ nữ qua tuổi mãn kinh, nam giới, vị thành niên, thanh niên, công nhân lao động trong các khu công nghiệp; thành đoàn Hà Nội tổ chức chăm sóc sức khoẻ sinh sản/ kế hoạch hoá gia đình và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các đoàn viên thanh niên.

Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, tuy nhiên các con số của Tổng cục Dân số và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy giai đoạn “dân số vàng” của Việt Nam ngắn hơn nhiều so với các nước khác, chỉ vào khoảng 17 năm (tới khoảng năm 2025) do Việt Nam có thời kỳ “dân số vàng” và già hoá dân số diễn ra cùng một lúc. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới. Còn theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2030, tỉ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 12,9% và năm 2050 là 23%. Điều đáng nói là hiện nay chỉ có khoảng 10% số người cao tuổi có tiền tích luỹ và 70% không có lương hưu…

Như vậy rõ ràng cơ cấu dân số vàng Việt Nam mới chỉ có nghĩa là dân số trong độ tuổi từ 15 đến 64, chiếm tỷ lệ cao trong tổng dân số, mới chỉ mang lại khả năng và cơ hội chứ chưa phải là đã đem lại ngay kết quả cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. “Dân số vàng” mới chỉ là “vàng” về số lượng chứ chưa xét đến chất lượng.

Tất cả những điều này đặt ra hàng loạt thách thức cho Việt Nam trong việc tận dụng khai thác nguồn lực dân số, lao động cho phát triển kinh tế - xã hội. Đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa trong đầu tư chăm sóc sức khỏe cho người dân; trong việc tạo công ăn việc làm phù hợp cho người lao động theo trình độ, theo độ tuổi…

*Ngày 10/7, tại Hà Nội, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7 với chủ đề “25 năm sau Hội nghị Quốc tế về dân số và phát triển: Thúc đẩy tiến độ nhằm hiện thực hóa những nội dung đã cam kết”, với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành, đại diện các đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ. Phát biểu khai mạc tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, trong 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện 11 hành động ưu tiên được nêu trong Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng các nước châu Á-Thái Bình Dương về dân số và phát triển.M.Thuý

Xuân Thuỷ