Quan hệ Nhật - Hàn tăng nhiệt
Chính phủ Hàn Quốc hôm 10/7 phản ứng một cách giận dữ khi bác bỏ cáo buộc của phía Nhật Bản cho rằng họ làm ngơ trước hoạt động chuyển giao công nghệ nhạy cảm cho phía Triều Tiên, đi ngược lại các lệnh trừng phạt của LHQ. Phản ứng được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Nhật-Hàn gia tăng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: Reuters).
Cáo buộc lẫn nhau
Ông Sung Yun-mo – Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc – phát biểu trong một cuộc họp báo tổ chức tại Seoul rằng Chính phủ Hàn Quốc “không tìm thấy bằng chứng nào” cho thấy các công nghệ hay vật liệu bị cấm được chuyển giao cho Triều Tiên, đồng thời cáo buộc Nhật Bản “đưa ra những lời cáo buộc vô căn cứ”.
Theo Seoul, lý do thực sự mà Nhật Bản thắt chặt kiểm soát đối với các mặt hàng hóa chất xuất khẩu tới Hàn Quốc là nhằm trả đũa việc một số tòa án nước này ra phán quyết rằng, nhiều công ty Nhật nên trả tiền bồi thường cho những nạn nhân lao động ép buộc trong giai đoạn Đế quốc Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng nói rằng, ông đã ra chỉ thị hạn chế các mặt hàng hóa chất xuất khẩu vốn đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất công nghệ cao của Hàn Quốc, do quan ngại rằng các công nghệ bị cấm đang được Hàn Quốc chia sẻ với Triều Tiên.
Các lệnh hạn chế xuất khẩu này bắt đầu có hiệu lực từ hôm 11/7, trong đó sẽ tạm ngừng xuất khẩu sang Hàn Quốc chất Fluorinated Polyimide – đóng vai trò quan trọng trong sản xuất TV màn hình phẳng và điện thoại di động – và chất Photoresist, Hydrogen Fluoride – những hóa chất sử dụng trong chế tạo các bộ bán dẫn.
Một số nghiên cứu ước tính rằng, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG Electronics và SK Hynix, hiện chỉ còn trong kho một lượng hóa chất kể trên rất ít ỏi, trong khi việc tìm kiếm nguồn cung thay thế khác gần như là điều không thể bởi các công ty của Nhật đang ở vị thế độc quyền các loại hóa chất này.
Phái đoàn của Hàn Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đệ đơn tới Geneva trong hôm thứ Ba tuần này để phản đối quyết định thắt chặt xuất khẩu của Nhật Bản, mô tả động thái trên là đòn trả đũa kinh tế có động cơ chính trị.
Phía Nhật Bản bác bỏ cáo buộc trên và khẳng định rằng đây không phải vấn đề mà WTO có thể xử lý bởi Tokyo không hề ngừng hoàn toàn lượng hàng hóa chất xuất khẩu mà chỉ đang kiểm tra tăng cường chúng. Nhật Bản cũng bác bỏ đề nghị của Seoul trong việc mở các vòng thảo luận, nhắc lại rằng họ không có ý định gỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu trên.
Tổn thương quan hệ thương mại
Chính quyền Tokyo đã phản ứng rất tức giận trước nhiều quyết định mà chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đưa ra và cáo buộc Seoul đang rút khỏi một số thỏa thuận mà Chính phủ hai bên từng ký kết.
Nhật Bản nói rằng tất cả các vấn đề liên quan tới việc đền bù cho hành động của quân đội Nhật thời chiến đều đã được giải quyết trong một hiệp ước bình thường hóa quan hệ mà hai bên ký kết năm 1965, trong đó Nhật đã chi 500 triệu USD tiền bồi thường.
Phía Hàn Quốc cũng đơn phương hủy bỏ một thỏa thuận ký với Nhật năm 2017, trong đó cung cấp tiền bồi thường cho những nạn nhân làm việc trong các nhà thổ trong thời chiến. Đây là một thỏa thuận mà cả hai nước từng xem là niềm hy vọng sẽ khép lại trang sử đen tối giữa họ, và mở ra một thời kỳ quan hệ mới.
“Xét theo khía cạnh thương mại thì tình hình giữa hai nước hiện nay đang cực kỳ căng thẳng” – Martin Schultz, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Fujitsu ở thủ đô Tokyo, nhận định – “Nhật Bản đang cho rằng Hàn Quốc đã phá vỡ lòng tin của họ về chính trị, trong khi niềm tin trong quan hệ thương mại đã biến mất”.