Sức bật của khu vực kinh tế tư nhân
Ngày 10/7 vừa qua, Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 được công bố. “Đây tiếp tục là sự khẳng định của Chính phủ, các bộ, ngành về việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn bằng những hành động cụ thể nhất”- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định như vậy tại buổi công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã vượt lên trong thời gian qua.
Trong cuốn sách này, bức tranh doanh nghiệp (DN) Việt Nam được phác thảo khá rõ nét. Ở đó phản ánh rất rõ hoạt động của từng khu vực DN. Có thể thấy, sự quan tâm của Chính phủ đối với cộng đồng DN ngày càng sâu sát hơn với việc không chỉ đưa ra những chính sách mới thông qua Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 mà còn yêu cầu các bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh… nhằm “cởi trói” cho các DN. Việc xây dựng cuốn sách chuyên đề về cộng đồng DN - Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019 cho thấy, Chính phủ đang “dõi theo” từng bước đi của DN, mong muốn tạo môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho DN cũng như cho cả nền kinh tế.
Điều này được thể hiện rất rõ qua thông điệp mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ gửi tới cộng đồng DN tại Lễ công bố Sách trắng: “Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 là cơ sở tin cậy để so sánh hiệu quả kinh tế mang lại giữa các khu vực DN FDI, DN nhà nước, DN tư nhân trong đóng góp vào GDP, xuất khẩu, thu ngân sách cả nước, là những con số biết nói để từ đó đưa ra kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, địa phương để phát triển DN”.
Cần nhấn mạnh rằng, nếu như trước đây khu vực kinh tế tư nhân hầu như bị “bỏ rơi” thì nay cục diện đã thay đổi. Khu vực DN tư nhân đã được nhà quản lý nhìn nhận với tinh thần hoàn toàn khác, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được coi trọng hơn.
Nhìn lại bức tranh kinh tế tư nhân những năm qua, có thể thấy, những đóng góp của khu vực kinh tế này ngày càng thể hiện nhiều dấu ấn. Cụ thể, nếu như năm 2002 đóng góp của kinh tế tư nhân chỉ chiếm 27% GDP, thì đến năm 2018 khu vực này đã đóng góp tới hơn 42% GDP cho nền kinh tế. Đặc biệt khu vực DN tư nhân cũng tạo nhiều việc làm; số lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực kinh tế chiếm đa số lực lượng lao động và ngày càng tăng. Năm 2019, số lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm 83,3% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước, tương đương gần 45,2 triệu người (năm 2017 có 44,9 triệu người). Trong 2 năm 2017-2018, số DN thành lập mới đã tạo gần việc làm mới cho khoảng 2,3 triệu lao động.
Chưa bao giờ người ta thấy sự bứt phá mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân như thời điểm hiện nay. Đáng chú ý, các DN tư nhân ngày càng thể hiện vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế khi tham gia vào hàng loạt những công trình xây dựng lớn, trọng điểm của cả nước, trong đó có lĩnh vực cảng hàng không, cảng biển. Theo đó, hiện có 5 dự án hạ tầng cảng hàng không có sự tham gia của DN tư nhân đang được triển khai. Nếu như trước đây, trong những công trình lớn mang tầm cỡ quốc gia, người ta chỉ thấy sự hiện diện của các DN nhà nước, thì nay thế sự đã thay đổi. Các DN tư nhân cũng đã tham gia và ngay lập tức chứng tỏ sự hiệu quả. Bằng chứng là, nhiều công trình lớn đã được hoàn thành chỉ trong thời gian rất ngắn, điều hiếm thấy khi các DN nhà nước đảm nhận các công trình xây dựng cơ bản.
Nhiều dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam từ nay đến năm 2020 cũng đã bày tỏ sự lạc quan đối với khu vực kinh tế tư nhân khi cho rằng, kinh tế tư nhân đang tạo ra sức bật mới đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Có thể thấy, hơn lúc nào hết, khu vực kinh tế tư nhân đang trở thành tâm điểm và sự kiện công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019 một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, công bằng, tạo lực đẩy cho các thành phần kinh tế phát triển, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân.
Mặc dù thời gian qua, việc thực thi các chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại một số nơi chưa được như kỳ vọng, vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, song không thể phủ nhận, những nỗ lực của nhà quản lý đã thực sự mang lại hiệu quả rõ rệt. Bằng chứng là số DN thành lập mới lên đến con số 100.000 DN mỗi năm, quy mô vốn cũng tăng mạnh hơn so với trước. Thu ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân cũng trên đà “bứt phá” khi ở mức trên 15%/năm, cao khoảng gấp 2 lần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi nộp ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh của khu vực DN nhà nước lại giảm.
Có thể thấy, với những hành động mạnh mẽ từ phía Chính phủ, nhà quản lý, khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng lớn mạnh. Đây chính là đòn bẩy để thúc đẩy nội lực, tạo sự bứt phá cho khu vực kinh tế tư nhân. Và khi nội lực đã mạnh, chắc chắn, những mục tiêu, kỳ vọng của Chính phủ trong việc đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành một trụ cột của nền kinh tế sẽ được hiện thực hóa.