Anh cáo buộc Iran chặn tàu chở dầu ở eo biển Hormuz
Chính phủ Anh hôm 11/7 thông tin, 3 tàu vũ trang của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) đã cố tiếp cận và bắt giữ một tàu chở dầu của Anh trên Vịnh Ba Tư, nhưng bất thành - giới chức Mỹ hiểu biết về vụ việc cho hay.
Tàu khu trục HMS Montrose của Anh. (Nguồn: Reuters).
Iran định bắt tàu chở dầu của Anh
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Anh đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Iran “giảm thang tình hình trong khu vực”. “Tàu HMS Montrose đã buộc phải di chuyển vào vị trí giữa các tàu Iran và tàu Heritage, đồng thời đưa ra cảnh báo với các tàu của Iran, sau đó các tàu này đi mất” – Tuyên bố của Chính phủ Anh nêu rõ.
Theo đó, trong hôm 10/7, khi tàu chở dầu Heritage của Anh đang di chuyển qua Vịnh Ba Tư và đến eo biển Hormuz thì các tàu của Iran tiếp cận. Các tàu này ra lệnh cho tàu chở dầu của Anh đổi hướng và dừng lại ở vùng biển thuộc lãnh hải Iran - theo lời kể của các quan chức Mỹ. Thời điểm bấy giờ, một máy bay của Mỹ đang hoạt động bên trên và ghi lại toàn bộ sự việc.
Tàu khu trục HMS Montrose lúc đó đang hộ tống tàu chở dầu Heritage từ phía sau. Tàu này đã hướng dàn súng về phía các tàu Iran và đưa ra cảnh báo không được tiếp cận, và các tàu này đã làm như vậy. Được biết tàu Montrose được trang bị nhiều súng máy đồng trục cỡ nòng 30 mm chuyên dùng để xua đuổi các tàu cỡ nhỏ. Giới chức Anh trước đó cũng xác nhận tàu Montrose đang hiện diện trong khu vực để thực hiện “nhiệm vụ an ninh hàng hải”.
Sau khi Anh đưa ra tuyên bố về vụ việc, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã bác bỏ báo cáo mà phía Anh đưa ra, gọi đây là báo cáo “vô giá trị” – theo Hãng thông tấn Fars của Iran.
Căng thẳng trên Vịnh Ba Tư đã tăng đột biến trong những tuần gần đây, khi mà Iran đang bắt đầu ngừng tuân thủ một số cam kết của Thỏa thuận hạt nhân mà họ ký với các siêu cường thế giới năm 2015, nhằm phản ứng trước các đòn trừng phạt mà Mỹ áp đặt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân từ năm ngoái và áp đặt trở lại nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế của Iran, nói rằng Thỏa thuận trên đã thất bại trong việc ngăn chặn chương trình tên lửa của Iran và giải quyết mối quan ngại của LHQ về các hoạt động của Tehran ở khu vực Trung Đông.
Căng thẳng gia tăng
Tuy nhiên, vụ việc trên không bị đẩy thành “điểm nóng” trong loạt vụ việc liên quan tới Iran thời gian qua. Trước đó chỉ 1 tuần, hải quân Anh đã ập lên một tàu vận tải của Iran bị nghi đang chở dầu tới Syria. Tháng trước, căng thẳng giữa Mỹ và Iran tăng nhiệt sau khi một máy bay không người lái của Mỹ bị Iran bắn hạ gần eo biển Hormuz.
Cùng thời điểm, châu Âu và Mỹ đang tỏ ra hết sức quan ngại sau khi Iran bắt đầu nâng mức độ làm giàu uranium, ngừng tuân thủ cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015. Mỹ đã rút khỏi Thỏa thuận này vào năm 2018 và áp đặt trở lại các đòn trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran.
Trong hôm thứ Tư vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo rằng Anh “sẽ sớm gặp hậu quả” sau khi giới chức Gibraltar và hải quân Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của nước này hồi tuần trước. Trong phiên họp Nội các, ông Rouhani nói rằng: “Tôi nói với nước Anh rằng chính họ là người gây ra tình trạng không an toàn và các bạn sẽ sớm đối mặt với hậu quả”.
Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford hôm thứ Ba tuần này nói rằng Mỹ và các đồng minh đang làm việc để thành lập một liên minh gồm nhiều nước để tăng cường tự do hàng hải trong khu vực Trung Đông.
“Chúng tôi - Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng và tôi- đã có một cuộc thảo luận trong ngày hôm nay. Và chúng tôi giờ sẽ làm việc với một số quốc gia để bàn xem liệu có thể thành lập một liên minh để đảm bảo tự do hàng hải ở cả eo biển Hormuz và Bab el Mandeb không” - ông Dunford nói.