Nga bắt đầu chuyển giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12/7 cho hay họ đã nhận được gói hàng thiết bị đầu tiên của hệ thống phòng không S-400 của Nga, bất chấp sức ép ghê gớm từ Washington buộc họ phải hủy thương vụ vũ khí với Nga.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga (Nguồn: RT).
Gói hàng đầu tiên
Các trang thiết bị của hệ thống được mệnh danh là “rồng lửa” này đã được Moscow chuyển tới sân bay quân sự Murted nằm ở vùng ngoại ô thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ trong hôm thứ Sáu - Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói trong một tuyên bố vắn đưa ra cùng ngày.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trong năm 2017 đã ký kết hoàn tất một thương vụ mua bán các hệ thống phòng không S-400. Bản thỏa thuận này lập tức khiến chính quyền Ankara bị đặt ở vị trí bất đồng với Washington - bên cực lực phản đối thỏa thuận này, cho rằng việc mua các vũ khí hiện đại của Nga gây phương hại tới an ninh của khối đồng minh NATO và đi ngược lại các lợi ích của Mỹ.
Nhằm gây sức ép để chính quyền Ankara hủy thỏa thuận mua bán vũ khí với Nga, Mỹ đã ngừng thỏa thuận bán chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tháng trước, Lầu Năm Góc đã công bố các kế hoạch chấm dứt tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình phát triển F-35 vào ngày 31/7.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với Reuters rằng Ankara nên chuẩn bị sẵn tinh thần hứng chịu những ảnh hưởng đối với nền kinh tế nước họ khi thực hiện thỏa thuận vũ khí với Nga, ám chỉ khả năng Washington áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào nước đồng minh NATO này.
Từ trước đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ luôn bác bỏ những lời kêu gọi của Mỹ nhằm hủy thương vụ vũ khí với Nga, cho rằng họ được quyền tự do lựa chọn nước cung cấp vũ khí cho mình. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng, việc loại bỏ một quốc gia khỏi chương trình phát triển F-35 là hành động “ăn cướp” bởi Ankara đã đầu tư nhiều tiền của vào chương trình này.
Tương tự, Washington cũng đang cố gắng thuyết phục Ấn Độ ngừng mua các hệ thống phòng không S-400. Chính quyền New Delhi đã đạt được thỏa thuận mua nhiều hệ thống phòng không này với Moscow vào tháng 10 năm ngoái. Giới chức Ấn Độ giờ đang tìm cách nhận được một dạng chương trình khuyến khích của Mỹ, cho phép nước này mua vũ khí mà không chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Moscow.
“Chúng tôi sẽ làm những điều có lợi cho đất nước chúng tôi”- Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar phát biểu sau các vòng đối thoại với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo hồi tháng trước.
Căng thẳng ngoại giao
Trước đó, hôm 10/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng kêu gọi Mỹ tránh có những bước đi gây hại cho quan hệ song phưng hai nước sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tái khẳng định lời cảnh báo về việc Ankara sẽ phải đối mặt với “những hậu quả tiêu cực thực sự” vì mua các hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.
“Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ hãy tránh những bước đi sai lầm, ngoài những bước đi ngoại giao và đối thoại. Những bước đi sai lầm đó sẽ gây hại cho mối quan hệ song phương” - phát ngôn viên Hami Aksoy phát biểu.
Trước đó, sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, Tổng thống Erdogan đã nói rằng, Nhà lãnh đạo Mỹ không có ý định áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ankara vì việc nước này mua các tên lửa S-400. Ông Trump lúc đó nói rằng, Thổ Nhĩ Kỹ không được đối xử công bằng, nhưng cũng không loại trừ khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào đồng minh.
Mỹ cho rằng, các tên lửa S-400 sẽ không tương thích với mạng lưới phòng thủ của NATO và có thể gây phương hại đến những chiếc chiến đấu cơ tàng hình F-35 của tập đoàn Lockheed Martin.
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5 - 27 km trong phạm vi 400 km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500 km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s.
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.