Nhà văn Nguyễn Thế Hùng: Quê hương đất nước mình đẹp vô cùng!
Cách đây hơn mười năm, tôi từng gọi nhà văn Nguyễn Thế Hùng là “nhà văn rất có duyên với các giải thưởng văn chương”, vì đó là khoảng thời gian, có giải văn chương nổi bật nào là thấy tên anh trong danh sách.
Nhà văn Nguyễn Thế Hùng.
Nhìn ảnh nhà văn Nguyễn Thế Hùng chụp cùng ba cô con gái đã lớn mới chia sẻ, tôi chợt nhớ về hình ảnh một người lính trẻ đang theo học Khoa Sáng tác & Lý luận Phê bình Văn học - Trường ĐH Văn hóa (Trường viết văn Nguyễn Du) cách đây mười lăm năm, trong một căn phòng nhỏ gọn gàng ngăn nắp dành riêng cho hai nhà văn mặc áo lính: Đỗ Tiến Thụy và Nguyễn Thế Hùng. Đỗ Tiến Thụy ngồi tiếp chuyện tôi còn Nguyễn Thế Hùng lặng lẽ vo gạo thổi cơm… Sau buổi gặp ấy, hai nhà văn tiếp tục mời tôi ăn một bữa cơm sinh viên tại quán cơm bụi gần trường Nguyễn Du. Bữa ăn ấy rất tươm tất so với túi tiền sinh viên của tôi và của hai anh lúc bấy giờ.
Cũng sau mười lăm năm, lần đầu tiên tôi có buổi trò chuyện dài với nhà văn Nguyễn Thế Hùng. Nếu nói nhà văn mặc áo lính có gì khác, thì đó là tác phong nhanh nhẹn, trách nhiệm, chuẩn mực, mà lúc nào cũng cười và hài hước được. Anh kể:
- Học đại học là ước mơ cháy bỏng của tôi, nhưng vì nhiều lý do, tôi đã vào lính, học các lớp chuyên môn trong quân đội. Tốt nghiệp Trường sĩ quan Lục quân 2, khi ấy tôi gần 30 tuổi, nghĩ rằng trong quân đội học như thế cũng là đủ rồi, muốn ổn định cuộc sống lâu dài ở Đồng bằng sông Cửu Long, tôi đã quyết định cưới vợ. Vợ đang mang bầu bốn tháng thì tôi nhận được điện thoại của Tổng cục Chính trị thông báo có khóa học như thế, nếu muốn đi học thì làm hồ sơ đi thi. Nửa muốn đi, nửa muốn không, nhưng được vợ động viên, đặc biệt là cha tôi từ quê điện vào bảo con nên đi học, thế là lại làm hồ sơ, ôn, thi...không ngờ đậu.
Khác với các khóa trước, khóa chúng tôi theo học đa số là các sinh viên mới tốt nghiệp phổ thông, “già” như tôi chỉ có bốn người. Lương tháng tôi chia đều nửa về miền Nam nửa ở lại miền Bắc. Lương trung úy cũng không được cao cho lắm nên thường sống bằng nhuận bút viết báo là chính.
Việc học bài bản từ trường lớp đã mang lại cho việc sáng tác của anh những gì?
- Chúng tôi biết sâu hơn các trường phái sáng tác, về lý luận văn học nghệ thuật, về cách sử dụng ngôn ngữ, cách dựng truyện, bố cục... Nói chung khi sáng tác, chúng ta có thể không nghĩ đến những điều đó, nhưng được học nên nó đã ngấm và chuyển hóa, giúp mình tự tin hơn trong sáng tác và trong các cuộc nói chuyện về văn chương.
Với anh, một nhà văn thì cần nhất là tài năng trời phú, nên họ có nhất thiết phải học bài bản về văn chương qua trường lớp đào tạo không?
- Không nhất thiết phải học qua trường lớp bài bản, nhưng nếu có điều kiện học thì vẫn tốt hơn. Giống như một người lái ô tô trên đường vậy, có thể anh chưa có bằng lái, anh tự học vẫn lái được, nhưng khi anh đi học bài bản, tin chắc rằng anh sẽ lái đúng luật và tự tin hơn. Không ít người đã nói chưa học thì còn viết được, học xong chả viết được gì, họ nói thế vì tôi tin là họ chưa từng đi học bài bản. Những người học xong không còn viết được nữa là bởi cái duyên văn, tài năng sáng tạo của họ chỉ đến đó mà thôi, học hay không học rồi thì họ cũng dừng lại ở đó, vì như chúng ta đã thấy: Thường sáng tác văn chương có gian đoạn của nó, có người không đi học nhưng cũng dừng lại sau một thời gian sáng tác.
Khi theo học bài bản về sáng tác văn chương trong trường, anh đã sáng tác chưa và tác phẩm của anh theo đề tài gì?
- Thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du phải qua hai vòng, vòng một là gửi hồ sơ và tác phẩm đến, vòng 2 là thi văn hóa. Thi vào chuyên ngành văn xuôi ít nhất phải có 4 tác phẩm. 4 tác phẩm của tôi được tính điểm A+, điểm này được nhân đôi và cộng thêm điểm thi văn hóa để lấy điểm đầu vào. Tôi đỗ vào trường nhờ vào điểm thi năng khiếu A+, chứ điểm thi văn hóa không đấu lại với các em các cháu mới tốt nghiệp Phổ thông trung học. Năm đó toàn quân có 5 người nộp hồ sơ thi nhưng chỉ có tôi và Đỗ Tiến Thụy đậu. Đa số tác phẩm thời ấy tôi đều viết về người lính, chiến tranh và cách mạng.
Xin anh chia sẻ về các giải thưởng. Chúng có ý nghĩa ra sao với anh?
- Thực chất thì trước khi vào trường tôi đã có giải thưởng về bút ký ở Hội Văn nghệ Cần Thơ, và ở báo Tuổi trẻ rồi và năm 2006 ra trường thì năm 2005 tôi đoạt giải Nhất truyện ngắn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và giải đặc biệt 10 năm viết Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội. Năm tôi ra trường thì đoạt giải truyện ngắn Văn nghệ Quân đội. Ấn tượng với tôi là giải thưởng cuốn tiểu thuyết đầu tay “Họ vẫn chưa về”. Bởi vào chung khảo Hội Nhà văn Hà Nội năm 2009 có cuốn của tôi, của nhà văn lão thành Ma Văn Kháng và nhà văn kỳ cựu Nguyễn Quang Lập. Được đứng chung đã khoái rồi, kết quả năm đó cuốn của nhà văn Ma Văn Kháng vào giải Hội Nhà văn Hà Nội, còn cuốn của tôi đoạt giải của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thủ đô Hà Nội.
Có ai đó từng nói: Giải thưởng không làm nên nhà văn, câu nói đó đúng nhưng chưa đủ. Tôi nghĩ giải thưởng chấm đúng, chấm nghiêm túc của các nhà văn uy tín sẽ “là một cái gì đó” đối với bản thân nhà văn được giải, bản thân những người chấm giải và cả một nền văn học. Tôi chưa bao giờ viết uốn theo đề tài để lấy giải, để săn giải, nhưng tôi tự hào về những gì mình nhận được, đó là công lao của tôi, là sự ghi nhận của các nhà văn tên tuổi và các cơ quan tổ chức... Đối với nhà văn, có giải hay không có giải thì họ vẫn viết, nhưng việc được ghi nhận cũng rất cần thiết đối với họ. Ghi nhận bằng nhiều hình thức, trong đó có ghi nhận qua các giải thưởng.
Khi chuyển công tác từ quân đội sang bên công an, có gì thay đổi trong sáng tác và cuộc sống của anh không?
- Tôi nghĩ là có nhưng không nhiều lắm, vì đều trong lực lượng vũ trang cả, công việc thì tôi vẫn làm mảng văn xuôi, ngày trước chọn truyện thì nếu hai truyện hay bằng nhau thì ưu tiên chọn truyện viết về Quân đội và tác giả quân đội, giờ thì hai truyện ngang nhau thì ưu tiên chọn truyện viết về Công an và tác giả là công an. Còn cuộc sống và bạn bè thì vẫn thế thôi, bạn văn đôi khi không phân biệt cơ quan, đơn vị, vùng miền...
Tiểu thuyết “Kẻ nằm người ngồi” của nhà văn Nguyễn Thế Hùng sắp ra mắt bạn đọc.
Khi đọc tác phẩm của anh, tôi thấy anh thường để ý đến nội dung và tập trung kể câu chuyện, cả thơ ca thì cũng rõ nghĩa?
- Tôi thường có ý nghĩ thế này, tác phẩm văn chương nó đa tầng, đa nghĩa, nhưng mình cố gắng sáng tác thế nào để mỗi người đọc đều hiểu được ít nhất một nghĩa phù hợp với tầm đón đợi của họ. Có bạn đọc đã từng nói rằng không ít tác phẩm của tôi ban đầu họ đọc thì hiểu thế này, nhưng sau một thời gian đọc lại thì lại hiểu thêm một lớp nghĩa mới. Tôi cố gắng làm điều đó, nhưng không phải khi nào cũng làm được.
Văn chương của anh là kể chuyện về cuộc sống, những gì bình dị mà ta dễ gặp ở đời thường?
- Tưởng tượng là đôi cánh của hiện thực, không có sự tưởng tượng nào dù là vô lý nhất mà không xuất phát từ hiện thực cuộc sống, tôi tin thế.
Khi đọc tác phẩm của anh sẽ thấy tình yêu thương quê hương đất nước của anh sâu đậm, qua cảnh vật và con người?
- Cảm ơn bạn đã thấy được điều đó, và đó cũng là ước muốn của tôi vì tôi nghĩ quê hương đất nước mình đẹp vô cùng. Nói vậy thì nghe sến quá phải không? Nhưng tôi nghĩ không có câu nói nào đúng hơn câu ấy.
Tư tưởng thực sự của anh sau mỗi tác phẩm là gì?
- Mỗi tác phẩm đều có nội dung tư tưởng khác nhau, nhưng tôi rất thích câu: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Vâng, tôi chỉ muốn làm con dân đất Việt, ở trên đất Việt, viết bằng tiếng Việt, về những trăn trở của người Việt, thế thôi.
Quá trình viết, anh có chú tâm đến kỹ thuật viết không và đó là những yếu tố nào?
- Không bao giờ, những suy nghĩ đó chỉ đến trước khi viết, còn khi viết thì chỉ nghĩ đến việc viết mà thôi. Vì nội dung câu chuyện sẽ quyết định hình thức thể hiện.
Hiện anh dành thời gian cho sáng tác ra sao?
- Tôi không có lịch cụ thể cho việc sáng tác, thường là xen giữa các giờ họp hành hay biên tập bài vở, đôi khi là ban đêm... Tôi thường nghĩ lâu hơn viết, và đôi khi viết thì lại chả theo cái nghĩ ban đầu tẹo nào. Nghĩ như là một cái cớ để vào truyện mà thôi. Thường nếu khi viết cảm thấy cạn mạch thì tôi đi làm việc khác và tiếp tục nghĩ, khi nào chín lại viết tiếp.
Là một biên tập viên, anh có những đòi hỏi gì về tác phẩm mà anh sẽ chọn đăng không?
- Có chứ, đòi hỏi đầu tiên là nó phải hay, nhân văn và... có ích cho bạn đọc, cho xã hội. Tôi không thích những tác phẩm đọc chỉ để giải trí đơn thuần. Tôi thích những tác phẩm “phải có một điều gì đó sau con chữ” nhưng không phải khi nào cũng chọn được nhưng tác phẩm như thế.
Vậy còn dự định về sáng tác của anh?
- Nếu không có gì thay đổi, cuối tháng 7 đầu tháng 8 này tôi sẽ có cuốn tiểu thuyết “Kẻ nằm người ngồi” ra mắt bạn đọc. Tôi không có lịch sáng tác, nhưng tôi nghĩ là tôi vẫn tiếp tục viết.
Xin cảm ơn anh!