Chặn nạn 'đội lốt' hàng Việt
Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, được Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, nhất là gian lận xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn việc Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Đề án này lập tức nhận được sự ủng hộ của doanh nghiệp, người dân.
Giữ gìn thương hiệu hàng hóa là điều rất cần thiết trong quá trình hội nhập.
Ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Song, bên cạnh đó, cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ, trong đó, nguy cơ lớn nhất mà chúng ta đang được cảnh báo từng ngày, từng giờ, đó là việc một số nước lợi dụng các ưu đãi về thuế quan mà Việt Nam được hưởng để xuất khẩu hàng hóa của họ sang nước thứ ba. Điều này cũng đã được Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) chỉ rõ: Tình trạng gian lận là hàng xuất xứ Việt Nam để xuất đi nước ngoài hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh thuế cao ngày càng diễn biến phức tạp.
Theo Báo cáo cạnh tranh của Bộ Công thương, chỉ tính riêng trong năm 2018, Việt Nam đã đối mặt với 140 vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước. Chiếm nhiều nhất trong tổng số các vụ kiện là hình thức chống bán phá giá (87 vụ), tiếp theo là chống trợ cấp (37 vụ) và 16 vụ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu. Dễ thấy, hai thị trường chúng ta gặp nhiều vấn đề nhất liên quan đến câu chuyện xuất xứ hàng hóa phải kể đến thị trường châu Âu và Hoa Kỳ. Bởi đây là hai thị trường nhập khẩu lớn nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.
Dư luận vẫn chưa quên sự việc Hải quan Mỹ từng phát hiện Công ty FINEWOOD Việt Nam có hành vi nhập khẩu mặt hàng gỗ dán từ Trung Quốc, sau đó đưa về nhà xưởng để thay đổi nhãn mác và xuất khẩu sang Mỹ với xuất xứ Việt Nam. Doanh nghiệp (DN) có hành vi làm giả chứng nhận hàng hóa xuất xứ (C/O) do Việt Nam cấp nhưng thực tế hàng hóa không được nhập khẩu vào Việt Nam hoặc hàng hóa đã xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam (làm giả C/O từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam). Thủ đoạn gian lận C/O thường thấy nhất là DN Việt Nam (gồm cả DN có vốn đầu tư nước ngoài) sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu chỉ trải qua công đoạn gia công, chế biến hoặc lắp ráp đơn giản chưa đáp ứng quy tắc C/O nhưng vẫn khai C/O Việt Nam; hợp lý hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận C/O của Việt Nam hoặc giấy chứng nhận xuất khẩu. Đây không phải là giấy chứng nhận xuất xứ nhưng có thể là cơ sở để DN làm giả C/O.
Giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo: Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung Quốc căng thẳng cũng tạo ra nguy cơ Việt Nam bị lợi dụng để đưa hàng vào Việt Nam sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Và, cũng thật đáng lo ngại chính là sự tiếp tay của DN Việt cho hành vi này, nhằm mục đích trục lợi trước mắt. Việc này không chỉ là trách nhiệm của DN mà còn là trách nhiệm của nhà quản lý trong việc ngăn chặn nguy cơ này. Chính Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, thực trạng của việc gian lận xuất xứ hiện nay đặt ra vấn đề cần phải hoàn thiện khung khổ pháp luật.
Không chỉ hàng hóa xuất khẩu bị “đội lốt” hàng Việt, mà ngay chính hàng hóa trong nước làm giả cũng đang bị giả mạo là hàng “made in Vietnam”. Sự việc của Asanzo diễn ra mới đây hay tình trạng nông sản “đội lốt” xuất xứ Đà Lạt đánh lừa người tiêu dùng… là những minh chứng cho thấy còn tồn tại quá nhiều lỗ hổng trong khung khổ pháp lý để các đối tượng dễ dàng lợi dụng.
Chính vì thế, Chính phủ đã có những động thái nhằm siết chặt tình trạng này. Mới đây nhất là Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” do đích thân Thủ tướng Chính phủ ký. Và thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công thương cho biết Bộ cũng đang xây dựng một thông tư hướng dẫn việc cấp chứng nhận sản xuất tại Việt Nam, dành cho mọi sản phẩm tiêu thụ tại Việt Nam. Đó chính là quyết tâm mạnh mẽ của nhà quản lý trong việc ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ hàng hóa để bảo vệ các DN chân chính. Những động thái đó là rất cần thiết, song sẽ là chưa đủ nếu chỉ một phía nhà quản lý nỗ lực ngăn chặn. Bản thân các DN Việt Nam cũng cần nhận thức được rằng, nếu chỉ thuần túy vì lợi nhuận, đánh mất lòng tự tôn dân tộc, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ thì sẽ không chỉ chính DN đó bị thiệt hại, mà sẽ ảnh hưởng đến cả các DN làm ăn chân chính, lúc đó, nguy cơ cả nền kinh tế nước nhà bị tổn hại là rất lớn.