Nhà báo Đinh Duy Phương (VTV): Nghề tay trái không nhất thiết phải liên quan đến 'cây bút'
“Hiện nay có khá nhiều anh em báo chí có “nghề tay trái”, có người vì sở thích kinh doanh, có người muốn thử sức ở lĩnh vực mới... Nhiều người làm báo có kinh doanh nghề tay trái nhưng nghề đó không nhất thiết phải liên quan đến “cây bút”.
“Từ nhỏ tôi đã có một đam mê, đó là làm phóng viên, biên tập viên của Đài Truyền hình. Mỗi lần xem chương trình Thời sự, tôi đặc biệt thích các phóng sự điều tra và phóng viên đưa tin tác nghiệp từ hiện trường từ vùng bão lũ. Từ đó, tôi quyết tâm lớn lên sẽ biến ước muốn của mình thành sự thật.
Năm 2006, tôi được thực tập trong Đài Truyền hình Việt Nam, sau đó được đơn vị giữ lại công tác cho tới nay. Trong thời gian đầu, tôi được các anh chị đi trước chỉ bảo rất nhiệt tình. Mỗi lần đi tác nghiệp thực tế, tôi cảm thấy rất nhiều điều mới mẻ và khác so với những ngày ngồi trên ghế nhà trường học lý thuyết. Kỷ niệm lớn nhất của tôi khi mới đi làm ở VTV là tôi được đi tác nghiệp tại APEC 2006. Cảm giác lúc bước vào Trung tâm Hội nghị Quốc gia quả thật rất choáng ngợp. Đặc biệt, khi Ban Tổ chức giới thiệu Thủ tướng nước chủ nhà Việt Nam tham dự, quả thực lúc đó tôi rất tự hào, tự hào là một công dân Việt Nam... Báo mạng hiện nay với thế mạnh thông tin từ khi thu nhận đến khi phát hành đều được diễn ra rất nhanh chóng, với những thao tác hết sức đơn giản nên có thể tức thời và phi định kỳ, luôn sống 24h/ngày, 7 ngày/tuần. Vì vậy, áp lực với những phóng viên, biên tập viên là cần cập nhật nhanh, hiện đại và chuẩn xác các thông tin đến với cộng đồng, đối với người đọc, người nghe. Và để đáp ứng với thời đại 4.0, tôi nghĩ rằng các nhà báo cần không ngừng học hỏi, đào tạo để hoàn thiện bản thân. Trong tác nghiệp, các nhà báo cần phải đa kỹ năng để sử dụng các phương tiện khác nhau. Nhà báo có thể hoạt động độc lập với tòa soạn mà vẫn phản ánh kịp thời các sự kiện, chất lượng tốt.
Theo quan điểm của tôi, nghề báo là cả một sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả máu và nước mắt của những người làm báo. Chị có thể thấy như vụ Bảo kê chợ Long Biên (Hà Nội), để có thể đưa thông tin tới khán giả, phóng viên Liên Liên của VTV đã bị các đối tượng đe dọa giết và khủng bố tinh thần như thế nào. Hay dịp giáp Tết vừa rồi, nhà báo Đình Chiểu (phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam thường trú tại tỉnh Kon Tum) đã bị các đối tượng hành hung khi phản ánh về vấn nạn “đất tặc”. Và còn rất nhiều các trường hợp phóng viên báo chí bị đe dọa và bị tấn công khi muốn đưa thông tin tới độc giả, khán giả... Bên cạnh đó, theo ý kiến cá nhân của tôi, các nhà báo trẻ tuổi cần có năng lực nghề nghiệp, vừa phải có tầm hiểu biết rộng về mọi mặt của đời sống xã hội, vừa phải nắm vững quan điểm của Đảng, luật pháp của Nhà nước, sự nhạy bén trước những vấn đề, sự kiện nóng của đời sống xã hội và cuộc sống để có thể truyền tải được thông tin một cách tốt nhất tới độc giả, khán giả... Như chị hỏi, thu nhập từ báo chí hiện nay nhìn chung có phải đang khó khăn đối với các nhà báo không? Điều này theo tôi cũng không hẳn, vì hầu hết những người đã chọn nghề báo đều sống bằng niềm đam mê viết của chính mình nên vấn đề tiền bạc không phải là điều quan trọng nhất. Đó là ý kiến cá nhân của tôi.
Tôi có một người bạn, cô ấy là một nhà văn nhưng công việc chính là công chức nhà nước. Ngoài viết ra những tác phẩm hay và lôi cuốn bạn đọc, người bạn của tôi còn rất “mát tay” trong việc kinh doanh (dưới góc nhìn của tôi là vậy). Tôi từng được nghe cô ấy kể rằng những ngày đầu bắt tay vào “buôn bán” rất khổ cực, không một ai đỡ đần, phải lo từng viên gạch, con ốc vít cho thợ để chuẩn bị cửa hàng. Sau đó, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, bạn tôi đã có được sự tin tưởng của rất nhiều khách hàng. Bây giờ nói về trầm hương, hẳn những người yêu thích trầm không lạ gì cô bạn của tôi...
Ngoài nghề báo, tôi có kinh doanh nghề tay trái và hiện tôi đang có mở một shop thời trang. Công việc kinh doanh này bắt nguồn từ sở thích đam mê đồ thời trang của tôi. Và năm 2017, tôi quyết định mở shop để hiện thực hóa niềm đam mê của mình. Trước đây, tôi từng bán hàng online (order giày, dép, quần áo) vào những năm 2007-2009. Thời gian đầu, tôi nhận được rất nhiều đơn hàng, khách tới đặt và mua đồ rất nhiều. Nhưng sau, khách qua ủng hộ nhiều quá và tôi không phục vụ được hết và lúc đó việc buôn bán cũng ảnh hưởng tới giờ giấc công việc chính nên tôi quyết định ngừng kinh doanh.
Để cân bằng được công việc chính là làm báo và làm các việc khác ư? Về công việc chính, tôi vẫn hoàn thành những nhiệm vụ được cơ quan giao. Còn ở mảng kinh doanh, tôi may mắn khi có một người bạn quản lý giúp tôi cửa hàng và hệ thống cộng tác viên rất ổn. Vì vậy, công việc kinh doanh hiện nay tôi không phải vướng bận gì nhiều. Trong thời gian sắp tới, tôi vẫn sẽ sống và làm việc hết mình với đam mê viết báo. Tôi sẽ luôn cố gắng hoàn thiện bản thân để có thể cho ra những tác phẩm, phóng sự hay tới độc giả và khán giả”.