MTTQ Hà Tĩnh tiếp nhận hơn 700 kiến nghị của cử tri gửi đến HĐND
Thông qua nhiều kênh, MTTQ Hà Tĩnh đã tiếp nhận 724 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đến kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa 17.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Mai Thủy trình bày báo cáo tại kỳ họp.
Chiều 15/7, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Mai Thủy đã có báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giám sát và xây dựng chính quyền đến kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa 17.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm, Mặt trận các cấp đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm của cấp uỷ, chính quyền, không ngừng đa dạng hoá và đổi mới các hình thức tập hợp; phát huy dân chủ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động.
Đưa Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các hoạt động vì người nghèo đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả thiết thực.
MTTQ và các tổ chức thành viên tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề. Bên cạnh đó, MTTQ luôn chú trọng phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở.
Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và đại biểu dân cử. Tham gia các cuộc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy; phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu QH, đại biểu HĐND tỉnh…
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa 17, qua nhiều kênh trực tiếp và gián tiếp, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận được 724 ý kiến, kiến nghị phản ánh của cử tri và nhân dân. Trong đó có nhiều vấn đề khiến cử tri, nhân dân hết sức băn khoăn.
“Việc thực hiện các chính sách về nông nghiệp, nông thôn và tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới” cử tri mong muốn HĐND tỉnh tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh nâng mức hỗ trợ xây dựng vườn mẫu (mức hỗ trợ như hiện nay 5 triệu đồng/ vườn là thấp). Trong khi để hoàn thành tiêu chí vườn mẫu cần 50-70 triệu đồng/vườn, có vườn trên 100 triệu đồng đồng thời kéo dài thời gian áp dụng.
Về việc thực hiện tiêu chí môi trường đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới được xem là khó thực hiện nhất và khó bền vững nhất. Nguyên nhân là do môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khâu xử lý chất thải chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất nghề… chưa thực sự được coi trọng.
Các đại biểu dự kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa 17.
Cử tri mong muốn HĐND, UBND tỉnh, Sở TNMT, chính quyền các địa phương đề ra giải pháp tối ưu trong phân loại, xử lý rác thải, khuyến khích xã hội hóa việc xử lý rác thải và thực hiện đồng bộ các giải pháp để môi trường sống của nhân dân được tốt hơn.
Đối với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cử tri đề nghị việc thực hiện chủ trương sáp nhập lần này cần có lộ trình, bước đi thích hợp, thận trọng để đảm bảo tính bền vững, tránh việc sáp nhập không hiệu quả, tách - nhập nhiều lần, gây mất ổn định, lãng phí, tốn kém, làm ảnh hưởng đến niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Công tác sắp xếp, bố trí cán bộ là vấn đề trọng tâm, là mối quan tâm hàng đầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình thực hiện chủ trương, đề án sáp nhập. Sau khi sáp nhập sẽ dư thừa nhiều cán bộ, số lượng cấp trưởng, nhất là cán bộ cấp phó dư thừa.
Đặc biệt, đối với những huyện có số lượng các xã phải sáp nhập lớn, sáp nhập 3 xã với nhau thì việc lựa chọn, bố trí cán bộ, công chức cho xã mới sẽ gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ chủ tịch MTTQ và trưởng các đoàn thể chính trị xã hội cấp xã khi giữ chức vụ cấp phó sẽ trở thành cán bộ không chuyên trách…
Cử tri và nhân dân đồng tình, đánh giá cao sự năng động, sáng tạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, đặc biệt là việc ban hành các cơ chế, chính sách bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn trước việc giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân.
Giá điện ngày càng cao, cách thức tính giá điện, biểu giá bán lẻ áp dụng cho người dân sử dụng điện sinh hoạt chưa hợp lý. Đề nghị HĐND, UBND tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra việc niêm yết giá cả các mặt hàng trên thị trường. Khuyến khích hình thành và phát triển thị trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng các doanh nghiệp có vị thế độc quyền định giá không hợp lý, thiếu minh bạch.
Thời gian gần đây, mặc dầu tỉnh và các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp nhưng tình hình các tai, tệ nạn xã hội vẫn có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy với quy mô, số lượng rất lớn; hoạt động “tín dụng đen”, đánh bạc qua mạng ngày càng tinh vi… làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân, tác động xấu đến môi trường đầu tư của tỉnh…
Đề nghị tỉnh tăng cường chỉ đạo ngành Công an, các ngành chức năng, địa phương có các biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.