Góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX
Ngày 15/7, tại Hà Nội, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị góp ý của các cơ quan ở Trung ương vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có ông Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban Đảng, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cùng thành viên Tiểu ban, Tổ giúp việc của Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam.
Góp ý vào dự thảo báo chính trị, các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung vào các nội dung trọng tâm như: Tiêu đề của báo cáo chính trị và chủ đề đại hội; Bố cục của báo cáo chính trị; Đánh giá về tình hình khối đại đoàn kết và các tầng lớp nhân dân; Nhận định, đánh giá nguyên nhân của những kết quả đạt được, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm; Nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ tới.
Xuất phát từ thực tế hiện nay khi tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, ông Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, báo cáo chính trị cần làm rõ vai trò của Mặt trận các cấp khi trực tiếp tham gia vận động nhân dân, giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đối với những vấn đề phát sinh tại địa phương.
“Mặt trận phải là trung tâm lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường năng lực giám sát, phản biện xã hội của nhân dân thông qua kênh Mặt trận, từ đó phát huy hiệu quả vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân”, ông Đỗ Văn Đương bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng báo cáo chính trị cần làm rõ hơn hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận. Mặt trận cần chủ động phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, đánh giá được lòng dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Quang cảnh Hội nghị.
Ở một góc nhìn khác, bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị, báo cáo chính trị cần đánh giá đúng tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và các tầng lớp nhân dân, nhận diện được những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm từ đó xác định được mục tiêu và chương trình hành động trong nhiệm kỳ tới.
Trong triển khai các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024, bà Hoàng Thị Hoa đề xuất, việc vận động nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cần thể hiện rõ vai trò của Mặt trận trong vận động nhân dân xây dựng văn hóa, con người Việt Nam từ đó có các phương pháp phù hợp với tình hình hiện nay.
Để báo cáo hoàn thiện hơn, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh đề xuất, báo cáo chính trị cần đánh giá việc Mặt trận phối hợp với các cơ quan liên quan trong trong tham gia chương trình giảm nghèo và làm rõ hơn tình hình các dân tộc, các tôn giáo, từ đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo ông Minh, báo cáo cũng cần làm rõ vai trò của Mặt trận trong tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, bức xúc trong nhân dân và hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là việc Mặt trận tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí; giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh khẳng định, xác định Văn kiện Đại hội là một trong những nội dung quan trọng, quyết định sự thành công của Đại hội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ động triển khai xây dựng các dự thảo văn kiện, trong đó có hai văn bản quan trọng là Dự thảo Báo cáo chính trị và Dự thảo Điều lệ MTTQ Việt Nam (sửa đổi) theo đúng lộ trình.
Đến nay, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã và đang tổ chức lấy ý kiến dân chủ, rộng rãi, công khai trong các tổ chức thành viên; Đại hội Mặt trận các cấp; các cơ quan ở Trung ương; các Hội đồng tư vấn; các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu, đại biểu dân tộc, tôn giáo; các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam.
Tiếp thu 12 ý kiến tâm huyết, trách nhiệm tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam chắt lọc, tổng hợp để báo cáo Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị và Dự thảo Điều lệ MTTQ Việt Nam (sửa đổi) đầy đủ, toàn diện hơn.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị.
Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị.
Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị.
Ông Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị.
* 37 tỉnh, thành phố tổ chức xong Đại hội MTTQ cấp tỉnh: Tính đến thời điểm này, đã có 37 tỉnh, thành phố tổ chức xong Đại hội MTTQ cấp tỉnh. Theo kế hoạch đến hết tháng 7/2019 sẽ hoàn thành tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, thành phố. Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 sẽ được tổ chức vào ngày 19/9/2019 tại Hà Nội.