Lao động trẻ em: Từ Luật đến thực tiễn - Bài 2: Những khoảng trống vô hình

Lê Minh Long 16/07/2019 08:00

Để bảo vệ trẻ em đã có nhiều chính sách được ban hành. Đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 trong đó một trong những mục tiêu của chương trình là 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật khi có thông báo, phát hiện sẽ được hỗ trợ, can thiệp kịp thời. Tuy nhiên việc thực thi chính sách vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Lao động trẻ em: Từ Luật đến thực tiễn - Bài 2: Những khoảng trống vô hình

Trẻ em cần được nuôi dưỡng ước mơ.

Trăn trở “nạn” bóc lột sức lao động trẻ em

Theo thống kê, hiện cả nước vẫn còn 9,6% số trẻ em phải lao động sớm, gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân các em, gia đình và xã hội. Sử dụng lao động trẻ là điều khá phổ biến, từ thành thị tới nông thôn, tập trung nhiều nhất ở các làng nghề. Đáng lo hơn, 75% lao động trẻ em hiện có nguy cơ phải làm việc trong các ngành, nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên. Vì làm việc với thời gian kéo dài, bình quân khoảng 42 giờ/tuần, nhiều trẻ em đã phải nghỉ học. Kết quả khảo sát cho thấy, trong số lao động trẻ em, ước tính có 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học.

Ngay tại Hà Nội, theo Sở LĐTBXH, dù đã có nhiều giải pháp tuyên truyền cũng như giám sát từ phía cơ sở, nhưng tình trạng sử dụng lao động trẻ em vẫn còn tồn tại khá phổ biến nhất là ở các làng nghề. Theo thống kê toàn địa bàn thành phố có khoảng 30.000 lao động trẻ em. Cá biệt có những xã có nghề thủ công có tới gần 200 là lao động trẻ em, tuy nhiên việc xử lý lại không dễ bởi phần lớn các bậc cha mẹ, người sử dụng lao động không coi đó là hành vi vi phạm pháp luật mà chỉ coi đó là việc trẻ giúp gia đình khi không phải đi học.

TP HCM là địa phương được đánh giá là có hệ thống bảo vệ trẻ em tốt nhất cả nước. Tuy nhiên, tại hội thảo về giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn TP HCM mới đây, đại diện Sở LĐTBXH cho biết, dù ngành chức năng đã có nhiều cuộc thanh, kiểm tra những cơ sở có dấu hiệu sử dụng lao động trẻ em nhưng cũng không thể xử lý được vì hầu hết các cơ sở này đều chứng minh họ đang “truyền nghề” cho con cháu, họ hàng của mình. Một số khác không phải họ hàng thì có giấy cam kết của bố mẹ nên rất khó xử lý.

Đánh giá về thực trạng lao động trẻ em, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Mới đây chúng tôi đã làm cuộc khảo sát có quy mô nhỏ tại 3 tỉnh, thành phố về tình trạng sử dụng lao động trẻ em. Kết quả cho thấy, hơn 7% hộ gia đình có người từ 5-17 tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Gần 2% hộ gia đình có thành viên từ 5-17 tuổi tham gia công việc có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đây là những con số rất báo động, nếu không có những giải pháp quyết liệt sẽ gây lên hậu quả rất lớn cho những thế hệ trẻ của tương lai. Tuy nhiên để giải quyết lao động trẻ em gặp không ít khó khăn, thách thức từ chính khung pháp lý đến quan niệm của xã hội về lao động trẻ em”.

Khó xử lý khi sử dụng lao động trẻ em

Lý giải những khó khăn trong việc xử lý dứt điểm thực trạng lao động trẻ em, ông Đào Quang Vinh cho rằng, Bộ luật Lao động đang có những bất cập liên quan đến trẻ em. Bộ luật Lao động năm 2012 đưa ra các nguyên tắc, điều kiện chặt về sử dụng lao động chưa thành niên; quy định các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên phù hợp với công ước quốc tế. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2012 mới chỉ đưa ra quy định về thời giờ làm việc đối với người dưới 15 tuổi nói chung mà không có quy định về thời giờ làm việc đối với người dưới 13 tuổi, không có quy định cụ thể về thời gian làm thêm của người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Theo ông Vinh, chưa xác định rõ ràng thế nào là trẻ em lao động trái pháp luật, trẻ em bị bóc lột sức lao động, trẻ em lao động trước tuổi, vì quy định của Bộ luật Lao động 2012 với các công ước quốc tế có sự “vênh nhau”. Bộ luật Lao động 2012 quy định người lao động là người đủ 15 tuổi trở lên, trong khi quy định ở một số công ước quốc tế, người lao động chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Vì vậy, cần làm rõ tất cả các quy định này để trên cơ sở đó mới có thể tuyên truyền hoặc xác định ai vi phạm và vi phạm như thế nào.

Ở góc độ cơ quan trực tiếp về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, hiện nay vấn đề bảo vệ trẻ em phần lớn các địa phương “phó thác” cho ngành LĐTBXH, nhất là ở cấp cơ sở. Chính vì vậy không ít các vụ bạo hành, xâm hại cũng như sử dụng lao động trẻ em trái phép tồn tại trong một thời gian dài nhưng các cấp chính quyền địa phương làm ngơ. Và chỉ vào cuộc khi các vụ việc bị báo chí, mạng xã hội đưa tin.

“Mục tiêu của dự án giảm thiểu và xóa bỏ lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 đã đề cập cụ thể về trách nhiệm các bên liên quan, hướng đến nhận thức, năng lực, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan đến người sử dụng lao động, cộng đồng và trẻ em. Tuy nhiên, nhận thức của xã hội về lao động trẻ em ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự rõ ràng và chưa tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành nên cần phải thực hiện quyết liệt vấn đề này bằng tuyên truyền và xử lý mạnh, đủ sức răn đe”- ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

(Còn nữa)

Lê Minh Long