Gỡ vướng mắc trong triển khai Luật Quy hoạch
Sáng 15/7, kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai Luật Quy hoạch, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương phải triển khai thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch, đồng thời kiến nghị sớm giải thích, tháo gỡ những vướng mắc hiện nay.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định rằng thời gian qua việc tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch còn nhiều lúng túng, ngay cả ở Trung ương, dẫn đến chậm, ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tiếp theo. Phó Thủ tướng nêu: Vấn đề đặt ra là làm sao để điều chỉnh cục bộ các quy hoạch này khi các luật chuyên ngành đã hết hiệu lực; mà Luật Quy hoạch mới yêu cầu phải thực hiện theo đúng trình tự, 5 năm mới được điều chỉnh 1 lần.
Trên thực tế, việc điều chỉnh quy hoạch để bổ sung 369 dự án ngành điện, một số khu công nghiệp, khu kinh tế ở các địa phương; quy hoạch giao thông, năng lượng… đều đang vướng mắc, không thể triển khai được. Vướng mắc lớn nữa là trình tự lập quy hoạch. Theo điều 6 Luật Quy hoạch, quy hoạch cấp trên là cơ sở cho quy hoạch cấp dưới. Tức phải có quy hoạch tổng thể quốc gia mới lập các quy hoạch cấp dưới, như vậy có thể phải mất hàng chục năm mới xong các quy hoạch ngành, vùng, tỉnh.
Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành sớm trình Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điều liên quan đến Luật Quy hoạch. Về trình tự lập quy hoạch, kiến nghị theo hướng phải thực hiện đồng bộ, đồng thời, song song, để có thể áp ứng yêu cầu cho đầu tư phát triển, nhưng vẫn đảm bảo đồng bộ giữa các quy hoạch. Trong năm 2020 phải cơ bản xong để phê duyệt.
Về điều chỉnh cục bộ quy hoạch trong thời kỳ từ nay đến năm 2020, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền quyết định thực hiện các dự án đầu tư cấp thiết cho phát triển kinh tế - xã hội, sau đó cập nhật vào Quy hoạch mới. Với các quy hoạch đã lập, đã tổ chức thẩm định nhưng chưa phê duyệt như kiến nghị của một số địa phương, sẽ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép phê duyệt theo Luật Quy hoạch mới, nhưng không hồi tố các thủ tục trước đây.
Các bộ, ngành Trung ương khẩn trương soạn thảo, trình Chính phủ dự thảo các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Quy hoạch; đồng thời tiến hành lập các Quy hoạch ngành quốc gia. Chẳng hạn như Bộ Công thương phải nhanh chóng lập Quy hoạch điện VIII, nhưng với một tư duy mới, một cách làm mới so với trước đây.