Có đoàn kết, có tỉnh nông thôn mới

Trần Duy Hưng 16/07/2019 07:30

Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2019-2024) được tổ chức vào thời điểm rất có ý nghĩa: Toàn tỉnh cơ bản đã “cán đích” mục tiêu, trở thành tỉnh nông thôn mới, với 100% số xã, huyện đã đạt chuẩn. Làm nên thành quả chung, nhiệm kỳ qua, công tác Mặt trận ở địa phương có nhiều đóng góp quan trọng, nhất là trong đoàn kết, phát huy trí tuệ, công sức của các tầng lớp nhân dân...

Có đoàn kết, có tỉnh nông thôn mới

Nông thôn Nam Định ngày nay.

Tỉnh Nam Định chủ trương phát triển hạ tầng giao thông theo phương châm xây dựng “nông thôn mới”, cụ thể là nhân dân góp, hiến đất, Nhà nước đầu tư kinh phí làm đường. Thực hiện chủ trương này, những năm qua, cùng với hệ thống chính trị trong tỉnh, Mặt trận và các tổ chức thành viên ở Nam Định đã tích cực nhập cuộc, vừa tuyên truyền, vận động, giải thích; vừa động viên, phát huy vai trò gương mẫu của gia đình các cán bộ, đảng viên; tranh thủ tiếng nói của những người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc các tôn giáo..., qua đó giúp nhân dân trong tỉnh hiểu rõ mục đích, ý nghĩa to lớn của chủ trương này; chung sức, đồng lòng, hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Kết quả, hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm được đầu tư ở Nam Định, các hộ dân thuộc diện giải tỏa đều tự nguyện hiến, góp đất, tháo dỡ công trình, không nhận đền bù. Không chỉ có vậy, nhân dân đã hiến, góp cho làng, cho xã gần 3.200 héc-ta đất (2.916 héc-ta đất nông nghiệp; 242 héc-ta đất thổ cư) cùng nhiều ngày công để phục vụ việc xây dựng các công trình hạ tầng của địa phương, nhiều nhất là cho việc mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông thôn xóm. Ước tính, giá trị đất, ngày công nhân dân Nam Định đã góp, hiến phục vụ xây dựng NTM ở địa phương lên tới trên 6.000 tỷ đồng...

Nam Định là tỉnh đông tín đồ các tôn giáo. Trong đó, đạo Phật có trên 800 ngôi chùa, trên 30 vạn Phật tử đã quy y tam bảo; đạo Công giáo có Giáo phận Bùi Chu, một phần Giáo phận Hà Hội với 172 nhà thờ xứ, 490 nhà thờ họ, đặc biệt có tới trên 47 vạn giáo dân (chiếm 25% dân số toàn tỉnh). Xây dựng, gìn giữ mối quan hệ đoàn kết, hòa hợp trong các tôn giáo, giữa các tôn giáo; làm tốt vai trò cầu nối giữa các tôn giáo với cấp ủy, chính quyền địa phương là nhiệm vụ luôn được đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở ở Nam Định chú trọng, chăm lo. Nhưng trên hết, từ sự đồng hành, hướng dẫn của Mặt trận các cấp trong tỉnh; với tinh thần đoàn kết, hòa hợp, chung sức, đồng lòng, nhiều năm qua, các tôn giáo trong tỉnh luôn duy trì, nâng cao chất lượng các phong trào “Xây dựng chùa tinh tiến”, “Xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, gia đình giáo dân gương mẫu”.

Qua các phong trào, chức sắc và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực như tham gia bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm, tệ nạn; ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, ủng hộ công tác khuyến học... Chuyện các nhà sư, linh mục đi quyên tiền giúp người nghèo xây nhà, mua bảo hiểm y tế; giúp làng quê, xứ đạo làm đường, xây trường, xây nhà văn hóa... có rất nhiều ở Nam Định. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã quyên góp, xây mới và hỗ trợ sửa chữa hơn 200 nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương tặng người nghèo. Đồng bào Công giáo trong tỉnh hiến trên 20.000 m2, hơn 200 tỷ đồng để làm đường giao thông, và xây dựng các công trình phúc lợi trong thôn, xóm. Những việc làm cụ thể, thiết thực trên của đồng bào có đạo trong tỉnh đã góp phần quan trọng để đến nay, 100% số xã và huyện của Nam Định đều đạt chuẩn NTM.

Ông Trần Văn Chung - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định: Nói đến công tác Mặt trận là nói sự tâm huyết, kiên trì.

Kết quả các CVĐ lớn do Mặt trận các cấp trong tỉnh chủ trì, phát động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... đã và đang góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển chung của tỉnh. Đây không phải là những dự án để triển khai theo kế hoạch, ngân sách đã được phê duyệt mà bản chất là vận động thực hiện. Để các tầng lớp nhân dân cùng nhận thức được nội dung, mục đích, ý nghĩa; hưởng ứng, chung sức thực hiện đòi hỏi đội ngũ cán bộ Mặt trận phải tâm huyết, kiên trì, dày công tuyên truyền, giải thích; bản thân phải gương mẫu. Rất khó khăn, vất vả! Trong điều kiện kinh phí hoạt động, mức trợ cấp còn khiêm tốn, đội ngũ cán bộ Mặt trận của tỉnh vẫn khắc phục khó khăn, nhiệt tình công tác, làm nên những thành quả to lớn. Đó là điều rất đáng tự hào, rất đáng ghi nhận!

Ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: Đóng góp của Mặt trận, các đoàn thể không tính được bằng tiền.

Không chỉ phối hợp tuyên truyền, giúp nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, phương châm, cơ chế xây dựng NTM, MTTQ và các tổ chức thành viên còn có nhiều phong trào, hoạt động thiết thực như vận động nông dân tham gia dồn điền đổi thửa; góp, hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng, tham gia giám sát; xây dựng, duy trì nhiều mô hình nhân dân tự quản; quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đến đâu trong tỉnh cũng có thể gặp những tuyến đường do chi hội phụ nữ, cựu chiến binh hoặc đoàn thanh niên tự quản. Điều đó cho thấy, đóng góp của Mặt trận, các đoàn thể không phải là tiền bạc mà là phát huy công sức, trí tuệ của các đoàn viên, hội viên; đóng góp bằng phương thức tổ chức quản lý, vận hành, khai thác các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh...

Trần Duy Hưng