Thực phẩm chế biến từ thịt lợn tồn kho lớn
Không chỉ sức mua thịt tươi sống giảm, ngành chế biến thực phẩm đang phải đối mặt với tình trạng tồn kho trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Sức mua thịt lợn tại chợ truyền thống giảm.
Tồn kho nhiều, chỉ số sản xuất giảm
Có mặt tại chợ Thị Nghè, mặc cho tiểu thương bán đồ khô giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm từ thịt lợn, bà Trần Ngọc Hoa (Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh) lắc đầu từ chối. Bà nội trợ này cho hay: “Trước đây tôi vẫn mua một số thực phẩm chế biến sẵn như thịt lợn, xúc xích, chà bông,…về để dành khi bận công việc không đi chợ được đem ra sử dụng. Tuy nhiên thời gian gần đây, tôi không mua những sản phẩm trên nữa do lo ngại dịch tả lợn châu Phi”.
Chia sẻ về sức mua đối với mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt lợn, bà Lương Thị Thu, tiểu thương chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) khẳng định: “Vài tháng nay sức mua hàng chế biến giảm hẳn. Tôi chỉ lấy một ít về để bán lai rai chứ không lấy ồ ạt như trước”.
Sở Công thương TPHCM cho biết, 6 tháng đầu năm, ngành sản xuất chế biến thực phẩm thành phố ước giảm 2,6% (trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 10,7%). Nguyên nhân, do một số doanh nghiệp lớn đã và đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư nhà máy, phân xưởng sản xuất sản phẩm qua các tỉnh lân cận có lợi thế về giá thuê đất, các chính sách ưu đãi khác như: Công ty CP Uniben, Công ty TNHH MTV Công nghệ Thực phẩm Việt Tiến, Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre,...
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi nên nhu cầu thực phẩm từ thịt lợn giảm, dẫn đến tồn kho lớn. Theo thống kê, chỉ số tồn kho của ngành sản xuất chế biến thực phẩm tháng 6 năm 2019 tăng 56,6% so cùng kỳ năm 2018. Tình hình trên buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh sản lượng, cân đối sản xuất. Riêng chỉ số sản xuất ngành chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt giảm 3,19% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này là do 6 tháng năm 2019, tại TPHCM, tổng đàn lợn chỉ có 265.600 con, giảm 2,6% so cùng kỳ. Còn tính trên cả nước, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 2 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018.
Sức mua thịt lợn vẫn ở mức thấp
Không riêng sức tiêu thụ sản phẩm chế biến từ thịt lợn giảm sút, thịt lợn tươi sống cũng đồng cảnh ngộ. Đa số tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố khẳng định, sức mua giảm nên lượng bán tụt xuống bằng khoảng 1/2 so với trước khi có dịch.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự việc trên, tiểu thương cho rằng, một phần người nội trợ không mua thịt lợn, chuyển sang thực phẩm tươi sống khác. Phần còn lại là sợ lợn ở chợ truyền thống không đảm bảo nguồn gốc nên chuyển đến kênh bán lẻ hiện đại. Nhằm kích cầu tiêu dùng, hiện thịt lợn tại các siêu thị đang được giảm giá xuống còn 13.000 – 22.000 đồng/kg, nguồn gốc thịt đảm bảo cộng với việc giảm giá mạnh khiến lượng thịt bán ra tại các siêu thị cũng tăng lên đáng kể. Mức tiêu thụ thịt lợn của các siêu thị nằm trong hệ thống Saigon Co.op tăng từ 15 – 20%, nhất là vào những ngày cuối tuần. Lượng thịt lợn tiêu thụ trung bình đạt 40 – 50 tấn/ngày.
Mong muốn nắm rõ tình hình cung – cầu thực phẩm, mới đây Sở Công thương TPHCM đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài chính, các doanh nghiệp bình ổn thị trường (thịt gia cầm, thịt lợn). Tại đây các doanh nghiệp cho biết, tình hình tiêu thụ thịt lợn có giảm nhẹ so với trước khi có dịch. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ thịt gia cầm tăng 10 - 15%. Sản lượng cung ứng tăng khoảng 20-25%. Nhằm nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho thị trường tiêu thụ, bên cạnh việc trữ đông, các doanh nghiệp như Vissan, San Hà, Saigon Co.op đã đàm phán, vạch ra phương án nhập khẩu thịt lợn, thịt gà đông lạnh trong trường hợp thị trường biến động mạnh. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh gia cầm cũng sẵn sàng tăng đàn, tăng sản lượng thịt gia cầm, kịp thời bù đắp nguồn thịt lợn thiếu hụt.
Nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh đến thị trường, Sở Công thương TPHCM tập trung vào nhiều giải pháp, trong đó, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng bằng các chương trình khuyến mại, giảm giá, gia tăng lượng tiêu thụ. Tăng cường trữ đông, cấp đông và phương án chuẩn bị nhập khẩu thịt đông lạnh. Trường hợp khi nguồn cung thịt lợn giảm, giá tăng sẽ đẩy mạnh sử dụng nguồn thịt lợn đông lạnh đã dự trữ trước đó. Đồng thời, tăng lượng cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu thay thế khác như thịt gia cầm, rau củ quả. Tuy nhiên, theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, lượng tiêu thụ thịt lợn đang tăng trở lại. Tâm lý người dân đã không còn hoang mang trước tin dịch, tiểu thương kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, cùng với sự tuyên truyền của ngành chức năng.