Ngăn chặn rác thải nhựa - Bài 2: Huỷ hoại môi trường biển
Nhiều khu vực dọc bờ biển huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) được ví như bãi chứa chất thải, tồn dư hiện hữu nhiều nhất không gì khác ngoài rác thải nhựa. Ở khu vực bờ biển thuộc xã Ngư Lộc và rừng sú vẹt thuộc xã Đa Lộc, rác thải nhựa tấp thành từng tầng, từng đống, chất chồng lên nhau. Rác bám chặt, bóp nghẹt rừng cây chắn sóng, ngấm ngầm huỷ hoại nguồn thuỷ sinh, huỷ hoại các sinh vật phù du, nguồn thức ăn quan trọng của các loài hải sản...
Rác thải nhựa tấp đầy bờ biển ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá).
Dọn không xuể
Chúng tôi về khu vực rừng sú vẹt được gieo trồng cách đây hàng chục năm ở xã Đa Lộc giữa chính hạ nắng gắt. Lúc này nước thuỷ triều đang ở mức kiệt, làm lộ rõ tình trạng rác thải nhựa bám chặt lấy từng thân cây, bọc kín cành lá trên cả khu rừng rộng lớn. Nhiều thân cây sú vẹt cao lút đầu người, bị tầng tầng, lớp lớp túi ni lông quấn, che phủ như một lớp áo rách tả tơi. Khó thể tưởng tượng, chỉ với những tấm ni lông rách ấy thôi nhưng nó vẫn có thể bóp chết nhiều cây sú vẹt trưởng thành, không chịu khuất phục trước sóng to, gió lớn. Từ thực địa rừng sú vẹt này, chúng tôi thấy cơ man mầm non cây sú chưa kịp nhú lên khỏi mặt đất đã phải chết non bởi lượng rác thải nhựa không rõ từ đâu đổ về đây.
Tận mắt chứng kiến cảnh bà Vũ Thị Dục, một cư dân xã Đa Lộc đi đào từng con vẹm, con don trong rừng sú vẹt giữa trưa nắng mới thấy tác hại của rác thải nhựa đang tàn phá môi trường ghê gớm tới mức nào. Bà Dục vừa sển (ngồi xổm và dịch chuyển chậm) từng bước để căng mắt tìm kiếm những vị trí nghi có con don, con vẹm trú ngụ, bà vừa trò chuyện: Rừng sú vẹt phát triển mạnh, trải dài dọc tuyến bờ biển xã Đa Lộc đến vài cây số và trở thành bức tường sống cản gió, cản sóng bảo vệ an toàn cho các làng mạc ven biển, vì những năm trước môi trường nước ở đây khá sạch sẽ. Bà Dục nói: “Nhưng khoảng hơn nửa thập kỷ trở lại đây, rác thải nhựa từ đâu đổ dồn về nhiều quá. Trên thân cây rác bám đã đành, dưới lớp bùn cũng chứa đầy túi bóng. Con vẹm, con don... ngày xưa bắt về luộc lên, nước ngọt lừ. Bây giờ, cũng những loài thuỷ sinh ấy sinh sống tại bãi sình này, chả biết có chứa độc tố gì, nhưng khi nấu lên mùi không thơm, nước đục hơn…”
Ông Vũ Văn Đỉnh - Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: Chính quyền cũng như nhân dân địa phương nhận thức rõ vai trò của rừng sú vẹt có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ môi trường sống. “Chúng tôi thường xuyên huy động lực lượng thanh niên tổ chức chiến dịch tháo gỡ rác bám vào cây rừng. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế cùng từng về đây cứu sú vẹt. Song cứ dọn sạch được thời gian, mọi việc đâu lại vào đó”- ông Đỉnh thắc mắc.
Tác hại của rác thải nhựa chìm xuống biển sẽ ảnh hưởng rất lâu dài, huỷ hoại môi trường sống của các loài hải sản. Hình ảnh bà Dục dùng con dao nhỏ mũi nhọn khoáy nhẹ lớp bùn lên nhưng cứ dính lằng nhằng các tấm túi bóng là một minh chứng khá rõ ràng khiến ai nhìn thấy cũng phải ngao ngán. “Rác bám thân cây rừng còn dọn được, nhưng rác vùi chung trong đất cát, rác trôi lơ lửng trong lòng biển thì vô cùng khó khăn trong việc thu gom”- bà Dục lo lắng.
Ghé qua bờ biển chạy dọc xã Ngư Lộc, chúng tôi gặp tình cảnh tương tự bên Đa Lộc, rác thải tấp dày đặc vào mái kè, thậm chí nhiều chỗ rác dồn thành đống. Trong thứ phế thải hỗn độn đó, nổi lên vẫn chủ yếu là túi ni lông, chai lọ nhựa, những vật dụng con người vứt bỏ sau khi sử dụng. Ngư dân Đồng Văn Đức, trú xã Ngư Lộc cho biết: Rác từ đâu kéo về đây không rõ nhưng nhiều quá. Mỗi lần thuỷ triều dâng, mang theo rác đùn lên triền đê biển. Khi thuỷ triều rút, rác đọng lại, cứ ngày này sang tháng khác, rác thải nhựa tạo thành đống, bốc mùi hôi tanh nồng nặc.
Huỷ diệt môi sinh
Những năm gần đây, việc nuôi thả ngao của bà con ở vùng bãi ngang các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hoá cứ kiệt quệ dần. Nguồn thuỷ sản nuôi trồng ở vùng biển nói trên hầu như năm nào cũng xảy ra hiện tượng chết hàng loạt, đẩy nhiều hộ dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Ngao chết, cơ quan chức năng vẫn thường kết luận, nguyên nhân chủ yếu do bà con thả mật độ dày, chăm sóc chưa đúng quy trình, nguồn ngao giống không đảm bảo... Ông Đồng Xuân Thảo, một người nuôi ngao ở Ngư Lộc chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của người sống bằng nghề nuôi trồng thuỷ sản, tôi cho rằng, tôm chết, ngao chết là bởi nguồn nước biển ở đây bị ô nhiễm. Rác thải nhựa chìm xuống đáy biển, phân huỷ thành những hạt li ti, các loài thuỷ sinh, ngao nuôi ăn vào bị ngộ độc rồi chết”.
Cơ man túi ni lông đang giết chết dần rừng sú vẹt tại xã Đa Lộc .
Tìm gặp ông Nguyễn Viết Thanh, chủ một nhà máy sản xuất ống nhựa tại huyện Hoằng Hoá từng được nhiều tổ chức môi trường quốc tế gặp gỡ nhằm hợp tác tìm hiểu về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa ở vùng biển Thanh Hoá, ông Thanh cho biết: Doanh nghiệp của ông được cấp chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, nên được phép tái chế nhựa hợp pháp, xử lý chất thải nguy hại. Sau đó, Tổ chức chống biến đổi khí hậu tiểu vùng sông Mê Kông (EEP) mời ông sang châu Âu tham quan nhà máy xử lý rác ở Phần Lan. Rồi đại diện Quỹ bảo vệ thiên nhiên toàn cầu (WWF) biết nhà máy của ông Thanh tái chế được màng co (vỏ bao bì in chữ trên các chai nước) nên họ đi lại tìm hiểu về vấn đề ô nhiễm môi trường biển ở Thanh Hoá.
Ông Thanh nói: “Đại diện tổ chức này cho rằng nguyên nhân rác thải nhựa tràn về vùng biển Thanh Hoá nhiều như vậy nó bắt nguồn 5 cửa sông. Chính vì thế, họ muốn thử nghiệm lắp đặt túi thu gom rác ở một cửa sông đổ ra biển thuộc huyện Hậu Lộc. Hệ thống túi thu gom này vận hành tự nhiên theo quy luật dòng chảy, rác thải nhựa sẽ tự động trôi vào túi. Định kỳ, rác được thu gom và bán lại cho các đơn vị tái chế”. Cũng theo ông Thanh, WWF từng đưa cả thợ lặn chuyên nghiệp sang, họ muốn cho thợ lặn, lặn xuống vùng biển Hậu Lộc để nghiên cứu về đáy biển xem mức độ ô nhiễm ra sao. “Tuy nhiên để lặn thăm dò đòi hỏi phải được cơ quan chức năng liên quan cấp phép. Vậy nên bây giờ đang phải chờ để làm các thủ tục cần thiết. Nhưng đây là tín hiệu rất đáng quan tâm đối với việc xử lý rác thải nhựa đang rất bức thiết đối với môi trường biển”- ông Thanh nói.
Cũng liên quan đến việc xử lý rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng ở dọc tuyến bờ biển Thanh Hoá, ông Trần Thanh Hùng - Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Thanh Hoá cho biết: Gần như năm nào Sở TNMT cũng tổ chức thu gom rác thải ở vùng ven biển. Mới đây, Đoàn Sở TNMT phối hợp cùng Đoàn Công an tỉnh phát động chiến dịch dọn sạch bờ biển tại Tĩnh Gia. Theo ông Hùng thì việc lạm dụng sử dụng túi ni lông là nguyên nhân chính dẫn tới nguồn rác này trôi ra biển ngày một nhiều thêm.
(Còn nữa)