Hiệu quả từ sự liên kết
Được sự giúp đỡ của chính quyền, thời gian qua, bà con xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại lợi nhuận kinh tế khá, nhiều gia đình từ đó thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Xoài cát hồng ghép với xoài Đài Loan được bà con nhiều vùng ở Tây Nam Bộ trồng.
Nổi bật là việc phát triển kinh tế vườn. Hiện cả xã có 244ha cây ăn trái các loại. Đáng chú ý, vài năm gần đây, ở ấp 6, bà con đã phát triển mô hình trồng xoài cát hồng. Đây là giống xoài có giá trị kinh tế cao hơn so với xoài Đài Loan vẫn được trồng. Khâu tiêu thụ cũng khá thuận lợi khi thương lái tìm mua tận vườn. Một nông dân trong ấp 6 cho biết, gia đình ông trước đây trồng gần 100 gốc xoài Đài Loan. Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh nên ông đã quyết định chuyển sang trồng xoài cát hồng. Ông cho biết, xoài cát hồng dễ trồng, khi ghép với xoài Đài Loan còn cho trái sớm hơn so với cây mới. Bà con trong xã còn tận dụng phần bờ bao ruộng để trồng xoài cát hồng. Hiện, giá 1kg xoài cát hồng khoảng 25.000 đồng, dẫu có xuống thấp hơn thời điểm cận Tết (40.000 đồng/kg) nhưng vẫn cho lợi nhuận khá.
Để giúp bà con phát triển sản xuất, Hội Nông dân xã Vĩnh Trung đã lập dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân trồng cây ăn trái, với tổng số tiền 150 triệu đồng. Tuy quỹ không lớn nhưng cũng đã giúp được cho người dân.
Lập tổ hợp tác để giúp nhau vốn, kĩ thuật, kinh nghiệm làm ăn cũng như tiêu thụ nông sản là cách làm tốt đã và đang được nhiều địa phương triển khai. Hậu Giang là một trong những tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. Tuy nhiên, cũng còn có thể kể đến nhiều địa phương khác, nhất là ở khu vực Tây Nam Bộ. Với tỉnh Đồng Tháp, nhiều năm qua bà con nông dân vùng sâu vùng xa, vốn nhiều khó khăn cũng đã thành lập những mô hình giúp đỡ nhau, từ đó nhân rộng và hoạt động đi vào chiều sâu.
Thực tế cho thấy, khi bà con được chính quyền giúp đỡ (trong đó có vai trò quan trọng của Hội Nông dân) thì các tổ hợp tác đó sẽ phát huy hiệu quả. Một trong những mô hình tốt ở Đồng Tháp chính là “Hội quán Nông dân”. Đây được coi là cơ sở để tiến tới thành lập hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới. Có thể nêu ví dụ thành công ở thành phố Cao Lãnh khi lãnh đạo địa phương chủ trương lựa chọn những địa bàn dân cư đông, có các tổ liên kết sản xuất do những nông dân có cùng ngành nghề, cùng địa bàn tự thành lập Hội quán. Trong đó, Ban sáng lập Hội quán, do Hội Nông dân xã chủ trì.
Công việc này được triển khai từ năm 2016, từ Tổ hợp tác liên kết sản xuất xoài Hòa Long, Duy Tân Hội quán, ấp Hòa Long, xã Hòa An. Từ thành công này, Cao Lãnh đã nhân rộng ra hơn 10 Hội quán ở 7 xã và 2 phường.Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng và phát triển Hội quán, lãnh đạo địa phương đã nhận trách nhiệm cầu nối gắn kết giữa các doanh nghiệp với nông dân để liên kết tiêu thụ nông sản, tránh được nhiều rủi ro.
Nhiều bà con nông dân ở Cao Lãnh nói rằng, Hội quán Nông dân như một “ngôi nhà chung” với tính tự nguyện, tự chủ của người dân được đề cao.
Có thể nói, việc tự nguyện thành lập những tổ hợp tác, với sự hướng dẫn giúp đỡ của chính quyền cơ sở là một cách làm hay, giúp ích rất nhiều cho bà con nông dân, đặc biệt đối với bà con ở vùng điều kiện kinh tế khó khăn. Đây chính là một cách để cùng nhau thoát nghèo khi mà những sức mạnh đơn lẻ được tập hợp tạo ra sức mạnh lớn hơn nhiều. Đó chính là sức mạnh của sự liên kết.