Gần 8 triệu người Việt mắc bệnh viêm gan
Đó là thông tin được GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết tại Lễ phát động Tháng hành động hưởng ứng ngày Viêm gan thế giới 2019 và Lễ ra mắt câu lạc bộ Vì lá gan khoẻ vừa diễn ra tại Hà Nội.
Tiêm vắc xin là cách tốt nhất phòng viêm gan B.
Theo GS. TS Nguyễn Văn Kính, hiện Việt Nam có gần 8 triệu người mắc bệnh viêm gan virút, nhu cầu điều trị là rất lớn. Tuy nhiên nhiều người lại không biết mình mắc bệnh, chỉ đến khi có biểu hiện vàng mắt, vàng da, bụng trướng... mới đi khám thì đã muộn. bởi vậy, cách duy nhất để phát hiện bệnh này là xét nghiệm sàng lọc để điều trị sớm và ngăn ngừa lây nhiễm.
Việt Nam hiện đứng thứ 3 toàn cầu, thứ 2 Châu Á vì tỉ lệ bệnh nhân mắc viêm gan virút rất cao. Tại Khoa Viêm gan, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị cho khoảng 70 bệnh nhân mắc bệnh, trong đó có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi và nhập viện trong tình trạng muộn.
Trong đó, rất nhiều người mắc viêm gan B - một loại bệnh viêm gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Người ta thường gọi HBV là “kẻ giết người thầm lặng” bởi nó có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể con người mà không bị phát hiện. Các biểu hiện khi nhiễm bệnh (đặc biệt khi nhiễm HBV mãn tính) rất mờ nhạt, khó nhận biết và dễ gây nhầm lẫn như chán ăn, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa…Với những biểu hiện dễ nhầm lẫn đó nên đa số người nhiễm HBV không biết mình mắc bệnh, càng làm khả năng lây nhiễm sang người khác (khi quan hệ tình dục, mang thai, tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể người mắc).
Theo các bác sĩ, đa phần các trường hợp bệnh nhân bị viêm gan B hay viêm gan C thường không được phát hiện kịp thời và chỉ nhập viện điều trị khi bệnh đã có những biến chứng nguy hiểm là khá phổ biến. Nguyên nhân, do bệnh viêm gan thường có những tiến triển chậm, không điển hình, nên người mắc bệnh thường chủ quan. Mặt khác, khi không biết mình mang mầm bệnh, con người không có ý thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe lá gan. Uống nhiều rượu bia, ăn đồ ăn nhanh, làm việc căng thẳng, lối sống không lành mạnh, … là điều kiện để virus HBV âm thầm “tấn công” gan trong một thời gian dài, hủy hoại các tế bào gan, gây nên xơ gan, ung thư gan.
Theo các bác sĩ, bệnh viêm gan siêu vi B thường phát triển theo các giai đoạn: viêm gan siêu vi B cấp, viêm gan siêu vi B mạn và những người lành nhưng mang mầm bệnh trong cơ thể. Viêm gan siêu vi B cấp thường có biểu hiện giống như cảm cúm, thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, sụt cân, ăn kém ngon, ngứa khắp người. Người bị bệnh nặng hơn có thể gặp các triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, đau bụng, đau khớp, đau cơ, nước tiểu có màu vàng sậm.
Khi chuyển sang giai đoạn viêm gan siêu vi B mạn tính thì người bệnh hầu như không có triệu chứng và luôn cảm thấy sức khỏe bình thường hoặc đôi khi mệt mỏi, chán ăn. Hậu quả nghiêm trọng nhất của người bị viêm gan siêu vi B mạn tính là xơ gan với các biến chứng như có dịch trong ổ bụng, chảy máu đường tiêu hóa, ung thư.
Khoảng 10-20% bệnh nhân xơ gan có thể biến thành ung thư gan. Bệnh nhân bị nhiễm virus B có xác suất ung thư gan cao nhiều lần người bình thường. Tại Việt Nam 60-70% ca ung thư gan có nhiễm virrus B, 20% nhiễm virus C. Số trường hợp tử vong do viêm gan B ở nước ta nhiều năm qua là hơn 23.000 người và tử vong do virus viêm gan C là xấp xỉ 7.000 trường hợp. Vì vậy cần điều trị bệnh sớm nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình xơ gan.