Nhân tài và trọng dụng nhân tài
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, sự hưng thịnh của một đất nước luôn gắn liền với quá trình trọng dụng đãi ngộ, và sử dụng người tài cho sự phát triển bởi mọi việc thành hay bại đều do cán bộ mà nên.
Cũng chính vì thế khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì bên cạnh việc tinh giản biên chế, vấn đề được quan tâm đặt ra đối với các hiền tài nằm ở chìa khóa: Chính sách trọng dụng và đãi ngộ với người có tài năng.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước, thì bao giờ người tài cũng được trân trọng, với tinh thần “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
Truyền thống ấy được kế thừa và phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ngay khi mới giành được chính quyền năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “kiến thiết cần phải có nhân tài”. Và Người cũng nhắc đến đi đôi với việc phát hiện nhân tài thì một vấn đề rất quan trọng là người lãnh đạo, quản lý phải biết sử dụng, trọng dụng nhân tài một cách hợp lý, nếu không sẽ làm thui chột nhân tài.
Những bài học lịch sử đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời đại trong bối cảnh hiện dân số Việt Nam đã vượt mốc hơn 96 triệu người, đứng thứ 15 thế giới và thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Cho nên cần có những chính sách kịp thời để tận dụng thời kỳ dân số “vàng”, giúp dân số Việt Nam không rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già” và tránh bẫy thu nhập trung bình. Điều đó cũng nằm ở việc thu hút và trọng dụng nhân tài khi thời kỳ dân số “vàng” được ví như “những con gà đẻ trứng vàng”. Vì thế không phải ngẫu nhiên, ngày 15/7, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì bên cạnh việc tinh giản biên chế, vấn đề được quan tâm đặt ra đối với việc trọng đãi người tài ở thời kỳ dân số “vàng” được xác định ở chìa khóa: Chính sách trọng dụng và đãi ngộ với người có tài năng đang cần được luật tháo gỡ, tạo cơ chế để phát huy trí tuệ của nhân dân.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải-Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, muốn thu hút người có tài năng thì phải có chính sách tương xứng đối với người có tài năng, chính sách chung chung sẽ không thu hút được người tài. Bà Hải dẫn chứng 1 giáo viên tại một trường đại học là PGS khi mới 35 tuổi và Vinfast đã trả lương 200 triệu đồng/tháng để thu hút về làm việc. Còn tại Đà Nẵng dù đã có hẳn một đề án phát hiện, đào tạo bố trí người tài nhưng sau khi phát hiện cho đi bồi dưỡng tại nước ngoài, khi về lại cho làm ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ ở Sở Tư pháp. Từ đó, bà Hải đã đề nghị đối với người có tài năng cần bố trí công việc đúng với chuyên môn của họ chứ sau khi phát hiện ra rồi, cho đi đào tạo mà khi về lại cho làm việc khác là lãng phí.
Câu chuyện mà vị đại biểu dân cử nhắc đến làm chúng ta nhận ra, chính những quy định cứng nhắc hiện hành khi bổ nhiệm một ai đó là những rào cản đối với việc thu hút, tuyển dụng và đãi ngộ. Nhất là hiện nay theo quy định muốn bổ nhiệm một cán bộ công tác tại một đơn vị sự nghiệp làm cán bộ cấp bộ yêu cầu phải là công chức, thế nhưng người đang công tác tại một viện nghiên cứu, trường đại học chỉ là viên chức, trong khi hiện nay liên thông từ viên chức lên công chức đang ở thế bí.
Ngay từ những năm đầu đổi mới, trong Văn kiện Đại hội VI, Đại hội VII, Đảng chỉ rõ nhiệm vụ của giáo dục là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Tại Đại hội IX, Đại hội XII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài; tạo bước chuyển căn bản trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài; coi đó là giải pháp quan trọng trong thực hiện chiến lược cán bộ”, “lựa chọn những người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài”.
Còn Đại hội XII đã nhấn mạnh đến việc: “Thực hiện chính sách nhân tài trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược”. Vì thế, không chỉ nằm ở việc phát hiện, thu hút nhân tài mà quan trọng là phải nghiên cứu, xây dựng chính sách thích hợp để tôn vinh, trọng dụng nhân tài, phát huy những năng lực, sở trường, chất xám của họ cùng với một chính sách đãi ngộ thỏa đáng về vật chất, tinh thần, tạo lập môi trường điều kiện làm việc để cho họ cống hiến, sáng tạo. Bên cạnh đó cần có chiến lược thu hút nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài về nước…
Trong bất cứ giai đoạn nào của đất nước, cốt lõi của thành công chính là việc đi lên bằng trí tuệ của con người Việt Nam. Vì vậy, thu hút và trọng dụng nhân tài là việc cần thiết và phải có cách thức sử dụng nhân tài hợp lý nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực sáng tạo của nhân dân vào sự phát triển của đất nước. Có như vậy mới bền vững và thịnh vượng.