TP Hồ Chí Minh quyết tâm thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
“Nhiều quan ngại trong việc xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế, nhưng tôi nghĩ thành phố có thể làm được. TP HCM quyết tâm trở thành TTTC vì cả nước, cùng cả nước”.
Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tại hội thảo xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, ngày 17/7 do UBND TP HCM tổ chức.
TP Hồ Chí Minh đóng góp nhiều vào kinh tế cả nước.
Khó trăm bề
Ông Vũ Thành Tự Anh nhận định, tính đến thời điểm hiện nay quy mô tài chính của thành phố còn rất bé. Danh sách trung tâm tài chính (TTTC) 2019 của khu vực không có tên của Việt Nam. Mục tiêu trong thời gian tới, làm sao vào được danh sách này sau đó mới đến các nấc thang lớn hơn.
Đồng ý và ủng hộ xây dựng TP HCM trở thành TTTC, thế nhưng TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ lại băn khoăn: “15 - 20 năm trước thành phố đã nhận ra lợi ích của việc xây dựng TTTC nhưng không làm được. Giờ thành phố lại tiếp tục ý tưởng đó, vậy điều kiện phát triển như thế nào?”.
Theo TS Trần Du Lịch, TP HCM ở giữa các tỉnh miền Đông, miền Tây, gần khu vực Tây Nguyên và khoảng cách đến các TTTC các nước cũng rất gần. Đây chính là thiên thời địa lợi, song “mưu sự tại nhân”.
Ông Lịch thông tin: “Thời gian qua ý tưởng phát triển TTTC ít được nhắc đến vì các Sở Giao dịch chứng khoán được hình thành. TP HCM phải làm gì việc xây dựng TTTC trở thành chuyện quốc gia chứ không chỉ là vấn đề riêng của chính quyền địa phương”.
Đồng quan điểm ý kiến trên, ông Peter Hồng - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho hay, TP HCM có ý tưởng này từ 20 năm trước nhưng chưa làm được. Vì sao? Có thể do ý tưởng xây dựng TP HCM thành TTTC chỉ gói gọn ở địa phương mà không mang tính quốc gia.
Bàn về việc xây dựng TP HCM trở thành TTTC khu vực và quốc tế, Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại chỉ ra hàng loạt điểm yếu dẫn đến việc chưa thể xây dựng TTTC.
Bà Nguyễn Thị Hồng dẫn chứng, thứ nhất, hệ thống tài chính của Việt Nam chủ yếu là ngân hàng tham gia nhưng ngành này cũng đang tái cơ cấu. Thứ hai, hiện nay quy mô tăng vốn khó khăn, chưa kể nguồn vốn của doanh nghiện đang phụ thuộc nhiều vào ngân hàng, trong khi thành lập TTTC đòi hỏi tiềm lực tài chính phải khỏe. Thứ ba, thị trường chứng khoán chưa phát triển mạnh vì chủ yếu trái phiếu Chính phủ, chưa có trái phiếu công ty.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, TTTC phải có dịch vụ cung ứng hiện đại, cung cấp toàn bộ sản phẩm tài chính, tuy nhiên dịch vụ của Việt Nam chỉ là vốn trong nước (vốn nước ngoài đang huy động). “TTTC thành phố không thể tách rời cả nước. Cần phải nghiên cứu kỹ hướng đến phù hợp với chiến lược phát triển ngân hàng mới đồng bộ được”, bà Nguyễn Thị Hồng nêu ý kiến.
Tháng 10 phải hoàn thành đề án
Nhằm tạo hướng mở cho đề án trở thành hiện thực, TS Trần Du Lịch cho rằng, TP HCM phải là đầu tàu gắn với các tỉnh, vùng miền, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao. Đặc biệt phải là địa phương nâng cao năng lực về thể chế. TP HCM phải là nơi khởi ngiệp của 63 tỉnh - thành. Cuối cùng, đề án này phải là đề án của Chính phủ.
Giải quyết những quan ngại của các chuyên gia về việc xây dựng thành phổ trở thành TTTC, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Thành phố có ý tưởng thành TTTC từ lâu rồi nhưng chưa làm được do thành phố chưa quyết tâm, Trung ương chưa quan tâm. Tôi nghĩ thành phố có thể làm được và sẽ cố gắng làm cho được. TP HCM quyết tâm trở thành TTTC vì cả nước, cùng cả nước”.
Bí thư Thành ủy TP HCM đưa ra rất nhiều dữ liệu mang tính khả thi cho kế hoạch để TP HCM trở thhành TTTC. Đơn cử, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp GRDP (tổng sản phẩm nội địa khu vực) của thành phố có mức tăng trưởng trên 8%; GRDP bình quân đầu người đạt 6.065 USD/ người, gấp 2,3 lần thu nhập bình quân cả nước.
Thống kê chỉ rõ, năm 2019, thành phố có khoảng 2.138 tổ chức tín dụng, gồm 601 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, 1.385 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần. Với các lợi thế hiện có, định hướng xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP HCM rất cần thiết.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ, thành phố cần tập trung cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh đô thị thông minh và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông; tăng tốc chương trình chống ngập; hiện đại hóa quy hoạch đô thị; tiếp tục các chương trình khởi nghiệp sáng tạo, trong đó quan tâm khởi nghiệp về tài chính. 6 nội dung này để chuẩn bị cho TTTC.
Ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, tháng 10 phải hoàn thành đề án xây dựng TP HCM thành TTTC để báo cáo Hội đồng nhân dân và Thành ủy, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ.