Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã

Nguyên Khánh 18/07/2019 08:30

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Nội vụ, ông Phan Văn Hùng- Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Nội vụ đã nhận được báo cáo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo đó, cả nước sẽ có 42 tỉnh, thành phố thuộc diện phải sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo Nghị quyết 37/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Vụ Chính quyền địa phương cho biết, sẽ có 20 trên tổng số 713 huyện thuộc các tỉnh, thành nói trên phải sáp nhập. Số xã, phường phải sắp xếp là 653.

Như vậy, tới thời điểm này các địa phương đã lên phương án chuẩn bị cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính của địa phương mình. Cụ thể, đến nay, có 4 đơn vị hành chính cấp huyện đã có phương án sáp nhập, gồm 3 huyện ở Cao Bằng và 1 huyện ở Hòa Bình. Tỉnh Yên Bái sẽ điều chỉnh đơn vị hành chính của thị xã Nghĩa Lộ với huyện Văn Chấn để bảo đảm các tiêu chí theo quy định. Thậm chí, có 4 tỉnh là Bình Thuận, Kiên Giang, Sơn La và Tây Ninh mặc dù không nằm trong diện phải sắp xếp lại các đơn vị hành chính nhưng đã chủ động thực hiện sắp xếp. Tuy nhiên, hiện còn tới 14 địa phương chưa gửi phương án sắp xếp đơn vị hành chính về Bộ Nội vụ dù thời hạn nộp phương án đã sắp tới (hạn cuối là ngày 31/8).

Vì sao tới thời điểm này vẫn còn tới 14 địa phương chưa gửi phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã về Bộ Nội vụ? Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Trương Văn Lắm giải thích lý do triển khai chậm so với quy định bởi có nhiều vướng mắc, đặc biệt là tâm lý của các địa phương. Bởi với TPHCM, nếu căn cứ vào tiêu chí về diện tích, rất nhiều đơn vị sẽ không đạt. Do đó, việc sắp xếp những đơn vị không đạt 50% cả 2 tiêu chí thì nhập 2-3 đơn vị hành chính lại cũng không đủ diện tích. Thậm chí có những quận diện tích chỉ khoảng 500ha, theo tiêu chí diện tích nhập lại chỉ bằng 1 phường.

Sáp nhập các đơn vị hành chính khó khăn không chỉ nằm ở vấn đề diện tích dân số. Ông Lê Văn Quý- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng, Điện Biên đã phải trả giá cho việc khi xây dựng trường học cho hai bản có văn hóa, tín ngưỡng khác nhau dẫn đến việc khi nhà trường đi vào giảng dạy không hiệu quả!

Một vấn đề nữa không dễ giải quyết chính là công tác cán bộ. Bởi nếu nhập 2-3 xã thì ai là Chủ tịch? Chủ tịch được bầu theo quyết định của hội đồng. Mà HĐND 2,3 xã không thể thành một hội đồng được, chưa thể thống nhất với nhau để bầu ai là Chủ tịch. Hay như các quy định khác là Bí thư, Chủ tịch hội, Chủ tịch MTTQ hay như Bí thư Đoàn thanh niên chẳng hạn, Chủ tịch hội Phụ nữ thì cũng có quy định theo hội nhưng chưa tổ chức Đại hội thì bầu ai, cử ai, lựa chọn thế nào rồi chờ các bước tiếp theo, hay chỉ định, lấy phiếu tín nhiệm. Đó là đối với nhân sự là lãnh đạo chủ chốt, còn với cán bộ bình thường thì sao? Cho cán bộ nghỉ hay dồn về một chỗ, đó là bài toán không dễ có lời giải.

Tuy nhiên, khó là thế nhưng việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân. Việc sắp xếp này cần phải làm nhanh hơn khi bộ máy hành chính cấp xã, phường trên cả nước đang tồn tại nhiều nghịch lý, bộ máy cồng kềnh.

Mục tiêu của việc sáp nhập đang được tính toán theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Qua việc sắp xếp, sáp nhập này sẽ chọn được những cán bộ, công chức đáp ứng tốt nhất yêu cầu của nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao. Tuy nhiên, cần phải tính tới yếu tố đặc thù, bảo đảm sự kế thừa, ổn định, phát triển, tạo thuận lợi trong hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; tránh sắp xếp một cách cơ học, máy móc…

Đồng ý sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là để tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, nhưng ý kiến của ông Lê Hữu Khang- Giám đốc Sở Nội vụ Điện Biên là rất đáng lưu ý khi cho rằng phải thận trọng với việc tách và nhập đơn vị hành chính, vì đây không phải lần đầu đề cập chuyện tách nhập; và điều đặc biệt quan trọng là đặt quyền lợi ích hợp pháp của người dân lên trước tiên.

Nguyên Khánh