Thu phí và vấn nạn kẹt xe
Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản trình UBND thành phố Đề án thu phí ô tô vào khu vực trung tâm. Theo Đề án, khu vực trung tâm được xác định bằng ranh giới của nhiều tuyến đường, thuộc địa phận quận 1, 3, 5 và quận 10. Việc thu phí này tác động đến nhiều người dân ở TP HCM nên lập tức nhận được rất nhiều ý kiến, cả lợi ích lẫn tác động tiêu cực của Đề án khi đưa vào thực hiện.
Kẹt xe tại ngã ba Hai Bà Trưng - Trần Quốc Toản (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Khả Hòa.
Dự kiến, khi ô tô đi vào khu vực trung tâm TP HCM có thể phải nộp phí tới 50.000 đồng/lượt. Có 34 trạm thu phí được xây dựng tại các tuyến đường giáp ranh giữa trung tâm và ngoài trung tâm để phục vụ việc thu phí. Theo đề án của Sở GTVT, việc thu phí này chỉ áp dụng với phương tiện là xe ô tô (không áp dụng với xe buýt, xe chuyên dụng quản lý), theo chiều vào trung tâm chứ không áp dụng với phương tiện xe gắn hay theo chiều ra của ô tô. Các trạm thu phí sẽ được xây ở điểm giao cắt giữa vùng trung tâm và ngoài trung tâm (trong đề án này). Vành đai để quy định thu phí bao gồm các tuyến đường là Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Các trạm thu phí được xây dựng theo hình thức đa làn, không cần dừng đỗ phương tiện do Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư. Mục đích của đề xuất này, theo Sở GTVT là để giảm ùn tắc, kẹt xe ở khu vực trung tâm thành phố. Được biết, tổng số tiền đầu tư lắp đặt hệ thống trạm thu phí vào khoảng 250 tỷ đồng và sẽ bắt đầu áp dụng từ năm 2021 tới.
Thực tế, ý tưởng thu phí phương tiện ô tô vào khu vực trung tâm thành phố đã có từ gần 10 năm trước (năm 2010) khi được đề xuất bởi một doanh nghiệp tư nhân trong việc tìm kiếm các giải pháp kẹt xe, ùn tắc. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư mà doanh nghiệp này đề xuất khi ấy lớn gấp nhiều lần số tiền hiện nay (250 tỷ đồng) và vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Ngoài việc giảm bớt phương tiện ô tô di chuyển vào khu vực trung tâm, việc thu phí này chắc chắn sẽ bổ sung vào nguồn ngân sách một khoản thu tương đối lớn. Nguồn thu này nếu quản lý tốt, được sử dụng để đầu tư vào xây dựng hạ tầng giao thông sẽ giúp ích lại cho cộng đồng.
Trong khi đó nhiều ý kiến không đồng tình cho rằng, đề xuất này không khả thi bởi nguyên nhân đầu tiên là các “điểm đen” kẹt ở TP HCM không nằm ở vùng trung tâm, như nhận định của đề án này. Cụ thể, thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08), Công an TP HCM, hiện thành phố có 7 điểm nóng thường xuyên xảy ra ùn tắc, kẹt xe. Trong đó, chỉ có duy nhất một điểm kẹt xe là khu vực đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh (do dự án xây dựng cầu, sửa đường và tuyến metro số 1 đồng loạt thi công ở đây) chồng lấn khu vực trung tâm. Các điểm nóng kẹt xe khác ở thành phố đều nằm ngoài vùng trung tâm như giao lộ Cộng Hoà - Hoàng Hoa Thám, đường Trường Chinh (quận Tân Bình, gần sân bay), đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (gần bến xe miền Đông, quận Bình Thạnh), giao lộ Nguyễn Thị Tú - Quách Điêu (huyện Bình Chánh), ngã tư bốn xã (quận Tân Phú). Nghĩa là, ngay cả khi việc thu phí trung tâm được áp dụng thì các điểm kẹt xe trên cũng không được giải quyết vì hầu hết nằm ở khu vực khá xa vùng trung tâm.
Một số chuyên gia cũng dự báo, nếu thu phí vào trung tâm sẽ xảy ra trường hợp nhiều xe khi ở trong vùng này sẽ chỉ chạy “lòng vòng” mà không đi ra khỏi trung tâm. Điều này dẫn đến lượng xe ở khu vực này có mật độ cao hơn. Ước tính, với hàng triệu dân, khu vực trung tâm cũng sở hữu rất nhiều phương tiện là ô tô nên khi áp dụng đề án này, số lượng xe lưu lại khu trung tâm sẽ nhiều hơn đáng kể. Ngoài ra, sử dụng phương tiện ô tô hiện nay đang chịu nhiều khoản thuế, phí khác nhau. Thậm chí nhiều tuyến đường ở trung tâm TP HCM khi đậu xe đã phải mất phí (tính theo giờ) trong khi hệ thống đường sá, bến đậu lại không được xây dựng. Vì thế, nếu thêm một loại phí nữa sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu di chuyển của người dân. Với chủ trương xây dựng một thành phố năng động, thu hút nhà đầu tư, khách du lịch nên việc thu phí vào trung tâm sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân ở khu vực này.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất là hạ tầng giao thông ở thành phố nói chung và khu vực trung tâm nói riêng chưa phát triển kịp với nhu cầu di chuyển của người dân. Trong đó hệ thống giao thông công cộng khá nghèo nàn, khi chỉ có duy nhất phương tiện là xe buýt. Vì vậy, ngay cả việc thu phí cũng sẽ khó làm giảm các phương tiện ô tô đi vào trung tâm khi người dân có nhu cầu di chuyển nhưng phương tiện giao thông công cộng không đáp ứng hay thay thế phương tiện cá nhân được.