Vốn nước ngoài đầu tư vào dầu khí đang giảm
Sáng 18/7, Bộ Biên tập Tạp chí cộng sản, Ban Kinh tế Trung ương, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) phối hợp tổ chức Hội thảo “Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia- Vai trò ngành dầu khí”.
Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Petrotimes.
Dự, chỉ đạo hội thảo có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng Ban Thường trực Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Trần Sỹ Thanh, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tập chí Cộng sản. Dự hội thảo còn có nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học.
Dầu khí hiện như “cô gái lỡ thì”
Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh cho biết, trước đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào ngành thăm dò, khai thác dầu khí trung bình 2 tỷ USD/năm, hiện nay mỗi năm chỉ còn khoảng vài trăm triệu USD vốn FDI đầu tư. Trong khi đó, chính sách liên quan ngành dầu khí ngày càng thắt chặt khiến nhà đầu tư e ngại.
Dẫn ví dụ, về thuế mặt nước cho một lô thăm dò khai thác dầu khí lên tới 10 – 15 triệu USD/năm, Chủ tịch PVN cho rằng, đó là lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại, ít đổ vốn đầu tư, mà theo so sánh hình ảnh của ông Thanh, Luật dầu khí sửa đổi gần đây nhất có những điều kiện khắt khe như việc ra điều kiện gả con gái 18; trong khi giờ dầu khí chỉ như ‘cô gái lỡ thì”.
Chia sẻ với những khó khăn của PVN, PGS TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện CIEM cũng cho rằng, bất cập ở chỗ, cho đến nay, Luật Dầu khí vẫn còn những nội dung không còn phù hợp với thực tế như: Hiện chỉ điều chỉnh khâu thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí). Chưa có các điều khoản điều chỉnh cho hoạt động khâu trung nguồn và hạ nguồn (khác biệt với các nước, các giai đoạn và nội dung quản lý nhà nước).
Vài chục năm tới, dầu khí vẫn là ngành mũi nhọn
Trong khó khăn vô vàn ấy, PVN vẫn phải gồng mình làm nhiệm vụ. Theo số liệu của PVN, trong giai đoạn 2007-2017, đầu tư của PVN vào lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí lên tới gần 270,9 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo PVN, trong giai đoạn này có 74 dự án tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí do PVN và các đơn vị thành viên PVN thực hiện (quy mô đầu tư của các dự án này lên tới 31,1 tỷ USD, trong đó 12 dự án với số vốn gần 16,9 tỷ USD do PVN trực tiếp đầu tư).
Thực tế, theo như đánh giá của TS Nguyễn Hồng Minh, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí, trong vài chục năm tới dầu khí vẫn đóng vai trò quan trọng dù chúng ta đang sống trong 3 xu thế: Phẳng- Xanh và Số và càng phẳng thì tác động của nó càng lớn. Dẫn chứng thế giới phẳng đến mức một động thái nhỏ từ bên kia bán cầu đã ảnh hưởng đến giá dầu thế giới, mỗi quyết định của FED hoặc của Tổng thống Mỹ đã đưa đến tác động khó lường. Giá dầu chỉ giảm 1 đô la/thùng, thì doanh thu và nộp ngân sách của PVN cũng chịu tác động giảm theo.
Trong bối cảnh thách thức đến từ nhiều phía, PVN vẫn đa dạng hóa và mở rộng công suất lắp đặt các nhà máy điện khí, điện than, điện gió, thủy điện… góp phần đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng của nền kinh tế.
Đó là chưa kể các nhà máy điện do PVN đang đầu tư như Thái Bình 2, Long Phú, Sông Hậu… và chuẩn bị đầu tư như Miền Trung 1,2,3, Nhơn Trạch 3,4, Sơn Mỹ 1,2,3 khi hoàn thành sẽ là nguồn phát điện lớn cho đất nước, góp phần đảm bảo cân bằng an ninh năng lượng.
Vượt qua thách thức: Cách nào?
Tại hội thảo, các chuyên gia đều chung nhận định, ngành dầu khí hiện phải đối mặt với nhiều thách thức cả về chủ quan lẫn khách quan. Để vượt qua các rào cản ấy, nhiều ý kiến bày tỏ: Chính phủ cần xây dựng chính sách năng lượng phù hợp với giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nâng cao nhận thức về năng lượng tái tạo, tiếp cận các công nghệ tiên tiến trong ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi và dầu khí một cách tổng thể từ quy hoạch, khảo sát, đến thiết kế, thi công, vận hành, kinh doanh và bảo dưỡng. Đây là giải pháp đặt ra trách nhiệm rất lớn cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Bên cạnh đó, PVN cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đúng tiến độ đã điều chỉnh các dự án điện tại đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực khác. Tập đoàn cần tiếp tục phân tích làm rõ các nguyên nhân chủ quan để chủ động khắc phục, tìm ra đúng nguyên nhân khách quan để kiến nghị kịp thời với các cấp có thẩm quyền tháo gỡ, bảo đảm tiến độ, thời gian đưa các dự án điện vào hoạt động thương mại.
Cũng cần mạnh dạn mở rộng các dự án dầu khí, điện cho giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030; trong đó chú trọng mở rộng sang các dự án điện năng lượng tái tạo, như: Gió, năng lượng mặt trời; bảo đảm cung cấp khí đốt cho các nhà máy điện của các tập đoàn khác.
Cuối cùng cần chủ động tìm kiếm nguồn vốn đa dạng, thực hiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu mới, huy động vốn cho đầu tư các dự án.