TP Hồ Chí Minh: Thủ tục đất đai vẫn ‘hành’ dân
Chiều 18/7, UBND TP HCM tổ chức hội nghị sơ kết thủ tục hành chính trong 6 tháng đầu năm 2019. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) hơn nữa vì người dân bức xúc nhiều về tình trạng giải quyết hồ sơ đất đai quá chậm.
Người dân vẫn than phiền về TTHC trong lĩnh vực đất đai.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, tồn kho hồ sơ trong 6 tháng qua còn cao. Hiện đang tồn 0,31%, tương đương 31.942 hồ sơ. Trong đó, hồ sơ trễ hẹn chủ yếu là đất đai, xây dựng. Ở lĩnh vực đất đai còn nhiều hồ sợ chậm xử lý, giải quyết rất lâu làm cho người dân không hài lòng và bức xúc. Hiện nay tỷ lệ người dân không hài lòng của người dân đang ở mức cao.
Lý giải về công tác cải cách TTHC liên quan đến đất đai, xây dựng bị người dân than phiền nhiều, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM cho rằng, thủ tục hành chính (TTHC) về nhà đất đã được đơn giản rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn vài khâu liên quan đến thủ tục nhà đất còn gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Điều này làm gia tăng tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn là 10%.
Ông Nguyễn Toàn Thắng dẫn chứng, phần lớn hồ sơ trễ hẹn thuộc trường hợp hồ sơ ký mới giấy chứng nhận phải chuyển về Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố (chiếm khoảng trên 60%, khoảng 20.000 hồ sơ). Hồ sơ do chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận – huyện tiếp nhận, kiểm tra, thụ lý rồi chuyển bưu điện vận chuyển đến Văn phòng đăng ký đất đai thành phố kiểm tra. Ban Giám đốc ký giấy chứng nhận rồi chuyển lại bưu điện đưa về Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận – huyện kiểm tra nghĩa vụ tài chính, cho số vào sổ, sau đó phát hành.
Để giải quyết tình trạng hồ sơ trễ hạn này, Sở Tài nguyên - Môi trường tập trung thực hiện hai nhóm giải pháp. Nhóm thứ nhất là phân cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường ủy quyền cho Giám đốc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận – huyện được ký Giấy chứng nhận theo quy định. Việc thực hiện giải pháp này rút ngắn thời gian giải quyết khoảng 10 ngày, giảm áp lực hồ sơ chuyển về Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố, tiết kiệm chi phí vận chuyển hồ sơ (ước tính khoảng 2 tỷ đồng/năm).
Nhóm giải pháp thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết hồ sơ. Nghĩa là liên thông thuế điện tử giữa cơ quan tài nguyên và môi trường với cơ quan thuế. Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng, thông qua hai nhóm giải pháp trên thì rút ngắn quy trình quy trình 9 bước còn 2 bước. Giảm thời gian luân chuyển, thay vì không xác định cụ thể ở mỗi đơn vị, nay giải quyết hồ sơ không quá 5 ngày.
Không muốn TTHC về đất đai, xây dựng tiếp tục “hành” dân, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu, Sở Tài nguyên - Môi trường phải phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn trong lĩnh vực này xuống mức thấp, kéo giảm tồn còn dưới 0,1%. Để làm được điều này nên tăng cường trả hồ sơ tại các phường – xã.
Liên quan chung đến hoạt đông cải cách TTHC, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, sắp tới thành phố sẽ kiểm tra một vài đơn vị để xem trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện cải cách TTHC như thế nào. Bởi vì, hiện nay có nhiều người đứng đầu đơn vị né tránh, e dè, sợ trách nhiệm. “TP HCM sẽ xử lý nghiêm những công chức, cán bộ gây nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Chia sẻ với công tác cải cách TTHC, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mức độ hài lòng chung về TTHC của người dân thành phố là 82%. Vậy thì tỷ lệ này đối với những hồ sơ đất đai, xây dựng là bao nhiêu. Bí thư Thành ủy TP HCM yêu cầu, làm rõ tỷ lệ không hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hồ sơ trễ hẹn về đất đai, xây dựng.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, nên tách rời tỷ lệ hài lòng của ngành này ra để dễ theo dõi, đồng thời nâng tỷ lệ hài lòng về hồ sơ đất đai cũng như giảm lượng hồ sơ trễ hẹn.
* Theo Sở Nội Vụ TP HCM, thời gian qua thành phố tập trung cải cách thủ tục hành chính khá tốt. TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng được mở rộng và được người dân, doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Hiện nay dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được cung cấp là 1.140, tổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 375. Về liên thông thủ tục, số lượng, tỷ lệ các TTHC liên thông, liên thông điện tử trong nội bộ cơ quan, giữa các cơ quan của thành phố, giữa các cơ quan của thành phố với cơ quan ngành hàng dọc ngày càng tăng. Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức theo hướng công khai,minh bạch, thuận lợi.