Mua S-400, Thổ Nhĩ Kỳ có bị loại khỏi NATO?
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 18/7 đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt quyết định của Mỹ khi loại họ khỏi chương trình F-35 để trả đũa việc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ankara cho rằng đây là một sai lầm sẽ gây ra tổn hại vĩnh viễn tới mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Nguồn: AP).
“Vết thương không thể hàn gắn”
“Động thái đơn phương này là không phù hợp với tinh thần của khối đồng minh và không dựa trên bất cứ quy định hợp pháp nào” - Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói trong một tuyên bố mạnh mẽ, ngay sau khi Nhà Trắng chính thức loại nước này khỏi chương trình phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 - “Chúng tôi kêu gọi Mỹ cân nhắc lại, bởi sai lầm này sẽ gây ra tổn thương không thể hàn gắn trong mối quan hệ chiến lược của chúng ta”.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng bác bỏ các tuyên bố “vô căn cứ” của Mỹ cho rằng hệ thống phòng không mà Nga chế tạo, đã được chuyển giao tới Thổ Nhĩ Kỳ từ tuần trước, sẽ đe dọa F-35 và an ninh của NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng, mọi nỗ lực của chính quyền Ankara nhằm liên lạc với Washington với hy vọng giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng đã bị phớt lờ, và Washington không hề tỏ ra hứng thú với việc thiết lập một nhóm làm việc của NATO để thảo luận. Sự thiếu sẵn lòng trong đàm phán này “rõ ràng cho thấy định kiến của phía Mỹ và họ không sẵn lòng giải quyết vấn đề”.
Sau nhiều lần tung ra lời đe dọa rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị loại khỏi chương trình F-35 nếu còn tiếp tục thương vụ S-400 với Nga, chính quyền Washington cuối cùng đã thực hiện điều đó, chỉ ra quan ngại rằng công nghệ của Nga sẽ được sử dụng để thu thập thông tin tình báo về “những khả năng tối tân” của mẫu phi cơ trên.
Cùng lúc tuyên bố loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35, Mỹ cũng khẳng định Ankara vẫn có thể được trở lại chương trình này - nếu như hủy thương vụ với Nga - điều mà Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ hoàn toàn. Thay vào đó, Ankara cho rằng họ có thể “đi xa hơn” trong thương vụ với Nga, bằng cách tham gia sản xuất chung hệ thống S-400 với Nga.
Trước đó, trong hôm 17/7, trong lúc thông báo về đòn trừng phạt của Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đổ lỗi cho chính quyền người tiền nhiệm Obama đã dẫn đến tình trạng như hiện nay và tỏ rõ sự đồng cảm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vì “tình thế khó khăn mà họ bị đẩy vào”. “Do họ có một hệ thống tên lửa chế tạo ở Nga, nên giờ họ bị cấm mua 100 chiếc máy bay” - ông Trump nói trong một cuộc họp Nội các - “Tôi muốn nói rằng nhà sản xuất Lockheed Martin cũng chẳng vui vẻ gì. Nói thẳng là tôi luôn có một mối quan hệ tốt với ông Erdogan”.
Thổ Nhĩ Kỳ có bị loại khỏi NATO?
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đó cho biết hiện chưa có quốc gia nào trong khối đưa ra đề xuất loại Thổ Nhĩ Kỳ vì mua hệ thống phòng không S-400 Nga. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, hệ thống phòng thủ của Moscow sẽ không được tích hợp với mạng lưới phòng không của NATO.
“Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên quan trọng của NATO và không có đồng minh nào đề cập đến việc loại Ankara ra khỏi khối, vì chúng ta đều thấy rằng các quốc gia vẫn đang phụ thuộc vào nhau” - ông Stoltenberg phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở thành phố Aspen, Mỹ - “Tuy nhiên, một khi vấn đề chưa được giải quyết, chúng ta sẽ phải giảm thiểu tối đa những hậu quả tiêu cực”.
Tuyên bố của ông Stoltenberg được đưa ra trong bối cảnh nhiều nhà phân tích dự đoán Ankara sẽ “dứt áo ra đi”, rời khỏi NATO để tiến gần hơn với Nga.
Ông Stolenberg gọi thương vụ mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ là một quyết định không hợp lý, và Ankara sẽ phải gánh chịu hậu quả. Tuy nhiên, hậu quả này sẽ không bao gồm việc Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi NATO. Một trong những lý do chính, theo Bloomberg, là do hiệp ước tạo ra liên minh NATO sau Thế chiến II không quy định cụ thể về việc loại bỏ một thành viên.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO quan trọng hơn nhiều so với chương trình F-35 và S-400.