Giám định các tác phẩm nghệ thuật: Mong manh thật, giả

Minh Quân 19/07/2019 08:00

Ngày 18/7, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội thảo “Công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh thực trạng”.

Giám định các tác phẩm nghệ thuật: Mong manh thật, giả

Công tác giám định mỹ thuật ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa.

Gian nan công tác giám định

Tại Hội thảo, đại diện Cục Bản quyền tác giả, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), Trung tâm Giám định và Triển lãm định tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh Việt Nam… và đông đảo họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà nghiên cứu mỹ thuật, nhiếp ảnh đều nhìn nhận công tác giám định hiện nay đang đứng trước vô vàn khó khăn. Trong đó, công tác giám định đang thiếu các điều luật quy định về hoạt động giám định tác phẩm nghệ thuật, nếu có thì rất sơ sài, chung chung khó áp dụng. Cùng với đó là tâm lý nghi ngờ, không tin tưởng, không ai chịu ai, không công nhận “trọng tài” đang là suy nghĩ đè nặng trong nhiều người. Đặc biệt, các máy móc, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng để làm các kiểm tra kỹ thuật hiện tại hoàn toàn nhờ vào con người và máy móc của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). Tuy nhiên, dù vẫn biết đây là những trở ngại lớn, nhưng chính những người trong cuộc cũng phải thừa nhận đây là vấn đề không thể giải quyết được “một sớm, một chiều”.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, cách đây gần một năm Trung tâm Giám định và Triển lãm định tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh Việt Nam được thành lập với kỳ vọng là địa điểm tin cậy trong công tác giám định các tác phẩm nghệ thuật. Dù có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 7 trường hợp đến nhờ giám định tác phẩm hội họa, nhưng thiếu giấy tờ cần thiết để có thể thực hiện đúng các quy trình. Với 7 trường hợp này chỉ nhìn bằng mắt thường đã xác định ngay là tranh giả. Và với tâm lý người đến giám định là muốn kết quả là có một tờ giấy xác nhận tranh thật thì khi họ biết là tranh giả nên họ cũng “cho qua” và không quay trở lại.

Cục trưởng Vi Kiến Thành cũng tha thiết kêu gọi các tổ chức, cá nhân tâm huyết vì sự phát triển của mỹ thuật, và thị trường mỹ thuật, với hoạt động giám định và đấu giá, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật hãy nhiệt tình và mạnh dạn thành lập và tổ chức hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật, để Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sớm rút ra khỏi phạm vi hoạt động theo thông lệ quốc tế.

Hồ sơ nghệ sĩ

Có thể thấy, tại Việt Nam, việc giám định hội họa, đồ họa, điêu khắc, nhiếp ảnh đang gặp nhiều khó khăn. Bởi ngay việc mang các tác phẩm đến giám định thì chủ sở hữu cũng không nắm rõ được các quy trình cũng như có được các giấy tờ cần thiết.

Nhìn nhận về vấn đề này, nhà phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Thành cho rằng: “Hội đồng giám định ra đời là một điều đáng mừng, song cũng không hoàn toàn kỳ vọng giám định mỹ thuật trở thành “liều thuốc” với căn bệnh vi phạm bản quyền. Đây chỉ là một thiết chế cần thiết đề vận hành, góp phần làm công khai, minh bạch thị trường mỹ thuật và nhiếp ảnh”. Cũng theo ông Thành, dù tập trung nhiều người có kinh nghiệm, hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh nhưng cơ hội được tiếp xúc với nhiều thế hệ các nhà sáng tác, hiểu ngôn ngữ, bút pháp, chất liệu của từng họa sĩ, cũng mới dựa vào cảm nhận, kinh nghiệm, sự hiểu biết cá nhân, còn thiếu luận chứng khoa học có tính thuyết phục cao. Vì vậy, việc giám định tác phẩm là việc xác định đó là bản gốc hay bản sao chép, xác định chữ ký, phong cách sáng tác, bút pháp… là cả một vấn đề. Làm người thẩm định không phải chỉ là người sáng tác giỏi mà còn phải là người thường xuyên theo dõi thị trường, hiểu biết nhịp sống của mỹ thuật và nhiếp ảnh, phải là người nghiên cứu chuyên sâu về nó. Bởi thế việc khắc phục, hạn chế cần phải một thời gian nữa mới có thể thấy được.

Trước thực trạng này, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Bùi Thị Thanh Mai cho biết, thực tế cho thấy công tác giám định tác phẩm mỹ thuật không hề dễ dàng bởi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng từng có Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật nhưng hoạt động không hiệu quả vì nhiều lý do. Trong đó, việc nghiên cứu về xuất xứ, nguồn gốc tác phẩm mỹ thuật Việt Nam là hết sức khó khăn bởi công tác lưu trữ, xây dựng hồ sơ, tư liệu về các nghệ sĩ thời kỳ nghệ thuật chưa được thực hiện tốt trong một thời gian dài.

Cũng theo bà Mai, hướng giải quyết trước mắt là xây dựng “Hồ sơ nghệ sĩ” để có thế cung cấp một số hoặc bao gồm những thông tin như tiêu đề và những tiêu đề biến thể, kích thước, năm sáng tác, chất liệu, nơi lưu giữ, chủ sở hữu hiện tại, nguồn gốc, lịch sử triển lãm, tình trạng tác phẩm, tiểu sử nghệ sĩ, đánh giá và nhận xét quan trọng, mô tả về tác phẩm, chữ ký, chữ khắc và dấu của nghệ sĩ… Theo bà Mai, hồ sơ nghệ sĩ thường cung cấp hình ảnh tốt về tác phẩm nghệ thuật, thông tin mô tả đáng tin cậy và tư liệu cơ bản mang tính cốt lõi về các tác phẩm và nghệ sĩ sáng tạo ra chúng. Hồ sơ nghệ sĩ là ấn phẩm thiết yếu trong lĩnh vực di sản văn hóa nghệ thuật, là danh mục được thiết kế trong đó ghi chép kỹ lưỡng các tác phẩm nghệ thuật giúp các học giả theo dõi sự tồn tại những tác phẩm, nơi chúng hiện đang được lưu giữ và nguồn gốc tác phẩm kể từ khi tạo ra cho đến thời điểm hiện tại. “Sự tồn tại của hồ sơ nghệ sĩ mang đến cảm giác tin tưởng vào công việc của nghệ sĩ, tác động tích cực vào thị trường của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hồ sơ xây dựng sơ sài, thiếu thông tin, dữ liệu lịch sử, sự lựa chọn và biên tập kém cỏi đã dẫn đến tranh cãi. Vì vậy, những hồ sơ nghệ sĩ do các chuyên gia, tổ chức uy tín, đáng tin cậy xây dựng thường được đánh giá cao. Bởi công việc tìm ra có bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật mà một nghệ sĩ đã sáng tác là công việc khó khăn và có thể có những sai xót” - bà Mai nói.

Minh Quân