Tuyển sinh đại học 2019: Tập trung vào hậu kiểm
Mùa tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) 2019 đang ở giai đoạn sôi động nhất. Nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm (nếu có); góp phần đảm bảo cho công tác tuyển sinh nghiêm túc, đúng Quy chế, Bộ GDĐT đã có hướng dẫn thanh tra, kiểm tra tuyển sinh ĐH, CĐ và trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2019.
Tuyển sinh ĐH 2019 sẽ tập trung vào hậu kiểm Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Thanh tra xử lý nghiêm vi phạm
Tại Hội nghị Công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH vừa tổ chức, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GDĐT nhận định, công tác tuyển sinh ĐH ngày càng lành mạnh, đáp ứng yêu cầu của xã hội, của từng trường. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH vẫn để xảy ra thiếu sót, sai phạm.
Cụ thể, qua kiểm tra ghi nhận đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác, một số trường xét tuyển không đúng đề án. Chẳng hạn, Bộ đưa ra quy định là tuyển sinh 50% bằng học bạ, 50% là điểm thi THPT quốc gia nhưng có trường chấp nhận đến 80% kết quả trúng tuyển bằng học bạ. Nhiều trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo.
Một vi phạm phổ biến nữa là các trường tăng chỉ tiêu đào tạo rất cao, không đúng năng lực thực tế. Đơn cử, có trường khai 1.000 giáo viên cơ hữu trong đề án tuyển sinh, nhưng thực tế chưa có từng ấy. Tới lúc tuyển được nhiều sinh viên, trường mới đi ký hợp đồng giảng viên để đủ số lượng.
Ông Bằng đề nghị các trường ĐH tập trung rà soát hệ thống các văn bản, củng cố hệ thống quy định của mình theo đúng quy định của Bộ và lưu ý trong quá trình thực hiện, các trường có thể sáng tạo nhưng không được tùy ý du di theo ý của mình. Quy định thế nào thì làm như thế, việc nào không rõ phải hỏi. Tất cả phải theo khung chung là quy chế, thông tư, nghị định.
Ông Nguyễn Huy Bằng đề nghị các trường quán triệt công văn 2969/BGDĐT-TTr của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn thanh tra, kiểm tra tuyển sinh ĐH; tuyển sinh CĐ và trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2019 để xây dựng kế hoạch, quyết định thanh tra. Hoạt động thanh tra này độc lập với bộ phận thanh tra chung của trường.
Trong đó, đáng lưu ý, yêu cầu đối với cán bộ, công chức, viên chức tham gia Đoàn thanh tra, kiểm tra của trường phải là cán bộ thuộc Phòng/Ban thanh tra nội bộ, cán bộ thanh tra chuyên trách, cộng tác viên thanh tra hoặc cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ quản lý, giảng viên hữu cơ.
Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực công minh, khách quan. Nắm vững Quy chế tuyển sinh và các văn bản có liên quan, nắm được quy trình nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra; phát hiện những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị biện pháp khắc phục, hoàn thiện phương án tuyển sinh; sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan, hoàn thiện phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng và trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Không tham gia công tác thanh tra kiểm tra tuyển sinh khi có người thân (con, vợ, chồng, bố, mẹ, anh chị, em ruột của mình và của vợ hoặc chồng) dự thi hay xét tuyển vào trường năm 2019.
“Xin nói rõ thanh tra này độc lập với bộ phận thanh tra chung của trường. Hiệu trưởng nếu quan tâm, thực hiện đúng quy định này thì tự trường đã loại được khá nhiều lỗi chuyên môn có thể do chủ quan, khách quan dẫn đến sai sót. Lãnh đạo Bộ cũng sẽ thành lập các đoàn thanh tra để thanh tra sát sao, kịp thời, trong quá trình thanh tra thấy sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm túc tới đó nhằm siết chặt quản lý kiểm soát, đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH trong bối cảnh tự chủ hiện nay” - ông Bằng nhấn mạnh.
Quan trọng nhất là sản phẩm đầu ra
Nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, hàng loạt giải pháp đã được các chuyên gia, nhà quản lý, giáo viên và cả xã hội quan tâm đề xuất. Trong đó, vấn đề thanh tra kiểm tra trước, trong và sau mỗi mùa tuyển sinh luôn được nhấn mạnh nhiều lần.
Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) nhấn mạnh điểm đến của các trường ĐH không phải là tuyển sinh cũng không phải là quá trình đào tạo mà phải là sản phẩm đầu ra và chất lượng đào tạo theo đúng nhu cầu xã hội, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm.
Theo ông Trinh, tuyển sinh là một chỉ số, quá trình đào tạo là một chỉ số nhưng quan trọng nhất, căn cơ và bài bản phải là các điều kiện đảm bảo chất lượng. Hiện nay, đại đa số các cơ sở giáo dục ĐH đã hình thành bộ phận tổ chức đảm bảo chất lượng bên trong. Nhưng cơ chế hoạt động, tầm nhìn và cách tiếp cận còn rất khác biệt. Cơ sở nào chăm lo tạo điều kiện hoạt động cho hệ thống này thì chất lượng đào tạo sẽ tốt. Điều đó thể hiện ngay trong công tác tuyển sinh cũng thuận lợi hơn.
Cùng với đó là kết hợp với một số nhóm vấn đề cơ bản: Đầu tiên là cơ chế quản lý; tiếp đến là đội ngũ cán bộ bao gồm cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy. Kế đến là cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ đào tạo.
“Đặc biệt, chúng ta cần quan tâm đến trách nhiệm cộng đồng và trước mắt trong mỗi cơ sở giáo dục đào tạo là trách nhiệm với mỗi sinh viên. Chúng ta đào tạo sinh viên như thế nào để sau quá trình đào tạo các em có việc làm” - ông Trinh lưu ý.
Muốn vậy, cần phải công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Mỗi cơ sở giáo dục ĐH phải chịu trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm của mình với xã hội về sản phẩm đầu ra của mình.
Về vấn đề kiểm định chất lượng, Bộ GDĐT đã nhiều lần nhấn mạnh cần quan tâm tập trung để hoàn thiện hệ thống này. Trước mắt, trong thời gian tới đây, cần tập trung mạnh vào kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo. Nếu không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng thì không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Cụ thể, Khoản 5 Điều 33 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã quy định rõ: Trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định theo quy định của Luật này.
Trường hợp không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, cơ sở giáo dục ĐH phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, bảo đảm quyền lợi cho người học, không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cũng cho biết, nếu cơ sở giáo dục ĐH nào vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý theo hướng trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo. Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức…