Giám sát phải chỉ rõ 'địa chỉ'
Ngày 18/7, Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em họp phiên thứ nhất. Qua thảo luận các đại biểu đã tập trung đề cập đến đề cương, cách thức, tổ chức quá trình đi giám sát. Đoàn giám sát cũng đã quyết định thành lập 3 đoàn công tác đi giám sát tại 17, tỉnh, thành phố.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019.
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, lâu nay đi giám sát chỉ nghe báo cáo chứ ít xâm nhập hiện trường cho nên tính đối chứng là không có. Do đó lần này Đoàn giám sát cần đi xâm nhập vào thực tiễn chứ không chỉ nghe báo cáo, đồng thời cần thực thi quyền hạn giám sát ngay tại chỗ là yêu cầu các cơ quan đình chỉ ngay các hành vi vi phạm mà Đoàn giám sát phát hiện ra.
Cũng theo ông Vân, báo cáo giám sát cần tập trung vào 4 phần như: phần 1 là đánh giá chung tình hình xâm hại trẻ em; phần 2 là quá trình triển khai thực hiện các văn bản; phần 3 là tổ chức thực thi; phần 4 là giải pháp nhưng trọng tâm nên tập trung vào chính sách đã được Chính phủ, các bộ, triển khai đã kịp thời chưa?, có đúng luật hay không? Do đó nên tập trung chủ yếu vào giải pháp thực thi các đạo luật.
Ông Vân cũng cho rằng, các giải pháp kiến nghị là nền tảng cho sửa đổi chính sách pháp luật, bệ đỡ cho quá trình sửa luật. Do đó cần phân tích kiến nghị làm rõ đường lối, quan điểm của Đảng về chăm sóc bảo vệ trẻ em có cần phải sửa đổi ban hành mới hay không? Các luật, nghị định có phải sửa hay không? Hệ thống tổ chức bộ máy cán bộ bảo vệ trẻ em đã đủ chưa? Bên cạnh đó, cần những giải pháp về mặt kỹ thuật như hệ thống camera tại điểm đông dân cư và những nơi trống vắng. Hiện chúng ta đã có hệ thống camera quan sát giao thông rồi, do đó cũng cần có hệ thống camera để bảo vệ trẻ em.
Theo bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại là vấn đề lớn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cần phải tích cực hơn nữa. Vì vậy đoàn giám sát cần mời ngành Nội vụ, Tài chính đi cùng để xem xét các vấn đề liên quan đến cán bộ để đánh giá lực lượng làm công tác bảo vệ trẻ em đã đủ hay chưa? Chế độ chính sách đối với họ ra sao?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, trong giám sát không thể thiếu sự tham gia của người dân, do đó làm sao khơi gợi cách làm của địa phương.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em cho rằng, đây là đoàn giám sát tối cao của Quốc hội do đó cần xác định làm việc quyết liệt, khoa học thì mới đem lại hiệu quả như mong muốn. Đoàn giám sát sẽ chia làm 3 đoàn đi giám sát tại 17 tỉnh, thành phố. 3 đoàn công tác cần đến những nơi làm tốt điển hình và những nơi đang còn bức xúc để giám sát thì kết quả mới tổng quát toàn diện, nhất là cần tập trung giám sát ở những nơi mà báo chí đang phản ánh về những vụ việc xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, báo cáo giám sát cũng phải chỉ rõ “địa chỉ” thì mới quy được trách nhiệm.