Joseph Mari Hồ Huệ Bá: Giáo dân tiêu biểu 'Kính Chúa yêu nước'

Nguyễn Túc 20/07/2019 14:05

Căm ghét chế độ thực dân và bọn tay sai bán nước, Cụ Bá thường bất tuân lệnh các linh mục người Pháp... Năm 1943, Cụ Hồ Huệ Bá đứng ra vận động bà con giáo dân theo mình đấu tranh chống thu tô, chống canh gác, tuần tra, chống đuổi học vô cớ trong giáo xứ.

Joseph Mari Hồ Huệ Bá: Giáo dân tiêu biểu 'Kính Chúa yêu nước'

Thánh đường Cù Lao Giêng, nơi Joseph Mari Hồ Huệ Bá từng giảng dạy. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên).

Từng là người giúp việc cho Chủ tịch Hoàng Quốc Việt -Trưởng ban trù bị Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận - tôi có may mắn được tiếp xúc và làm việc với Cụ một số lần. Ấn tượng sâu sắc mà Cụ để lại trong tôi qua những lần tiếp xúc đó là: Tuy tuổi cao ngoài 80, sức yếu, song Cụ cực kỳ minh mẫn, trí nhớ vẫn tuyệt vời và cách diễn đạt ý tưởng ngắn, gọn, khúc triết, thu hút sự chú ý của người nghe.
Theo bản lý lịch tự khai, Joseph Mari Hồ Huệ Bá sinh ngày 19-3-1894 trong một gia đình công giáo tại xã Hòa Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc, nay là Long Điền, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Nhà vốn có “của ăn của để”, Cụ được chăm sóc chu đáo cả về học vấn lẫn đạo đức làm người. Nhờ thông minh và chăm học, lại được gia sư kèm cặp nên Cụ học giỏi, thạo cả chữ nho và tiếng Pháp. Ở tuổi thanh niên, Cụ đã được bổ nhiệm làm thầy giảng tại các trường dòng ở Ba Nam và Chủng viện Cù lao Giêng được xây dựng từ năm 1874.

Mặc dù được đào tạo tại trường dòng, song thầy Hồ Huệ Bá không bao giờ quên mình là con dân nước Việt, là dân nô lệ, đặc biệt không quên Chợ Mới quê mình là cái nôi của phòng trào yêu nước và cách mạng của An Giang và của cả Nam Bộ. Theo Cụ kể lại: Nam kỳ khởi nghĩa thất bại, nhiều vùng của Nam bộ chìm trong biển máu; bọn chỉ điểm đi sâu vào từng thôn, ấp; số người bị bắt ngày càng đông, có một lần chúng bắt gần trăm người nghi là cộng sản. Cụ đứng ra bảo lãnh với bản cam kết: đây là những học viên của trường dòng do Cụ phụ trách. Cha chủ trì nhà thờ đồng tình với việc làm đầy tính nhân văn của Cụ và đứng ra làm lễ rửa tội cho số người trên, nhờ đó gần trăm con người trước nguy cơ bị tù đầy hoặc bị giết đã được Cụ Bá cứu thoát.

Căm ghét chế độ thực dân và bọn tay sai bán nước, Cụ Bá thường bất tuân lệnh các linh mục người Pháp... Năm 1943, Cụ Hồ Huệ Bá đứng ra vận động bà con giáo dân theo mình đấu tranh chống thu tô, chống canh gác, tuần tra, chống đuổi học vô cớ trong giáo xứ.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bộ Việt Minh, Cụ Hồ Huệ Bá tham gia cướp chính quyền tại huyện Chợ Mới. Với nhiệt huyết yêu nước, Cụ vận động bà con giáo dân trong tỉnh Long Xuyên đứng lên cầm vũ khí chống thực dân Pháp xâm lược và thực hiện Tuyên cáo quốc dân ngày 23-9 của Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ, vận động đồng bào thành phố, phá hoại một số công trình trọng yếu, biến thành phố, thị xã thành những nơi “không điện, không nước, không cửa hàng, không chợ búa” để vây hãm quân địch. Suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Cụ Hồ Huệ Bá từng đảm nhiệm các chức vụ Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Chợ Mới, Phó Hội trưởng Công giáo Kháng chiến tỉnh Long Xuyên (sau là tỉnh Long Châu Tiền rồi Long Châu Sa) là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh rồi Ủy viên Ủy ban Liên Việt tỉnh.

Trong bối cảnh nhân dân ta vừa giành được chính quyền, nhiều khó khăn ghê gớm tưởng không thể vượt qua, thù trong, giặc ngoài liên tục gây sức ép, vận mệnh đất nước đứng trước thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”, Cụ Hồ Huệ Bá cũng như nhiều nhân sĩ, trí thức khác trong cả nước đã từ bỏ mọi danh vọng, đặc quyền, đặc lợi, từ bỏ cuộc sống giàu sang, dấn thân cùng toàn dân đem hết tinh thần và nghị lực quyết tâm đánh thực dân Pháp, bảo vệ chính quyền cách mạng. Với chiếc xe đạp có đèn đi đêm, đầu đội nón lá, giả làm thầy bốc thuốc nam, Joseph Mari Hồ Huệ Bá đã đi từ xã này sang xã khác, huyện này sang huyện khác rồi hết tỉnh này sang tỉnh khác ở miền Tây Nam Bộ để vận động giáo dân tham gia kháng chiến.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đặc điểm lớn nhất của cách mạng Việt Nam lúc này là đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược nhưng đều có một mục tiêu chung là hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cụ Joseph Mari Hồ Huệ Bá được Mặt trận Liên Việt đề nghị ở lại miền Nam để cùng bà con các họ đạo tham gia các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống chế độ hà khắc của Mỹ-Diệm. Cụ đã cùng với những người Việt Nam Thiên chúa giáo yêu nước tiến bộ kiên trì đi tuyên truyền, giải thích, vận động giáo dân quay trở lại với dân tộc mình, sống thực sự cho dân tộc, từ dân tộc, vì dân tộc mà tìm về với Chúa. Trong rao giảng, Cụ thường viện dẫn: Đức Giê-su gây dựng Giáo hội từ một số người nghèo. Ngài từng khóc thương dân tộc và muốn dành ơn cứu độ cho dân tộc mình trước hết. Tại sao chúng ta là tín đồ của Chúa ở Việt Nam lại không trở về với dân tộc mình, sống thực sự cho dân tộc, chết cho Tổ quốc mà vẫn trọn niềm tin với Chúa.

Cụ vận động giáo dân đoàn kết lại, sát cánh cùng đồng bào miền Tây Nam Bộ đấu tranh chống bọn địch tàn sát dân thường, chống dồn dân lập khu dinh điền, khu trù mật, ấp chiến lược, v.v... Vượt qua sự đe dọa của kẻ thù, sự bám đuổi theo dõi của những tên đặc vụ, Cụ đã xây dựng được phong trào Công giáo kính chúa, yêu nước rộng lớn và vững mạnh, đấu tranh đòi hòa bình thống nhất Tổ quốc như Hiệp định Giơ-ne-vơ đã quy định.

Nhiều giáo dân vẫn thường khẳng định: “Sau ngày nước nhà được độc lập, thống nhất, chúng tôi càng hiểu thêm những năm tháng khó khăn thời đó, Cụ Bá đã hướng chúng tôi vào những việc làm tốt đẹp, rất hợp những điều Chúa dạy, đạo và đời hòa vào nhau. Là người Công giáo, chúng tôi tự hào ở quê hương có được một người như Cụ”.

Tức tối trước những việc làm của Joseph Mari Hồ Huệ Bá, bọn địch tìm mọi cớ để bắt giam Cụ. Trước ngày đồng khởi, với lý do là Cụ đang trữ một chiếc máy chữ mang nhãn hiệu Trung Quốc, bọn cầm quyền huyện Chợ Mới đến bắt Cụ giải sang Long Xuyên. Người thụ lý vụ án là trung úy Long - một thanh niên yêu nước - tìm cách hòng giải thoát cho Cụ. Sau nhiều tuần giam giữ và lấy cung, anh kết luận: “Ông này lú lẫn nên bị những người xấu vu khống đem máy chữ bỏ vào nhà ông rồi báo cho cảnh sát đến bắt để nhận tiền. Đề nghị xem xét lại và thả ông”. Những kiến nghị của trung úy Long không được chúng chấp nhận, chúng giải Cụ về Sài Gòn và tống giam vào khám Chí Hòa.

Theo lời kể của ông Tư Nở- con trai lớn của Cụ Hồ Huệ Bá, ông lên Sài Gòn thuê luật sư để nhờ luật sư tìm cách cứu cha ra khỏi nhà tù. Rất may, người luật sư mà ông Tư Nở cầu cứu lại chính là một cán bộ cách mạng – một cơ sở của ta trong nội thành do Thành ủy Sài Gòn quản lý. Đồng chí đó đã cử một nữ luật sư trẻ cũng là một cán bộ hoạt động bí mật đến khám Chí Hòa và cùng Tư Nở lo được cho Cụ ra tù. Ra khỏi nhà tù không lâu, Trung ương Cục miền Nam cử người về đón Cụ ra vùng giải phóng.

Năm 1961, Cụ Hồ Huệ Bá đại diện cho phong trào giáo dân kính chúa yêu nước tham gia Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Trung Nam Bộ và năm 1962, Cụ được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Cụ Joseph Mari Hồ Huệ Bá được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cử đến nhiều nước, dự nhiều cuộc Hội nghị Kitô giáo quốc tế để nói lên tiếng nói chính nghĩa của phong trào Công giáo kính Chúa yêu nước miền Nam Việt Nam, tố cáo những tội ác man rợ “đất không dung, trời không tha” của đế quốc Mỹ và bọn chính quyền tay sai, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của giới Kitô giáo trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam, mở đầu cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng vào ngày 30/4/1975. Thắng lợi vĩ đại đó đã chấm dứt một trong những cuộc chiến tranh lâu dài nhất, gay go nhất, gian khổ nhất trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, lập lại hòa bình, chấm dứt họa chia cắt, thu giang sơn về một mối. Tại cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI - khóa Quốc hội đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước - được nhân dân tín nhiệm, Cụ Hồ Huệ Bá được bầu làm Đại biểu Quốc hội của tỉnh An Giang quê hương với phiếu tín nhiệm cao. Tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận diễn ra tại thành phồ Hồ Chí Minh từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977, Cụ Hồ Huệ Bá được bầu làm Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam và là một trong số Ủy viên Ủy ban Trung ương cao niên nhất.

Do tuổi cao, sức yếu Cụ Hồ Huệ Bá mất ngày 11/4/1978, thọ 84 tuổi. Về với Chúa song Cụ để lại cho nhân dân ta, đặc biệt là bà con giáo dân một gương sáng về “kính Chúa, yêu nước”.

Nguyễn Túc