Đặt trạm thu phí vào trung tâm TP Hồ Chí Minh: Dựa trên căn cứ nào?

H.Vũ 20/07/2019 07:00

Liên quan đến đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh về việc đầu tư xây dựng 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm để hạn chế ùn tắc với nguồn vốn 250 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, nhiều ý kiến đã cho rằng giải pháp trên là không hợp lý, không khả thi.

Đặt trạm thu phí vào trung tâm TP Hồ Chí Minh: Dựa trên căn cứ nào?

Nhiều ý kiến cho rằng, lắp đặt trạm thu phí không thể giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở TP HCM.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, đề xuất này của TP Hồ Chí Minh không phải lần đầu, cách đây mấy năm đã có đề xuất vì thế bây giờ cần làm rõ một số vấn đề. Trong Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định thẩm quyền của chính quyền địa phương là tổ chức giao thông đô thị chứ không quy định thu phí. Hay Luật Giá cũng không quy định, vậy dựa vào căn cứ nào?

Từ kinh nghiệm thu phí BOT tránh đường chính đi vào đường phụ, ông Thanh cho rằng người dân sẽ tìm cách tránh bằng cách đi vào các ngõ ngách, khi đó, không tắc ở những tuyến chính sẽ tắc ở những ngõ ngách. Bên cạnh đó việc đầu tư 250 tỷ đồng từ ngân sách thành phố xây 34 cổng thu phí để chống ùn tắc liệu có khả thi không? Do đó chúng ta cần xem xét cho kỹ. Giả sử có thu phí nhưng người dân không đồng tình và tìm cách chống chế trả tiền lẻ như các trạm BOT thì lại trở thành gây ùn tắc. Theo ông Thanh, vấn đề cơ bản là phải nghiên cứu tổ chức giao thông đô thị hợp lý chứ không phải đặt trạm thu phí.

Còn theo Luật sư Nguyễn Hữu Danh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ- Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam), chống ùn tắc giao thông phải có các biện pháp đồng bộ chứ không phải mỗi việc thu phí ô tô vào nội đô. Muốn giải quyết những bất cập ùn tắc giao thông cần nhiều biện pháp căn cơ, như đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống vận tải công cộng. Thu phí vào nội đô là không hợp lý lắm, nó giống như một dạng “ngăn sông cấm chợ” vậy.

“Nếu áp dụng kiểu thu phí nội đô, bao vây lấy nội đô là không khả thi, gây mất lòng dân.Ở các nước chỉ có một số điểm phục vụ du lịch thì hạn chế bớt để cho khách tham quan, ngắm cảnh. Việc lắp cổng thu phí là có ý để thu tiền. Nếu giải pháp như vậy là không hợp lý và thiếu đồng bộ, sẽ không giải quyết được vấn đề. 34 cổng thu phí trong nội đô hóa ra “BOT trong thành phố”, làm mất mỹ quan của thành phố và nếu khi người dân không đồng tình lại phản ứng như các trạm thu phí BOT trên cao tốc thì không khéo ùn tắc còn nặng hơn”-ông Danh cho hay và nhìn nhận giải pháp thu phí ô tô vào nội đô là không hợp lý và không khả thi.

Trong khi đó, TS Võ Kim Cương- nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh cho rằng, đề xuất lắp đặt trạm thu phí ô tô vào trung tâm TP Hồ Chí Minh sẽ tác động đến nhiều mặt xã hội, làm giảm sự hấp dẫn đầu tư vào khu trung tâm, làm tăng chi phí vận tải, đội giá thành sản phẩm, hàng hoá giảm sức cạnh tranh và tác động đến đời sống người dân. Ông Cương cũng cho rằng, giải pháp này là gây cản trở giao thông vì theo nguyên tắc, đặt trạm ở đâu thì cũng chặn lại xe lại và gây cản trở giao thông.

* Theo dự kiến, các cổng thu phí được xây bao quanh khu vực quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10 (bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè)-Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám-Ba Tháng Hai-Lê Hồng Phong-Lý Thái Tổ -Nguyễn Văn Cừ -Võ Văn Kiệt-Tôn Đức Thắng). Cách thức này được cho là sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm thành phố và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên kẹt xe.

H.Vũ