Quản trị tốt để nâng cao chất lượng phục vụ
Đây là những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo quốc tế “Quản trị tốt nhằm cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội tốt hơn” do Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam - Chủ tịch Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) nhiệm kỳ 2018 – 2019 tổ chức tại TP HCM mới đây. Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động trong Kế hoạch hành động ASSA đã thông qua tại Hội nghị ASSA 35 tổ chức tại Việt Nam năm 2018 và hướng tới Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, năm 2020.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Quản trị tốt có ý nghĩa quyết định
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2018-2019 cho rằng, quản trị tốt là một mục tiêu quan trọng và cũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay đối với các tổ chức an sinh xã hội ở tất cả các quốc gia trên thế giới nhằm đảm bảo cung ứng dịch vụ tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Đây cũng là nhiệm vụ ưu tiên của Hiệp hội An sinh xã hội thế giới (ISSA) nêu trong Hướng dẫn về quản trị tốt (ISSA Guideline on Good Governance).
Theo đó, quản trị tốt sẽ đóng vai trò trung tâm, có ý nghĩa quyết định trong việc cung cấp dịch vụ an sinh xã hội hiệu quả trên phạm vi toàn cầu. “BHXH Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASSA tổ chức hội thảo này với mong muốn đưa những kiến thức và kinh nghiệm quốc tế về quản trị tốt hệ thống an sinh xã hội thế giới theo những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi, đó là “tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, tính nhất quán và có sự tham gia” đến gần hơn với các tổ chức an sinh xã hội khu vực, hướng tới một hệ thống an sinh xã hội hiện đại, toàn diện, bền vững, tin cậy, minh bạch, đảm bảo tiếp cận cho mọi người dân” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh khẳng định.
Đồng quan điểm chia sẻ Tổng quan về Quản trị tốt, bà Ortiz D.Maribel - chuyên gia ISSA cho rằng, quản trị là cách thức mà cơ quan có thẩm quyền được thực thi để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức nhằm đạt được các mục tiêu của mình. Trong quản trị có các nguyên tắc cần đảm bảo, thực thi là: Minh bạch, có trách nhiệm, dự báo, liên kết giữa các bên liên quan và năng động. Đó là những yếu tố các tổ chức An sinh xã hội cần có để nâng cao hiệu quả quản trị, tạo ra những thay đổi tích cực, hiệu quả và công bằng hơn; đặc biệt là nâng tầm uy tín của tổ chức thành một đối tác tin cậy của khách hàng, người tham gia.
Gợi mở vấn đề, chuyên gia đến từ ISSA cho rằng, các tổ chức an sinh xã hội cần thiết lập các mục tiêu, tiêu chuẩn và điểm chuẩn để đánh giá hiệu suất, phục vụ người tham gia. Trong đó, cần có cơ chế thúc đẩy văn hoá chủ động nâng cao kiến thức, trách nhiệm của từng cá nhân trong hoạt động của tổ chức…
Triển khai hệ sinh thái 4.0
Về những kinh nghiệp quản lý dữ liệu bằng CNTT, báo cáo của BHXH Việt Nam cho biết, nếu như trước năm 2015, việc ứng dụng CNTT trong ngành BHXH vẫn còn hạn chế. Toàn bộ giao dịch với người dân và doanh nghiệp đều được thực hiện theo hồ sơ giấy qua bộ phận một cửa hoặc đến gặp trực tiếp cán bộ tại các phòng nghiệp vụ. Ngành BHXH cũng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý người tham gia, đặc biệt là khi thay đổi đơn vị, thay đổi nơi cư trú. Việc giám định hồ sơ thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT thực hiện thủ công trên hồ sơ giấy với tỉ lệ lên gần 20% tổng số hồ sơ đề nghị thanh toán.
Tuy nhiên từ năm 2015, ngành BHXH đã triển khai chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH như Xây dựng kiến trúc CNTT tổng thể toàn ngành; Hoàn thiện mô hình ứng dụng CNTT; Hoàn thiện quy trình nghiệp vụ theo ứng dụng CNTT, rà soát để cắt giảm thủ tục hành chính; Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Số hóa hồ sơ lưu trữ ngành BHXH; Xây dựng hệ thống giao dịch điện tử và số hóa hồ sơ đầu vào; Tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT; Tin nhắn SMS…
Theo đại diện BHXH Việt Nam, đến năm 2020, BHXH sẽ tiếp tục ứng dụng CNTT để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân như nghiên cứu điện tử hóa thẻ BHYT, sổ BHXH, đặc biệt là xây dựng hệ sinh thái chuyển số của BHXH. Theo đó, xây dựng hệ sinh thái 4.0 của ngành BHXH phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ như: Dịch vụ tin nhắn (SMS); Dịch vụ thanh toán trực tuyến; Ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng; Cung cấp tất cả các dịch vụ công có thể lên đến cấp độ 4; Nghiên cứu ứng dụng Bigdata, IA để khai phá các dữ liệu hiện có.
Hiện nay BHXH Việt Nam đang triển khai xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động để phục vụ việc tra cứu, giao dịch điện tử và thanh toán các dịch vụ công của BHXH Việt Nam, dự kiến Quý III/2019 sẽ được đưa vào sử dụng. Theo đó khách hàng có thể theo dõi, quản lý, tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT, theo dõi, quản lý, tra cứu quá trình khám chữa bệnh BHYT, nộp BHXH qua ứng dụng di động, gia hạn thẻ BHYT qua ứng dụng di động. Hoặc với cải cách kê khai, quản lý BHXH tại doanh nghiệp, ngành BHXH sẽ hỗ trợ cho đơn vị sử dụng lao động nhiều tiện ích hơn trong việc kê khai, quản lý BHXH tại doanh nghiệp và tăng trải nghiệm người dùng bằng cách tiếp cận dữ liệu của BHXH.