Ứng xử với cây xanh Hà Nội: Không thể tùy tiện
Hà Nội đã và đang chuyển nhiều cây hoa sữa tại phố Trích Sài (quận Tây Hồ) tới khu vực bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) để trồng với lý do giải tỏa… sự khó chịu cho người dân Trích Sài khỏi mùi hương hoa sữa và át mùi bãi rác Nam Sơn. Vậy là, một lần nữa vấn đề cây xanh ở Hà Nội lại khiến dư luận băn khoăn.
Một trong những cây hoa sữa trên đường Trích Sài (Hà Nội) bị bứng đi. Ảnh: Quang Vinh.
Ủng hộ…
Sáng 18/7, nhiều người dân khi qua phố Trích Sài (phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) bất ngờ trước việc nhiều cây hoa sữa có đường kính lớn bị chặt cành, cưa ngọn. Theo đó, Trích Sài có hàng trăm cây hoa sữa trên vỉa hè tuyến phố này đã được chặt cành, cưa ngọn.
Ông Hoàng Thanh Hải- Chủ tịch UBND phường Bưởi cho biết, trước đó, người dân sinh sống ở trên tuyến phố đã phản ánh vào mùa hoa sữa nở tỏa ra mùi hương rất khó chịu, hoa rụng xuống gây ảnh hưởng đến người đi đường, ngoài ra, rễ cây hoa sữa làm hỏng vỉa hè. Chính vì vậy, sau khi nhận được kiến nghị, phản ánh UBND thành phố Hà Nội đã nhất trí phương án đánh chuyển những cây hoa sữa trên tuyến phố này đi nơi khác và lực lượng chức năng sẽ chuyển những cây khác có đường kính tương tự đến trồng thay thế.
“Việc di chuyển những cây hoa sữa đi là thực hiện theo nguyện vọng của người dân trên tuyến phố và chủ trương này đã được các cơ quan chức năng phê duyệt, cấp phép. Còn việc trồng cây nào thay thế cây hoa sữa đã di chuyển đi thì các cơ quan chức năng sẽ quyết định và thông báo sau”- theo ông Hải.
Là một người sống lâu năm trên phố Trích Sài, bà Phạm Thị Bình cho biết, trên phố Trích Sài, hoa sữa được trồng với mật độ dày đặc nên mỗi mùa hoa nở người dân trong khu vực lại rất khó chịu bởi mùi hoa đậm đặc. Tương tự, chuyên gia cây xanh Nguyễn Lân Hùng cũng cho rằng việc trồng hoa sữa với mật độ quá dày ở một số tuyến phố ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Hoa sữa không phải nở trong thời gian ngắn mà thường nở trong vài tháng. Mùi hương hoa sữa nồng nặc ảnh hưởng đến những người có bệnh về hô hấp, cho dù từ lâu nó đã đi vào thơ ca rất lãng mạn.
Và không ủng hộ
Đơn vị quản lý bãi rác Nam Sơn cho biết, trước khi di chuyển, quận Tây Hồ đã khảo sát vị trí trồng cây phù hợp. Cây hoa sữa sẽ được trồng trước cổng vào của bãi rác, vừa tạo cảnh quan, vừa làm hàng rào xanh cách ly bãi rác với khu vực bên ngoài.
Bình luận về việc có nên dịch chuyển cây hoa sữa lên trồng ở bãi rác Nam Sơn với mong muốn khử mùi hôi cho bãi rác này hay không, kiến trúc sư Trần Huy Ánh- Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, mang cây đến bãi rác Nam Sơn để trồng thì không ổn, không thể chữa chạy theo kiểu vá víu như vậy được. Bởi bãi rác bản chất là vùng khu trú ô nhiễm, giờ trồng cây này ngoài việc thu hút côn trùng do nhựa của nó cộng với ô nhiễm từ rác thải sẽ là nguyên nhân của dịch bệnh.
Trồng hoa sữa ở Sóc Sơn, theo ông Ánh, không giải quyết được gì, vì việc khử mùi phải qua một quá trình sinh hóa, quy trình xử lý nước thải, rác thải chứ không phải mang mấy cây lên khử mùi.
“Đừng xử lý kiểu khử mùi sông Tô Lịch bằng cách cống hóa nó được, bản chất ở dưới vẫn ô nhiễm”- ông Ánh nhấn mạnh.
Nói rõ vì sao không nên chuyển cây lên bãi rác ông Ánh thông tin rằng trước đây loài cây này được nhập về từ châu Phi với mong muốn khử mùi tại khu dân cư chưa có nhà vệ sinh như bây giờ. Nhưng sau một thời gian làm sứ mệnh khử mùi thì chính mùi hương quá đậm đặc của hoa sữa đã gây phiền toái lớn cho người dân khiến họ khổ vì mùi hoa sữa, nếu mật độ trồng quá dày.
Được biết, theo Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, đến thời điểm này vẫn chưa “chốt” sẽ trồng cây nào thay thế những cây hoa sữa đã được chặt hạ ở đường Trích Sài.
Tất nhiên việc thay thế cây tại đường phố Hà Nội không phải lần đầu, trước đó đầu năm 2015 dư luận đã dậy sóng khi Hà Nội thay thế toàn bộ gần 400 cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh bằng cây vàng tâm nhưng rồi lại phải thay bằng loại cây khác vì phát hiện loại cây mới trồng không phải vàng tâm mà là cây gỗ mỡ, mới cho thấy vẫn có sự lúng túng trong việc lựa chọn loài cây nào cho đô thị.
Bình luận về việc thay thế cây xanh ở Hà Nội, ông Trần Huy Ánh cho rằng từ việc chặt cây trên một số tuyến đường Hà Nội cách đây mấy năm, ngẫm lại việc cả trăm năm trước người Pháp trồng cây xanh ở Hà Nội là cả một công trình về nghệ thuật, nghệ thuật xanh hóa, trang trí, thiết kế và quy hoạch đô thị. Trồng cây tại đô thị không thể “búa xua”, vì cây xanh đô thị đòi hỏi rất nhiều thứ, hình dáng màu sắc, mùi vị, tạo nên hệ sinh thái đô thị, chứ không phải trồng lấy được. Càng không thể trồng theo kiểu ngẫu hứng, nghiệp dư được.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội có những hàng xà cừ rất đẹp tại phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu hay hàng sao đen thẳng tắp tại phố Lò Đúc... Việc thiết kế, quy hoạch cây xanh đô thị là một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng. Lựa chọn loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, đảm bảo an toàn và tạo cảnh quan cho đô thị, cũng như kỹ thuật trồng cây, chăm sóc cây là công việc đòi hỏi phải có chuyên môn, kỹ thuật chứ không thể theo kiểu tùy hứng và tùy tiện.
*Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thống kê của Kiểm toán cho biết, trong 3 năm (từ năm 2016-2018), toàn thành phố chi hết 256 tỷ đồng cho việc trồng cây xanh. Cũng trong 3 năm qua, toàn thành phố cũng đã chi hết 187 tỷ đồng cho việc cắt tỉa cây xanh.