Linh hồn của phố
Sáng chiều mỗi ngày tôi hai lần đi qua phố Trích Sài, cái việc hít thở không khí Hồ Tây trên con đường uốn lượn ven hồ ấy đã trở thành một thói quen. Cho nên bỗng một ngày thảng thốt khi những cây hoa sữa dọc phố bị cắt cụt cành, chuẩn bị cho việc di chuyển tới trồng ở một địa điểm nào đó.
Hà Nội trong những năm qua đã từng nhiều lần di dời cây ở các tuyến phố khác nhau, phục vụ cho những lý do khác nhau, như làm đường sắt trên cao, mở rộng đường… Những lý do luôn vì phục vụ cho sự phát triển, cho lợi ích công cộng. Nghĩa là toàn những lý do đủ sức thuyết phục để phải “hy sinh” những hàng cây. Trên con đường phát triển, có những lúc buộc phải đứng trước những sự lựa chọn. Và mục tiêu lớn hơn luôn được ưu tiên. Đã đành là vậy! Dù là vậy thì khi những hàng cây to như trường hợp trên phố Kim Mã hay đường Phạm Văn Đồng bị chặt xuống, thì vẫn thấy hình như chúng ta đang “hy sinh” tương lai cũng chính chúng ta nhân danh sự phát triển.
Lần này với những cây hoa sữa ở phố Trích Sài lại không lý do vì bất cứ một công trình công cộng nào cả. Đơn giản, nghe nói do kiến nghị của người dân về sự quá đậm đặc của tỉ lệ hoa sữa dọc phố, khiến thành phố đồng ý với chủ trương di dời cây hoa sữa dọc phố Trích Sài đi nơi khác. Cho nên, xét cho cùng lý do cũng là vì người dân, những người sống gần nơi đó, chắc sẽ khác với cảm quan của những người ngắm từ xa hoặc chỉ đi qua mỗi ngày.
Về lý, cũng khó để nói khác đi, nhưng về tình, không hiểu sao cái cảnh 100 cây hoa sữa dọc con phố bị chặt chụi cành chuẩn bị để đưa đi nơi khác nó vẫn khiến người ta cảm thấy bâng khuâng. Những cây hoa sữa không có lỗi. Mùi hương khiến người sống gần khó chịu, người ở xa thương nhớ ấy cũng không có lỗi.
Trong câu chuyện tỷ lệ bao nhiêu cây hoa sữa dọc mỗi con phố là vừa đủ để tạo ra một Hà Nội thơm nồng nàn mỗi dịp thu sang vẫn là câu chuyện muôn thuở về quy hoạch đô thị, không chỉ đường xá, không chỉ nhà cửa, không chỉ cao tầng hay thấp tầng mà còn là tỷ lệ cây xanh và chọn loại cây cho phù hợp. 100 cây hoa sữa trong một đoạn phố ngắn khiến tỷ lệ mùi hương trở lên đậm đặc tới mức người dân sống quanh đấy vào mùa hoa sữa trổ hương cảm thấy khó thở, là biểu hiện của việc thiếu một bàn tay quy hoạch từ đầu.
Đời cây không biết vì sao luôn được ví với đời người. Đời cây đời người là sự gắn kết vấn vít. Trồng một cái cây là lo tới tương lai của đời người. Và hình như với bất kỳ đô thị nào trên thế giới, cây xanh đều như là linh hồn của thành phố vậy. Ở ngay châu Á thôi, nhìn sang thủ đô các nước gần chúng ta, nơi nào quy hoạch nhiều cây xanh, biểu hiện sinh động cho các mùa, là nơi ấy đích thị là một thành phố văn minh hiện đại.
Hà Nội vốn cũng là một thành phố nhiều cây xanh, di sản mà người Pháp để lại đến hôm nay là những hàng cây cổ thụ dọc nhiều tuyến phố và thênh thang Bách Thảo. Nhưng Hà Nội từ khi phát triển rộng ra, cao lên thì tỉ lệ cây xanh lại không song hành. Cây chưa lớn kịp trên những con đường mới mở, những khu đô thị mọc lên như nấm. Hà Nội giờ đây chằng chịt bê tông và bịt bùng nhà kính, ngột ngạt, chói chang. Linh hồn của phố trên những khu phố mới mở chưa kịp về.
Hôm nay không bắt đầu bằng việc trồng thật nhiều cây xanh, tương lai không biết sẽ thế nào một khi thành phố không đủ cây để cư dân được quyền sống, khoẻ mạnh và bình an, nhờ cây. Để một thế hệ tương lai được hít thở cùng cây trong những đô thị ngày càng được bê tông hoá và nhiều nhà cao tầng hơn, từ bây giờ phải nâng niu từng cái cây, như trân trọng linh hồn của đô thị.
Ở đây chúng tôi không bàn chuyện phải trái trong việc di dời 100 cây hoa sữa trên phố Trích Sài. Nhưng về mặt tình cảm thì bất cứ một cái cành cây nào bị đốn hạ, trái tim những người yêu cây, yêu thành phố đều thấy nghèn nghẹn. Cũng đã phải mất nhiều năm, những cây ấy mới lên cao và xanh tốt được nhường ấy. Trồng thay thế những cây khác, dù nghe nói cũng cao bằng ấy thì cũng phải mất rất nhiều thời gian mới đủ để cho được bóng xanh.
Câu chuyện về cây ở thành phố này chắc chắn chưa phải là cuối cùng. Sẽ lại có một lúc nào đó, người ta lại hốt hoảng về những hàng cây bị chặt, như đã từng có lần Hà Nội nóng sôi sục chuyện cây xanh, nếu như cây xanh đô thị không được đối xử như một phần quan trọng của thành phố. Gương mặt hay diện mạo đô thị được hình thành từ nhiều thành tố, nhưng cây xanh chắc chắn là linh hồn của thành phố, đời cây đời người.