Người tiêu dùng Hàn Quốc 'quay lưng' với hàng Nhật Bản
Người dân Hàn Quốc bắt đầu tẩy chay các sản phẩm và dịch vụ từ Nhật Bản khi quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai nước đang xấu đi nhanh chóng.
Phong trào phản đối hàng tiêu dùng Nhật Bản tại Hàn Quốc. (Nguồn: Nikkei Asian Review).
Người dân Hàn Quốc bắt đầu tẩy chay các sản phẩm và dịch vụ từ Nhật Bản khi mà quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai nước đang xấu đi nhanh chóng sau khi Tokyo quyết định hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao sang Hàn Seoul từ ngày 4/7 và cảnh báo có thể đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia đáng tin cậy được hưởng ưu đãi về thủ tục thương mại.
Theo Hiệp hội Các siêu thị Hàn Quốc (KMA), có hơn 200 siêu thị và cửa hàng tạp hóa tại nước này đã tự nguyện rút tất cả các sản phẩm của Nhật Bản ra khỏi kệ hàng của họ. Một số chủ cửa hàng và siêu thị này cho biết họ sẽ không thay đổi quyết định của mình bất chấp doanh số bán có thể bị sụt giảm từ 10-15%.
Một mặt hàng của Nhật Bản dễ dàng bị đưa vào “tầm ngắm” chính là bia. Số liệu thống kê của Euromonitor cho thấy người Hàn Quốc mua tới 61% lượng bia xuất khẩu của Nhật Bản với tổng giá trị vào khoảng 7,9 tỷ yen (73,13 triệu USD) trong năm 2018. Asahi Super Dry là thương hiệu bia Nhật Bản phổ biến nhất tại Hàn Quốc với doanh số tăng gấp ba lần trong vòng 5 năm qua.
Tuy nhiên, hai chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu của Hàn Quốc là CU và GS25, do BGF Retail và GS Retail điều hành, cho biết doanh số bán bia Nhật tại các cửa hàng của họ trong hai tuần đầu tháng 7 lần lượt giảm 21,5% và 24,2% so với giai đoạn hai tuần trước đó. Con số này của chuỗi E-Mart là 24,6%. Tổ chức Văn hóa Hongcheon chuyên tổ chức những lễ hội bia cũng cho biết họ đã hủy đơn đặt hàng 1,2 tấn bia của hãng Kirin, ngay cả khi thương hiệu bia Nhật Bản này chiếm tới 10% doanh thu của lễ hội năm ngoái.
Việc hủy các tour du lịch sang Nhật Bản cũng đang trở nên phổ biến. Công ty lữ hành Hanatour cho biết họ hiện chỉ nhận được 500 lượt đặt tour du lịch sang Nhật Bản mỗi ngày, giảm mạnh từ mức trung bình 1.100 lượt trước đó. Công ty Very Good Tour cũng cho biết lượng đặt tour du lịch Nhật Bản mới đã giảm 10% trong khi lượng hủy tour tăng 10% mỗi tuần.
Trong khi đó, Lotte Home Shopping cho biết họ đã ngừng phát sóng quảng cáo cho các gói tour du lịch Nhật Bản vì họ biết chắc chắn kết quả sẽ không khả quan. Bên cạnh đó, các hãng hàng không JejuAir và Korean Air cũng thông báo lượng đặt vé đến Nhật Bản “giảm nhẹ” trong thời gian gần đây.
Làn sóng tẩy chay hàng Nhật có vẻ đang giúp các hãng sản xuất nội địa Hàn Quốc hưởng lợi. Công ty sản xuất văn phòng phẩm Monami cho hay doanh số bán hàng trực tuyến của họ đã tăng gấp năm lần kể từ khi lệnh hạn chế xuất khẩu được Nhật Bản đưa ra. Nhà sản xuất đồ may mặc Shinsung Tongsang cho biết mẫu chiếc áo phông kỷ niệm ngày giải phóng Hàn Quốc phiên bản giới hạn năm nay của thương hiệu thời trang TOPTEN10 do công ty này sở hữu đã bán nhanh gấp đôi so với phiên bản năm ngoái.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng làn sóng này có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh tại Hàn Quốc, nhất là khi nước này đang phải đối mặt với tình hình kinh tế tồi tệ nhất trong một thập niên qua. Các nhà kinh tế cho rằng các lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc giảm 0,4% trong năm nay.
Cho tới hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc vẫn không có động thái trả đũa nào, mà chỉ khởi kiện Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại thế giới liên quan tới các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.