Kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7: Chuyện dựng nghiệp của 'lão nông 4.0'

Nguyễn Chung 21/07/2019 09:00

Trong bộ sơ-vin khá chỉn chu, tay luôn luôn có một chiếc smartphone, mái tóc bạc lưa thưa phủ lên cái trán rộng loang lổ vết sẹo do bom na–pan gây ra, ánh mắt hấp háy và nụ cười hào sảng thường trực trên môi khiến ông có dáng dấp gần hơn với một nghệ sĩ…

Nhưng ông là một nông dân chính hiệu, một thương binh mất 81% sức khoẻ “tàn nhưng không phế”. Và câu chuyện khởi nghiệp của “lão nông 4.0” này cũng đầy thăng trầm, thú vị.

Kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7: Chuyện dựng nghiệp của 'lão nông 4.0'

Chiếc máy cấy tiện dụng do ông Hùng sáng chế.

Khởi nghiệp muộn

Công bằng mà nói, trông dáng vẻ bên ngoài của ông chả có lấy một nét nào là của người nông dân một nắng, hai sương. Sắp bước qua tuổi lục tuần nhưng ông vẫn đóng sơ-vin sáng màu, giầy đen nhức kể cả khi… cho cá phối giống. Tình cờ vài lần, tôi bắt gặp ông đang phát biểu tại mấy cuộc hội thảo cấp địa phương về phát triển các mô hình trang trại, gia trại. Không giấy tờ văn bản, ông nói một mạch khúc chiết, lô-gic, dễ hiểu… khiến bên dưới, bà con vỗ tay rần rần. Nhiều người gọi ông bằng cái tên nghe khá sang: Nhà khoa học chân đất! “Thấy cái gì có lợi cho bà con thì mình bắt tay làm rồi phổ biến, nhân rộng, chứ khoa học khoa hiếc gì mình!”- ông cười hào sảng. Ông là Nguyễn Mạnh Hùng, trú tại tiểu khu 5, thị trấn Tĩnh Gia (Thanh Hóa).

Ông Hùng vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh em, cái nghèo bủa vây từ đời cụ kỵ sang đến tận đời cha mẹ. Đói quá đầu gối phải bò. Ngày đi học, đêm về ra đồng bắt cá, kiếm tiền đong gạo phụ giúp cha mẹ. Học lên đến cấp ba, Nguyễn Mạnh Hùng đã phải vừa học vừa kiếm sống bằng nghề sửa xe đạp, vá lưới thuê… Thế rồi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông làm đơn xin tham gia vào đội quân tình nguyện chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Trong một trận đánh ác liệt, ông bị thương nặng, bom na–pan cháy gần hết tóc, rạn vỏ não và một mảnh đạn găm vào chân khiến ông mất 81% sức khoẻ và xuất ngũ với quân hàm thượng uý. “Có thể nói, những năm tháng binh nghiệp đã rèn thêm cho mình nghị lực, sức mạnh để có thể bước vào cuộc chiến làm kinh tế thời bình”- giọng ông Hùng trầm lại.

Những ngày ở Nông trường Yên Mỹ (Nông Cống, Thanh Hoá), chỉ có chiếc ba lô với hai bàn tay trắng, ông cùng vợ khai hoang 2ha đất để trồng cây, đào ao nuôi cá; ra tận Hoằng Hoá mua giống cây, đi nhiều nơi để học tập các mô hình làm ăn mới. Đất không phụ người, mô hình sản xuất của ông bắt đầu cho thu nhập. Tuy nhiên, cơn bĩ cực dường như chưa muốn buông tha. Lao lực trong thời gian dài, vết thương cũ được dịp tái phát và hành hạ khiến cựu binh Nguyễn Mạnh Hùng phải bỏ dở trang trại mới vừa manh nha. Trong khi đó, đồng lương giáo viên của vợ không đủ nuôi gia đình. Ông quyết định bán toàn bộ khu đất, nhưng tiền chưa kịp lấy thì người mua đột tử, chẳng còn cách nào khác, ông đành dắt díu vợ con, bỏ Nông trường Yên Mỹ về đất Còng (Tĩnh Gia), bắt đầu khởi nghiệp từ căn phòng thuê 12 mét vuông. “Dạo ấy khó khăn quá! Mình cũng nghĩ đến nhiều mô hình kinh tế nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu khi trong tay không có một tấc đất cắm dùi, không vốn liếng. Cái mình có duy nhất là ý chí phải vươn lên và nghề ảnh mà mình học được trong thời gian tại ngũ. Nghĩ là làm! Mình vay mượn bạn bè ít vốn, đầu tư mua máy ảnh, thậm chí vào tận trong Nam tìm thầy dạy cũ học thêm kỹ thuật chụp và rửa ảnh”- ông Hùng nhớ lại.

Thành công không ngờ từ nghề ảnh đã giúp ông có thêm chút vốn liếng. Lúc này, ông Hùng vay mượn thêm, mạnh dạn mua khu đất ngập rác thải ven kênh của của 18 hộ dân sinh sống xung quanh. Có đất, ông thuê người, lao vào cải tạo, đồng thời, quy hoạch và tận dụng mặt nước để nuôi cá diêu hồng, trê lai. Chỉ trong ít năm, cả vùng đất bị ô nhiễm nặng ngay tại trung tâm thị trấn huyện đã biến thành khu trang trại sinh thái. Khu kênh mương này mang lại cho gia đình ông đều đặn từ 3-4 tấn cá/ năm, trị giá gần 100 triệu đồng. Hằng năm ông còn cung cấp cho bà con khoảng 200 triệu cá giống, cá thương phẩm, ngoài ra, ông còn đưa cá giống sang các nước Lào, Campuchia bán cho người dân nuôi thả. Ông Hùng nhẩm tính, trừ hết chi phí thì hằng năm, mô hình kinh tế này còn cho gia đình thu nhập từ 600-700 triệu đồng.

Không thoả mãn với những gì đã đạt được, ông tiếp tục học tập trên sách báo để phát triển mô hình kinh tế VAC; đi nhiều nơi tìm hiểu cách nuôi ếch, ba ba, cá lóc… Năm 2006, ông mua 50 cặp ếch đẻ về nuôi và thành công khi xuất bán trên 4 vạn ếch giống, 1 tấn ếch thịt, doanh thu mỗi năm từ ếch đạt gần 70 triệu đồng. Năm 2007, ông Hùng lại nghiên cứu và đưa cá lóc vào nuôi thử nghiệm trên diện tích ao 700 mét vuông, chỉ trong vòng 5 tháng, ông thu được 1,5 tấn, trị giá 70 triệu đồng. Chính nhờ thành công này mà ông được Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hoá hỗ trợ kinh phí soạn thảo chương trình nuôi cá lóc theo môi trường di cư từ Đồng bằng sông Cửu Long ra Bắc bằng đường hàng không. Cơ sở của ông trở thành địa chỉ tin cậy cho những người nông dân quyết chí thoát nghèo. Ông cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi có nhu cầu về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi thả cá, ếch.

Kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7: Chuyện dựng nghiệp của 'lão nông 4.0' - 1

Ông Nguyễn Mạnh Hùng bên mô hình nuôi “ruồi lính đen”.

Nhà khoa học chân đất

Có lẽ, trong câu chuyện lập nghiệp dài miên man thì việc ông Hùng sáng chế ra chiếc máy cấy tay là một trong những câu chuyện thú vị nhất và cũng từ chính sáng chế này, ông mới có biệt danh “nhà khoa học chân đất”. Số là vào năm 2013, trong một lần được mời đi thực tế và nghiên cứu về thảm lót chăn nuôi sinh học, thấy bà con dầm mình trong mưa lạnh, cấy trên những thửa ruộng ngập nước, ông manh nha nghĩ đến việc chế tạo một chiếc máy cấy tay. Nghĩ là làm, ông tự mình thiết kế, rồi thảo lên bản vẽ. Sau khi hoàn thành, ông bàn giao lại model thế hệ thứ nhất cho thầy trò trường Đại học Nông nghiệp sản xuất và lắp ráp. Tuy nhiên, do làm không đúng chất liệu và sai về kỹ thuật, máy cấy tay thế hệ thứ nhất của ông thất bại ngay trong lần thử nghiệm đầu tiên. Thậm chí, có người đã cười nhạo và cho rằng ông điên và ảo tưởng.

Không nhụt chí, ông lại lao vào nghiên cứu, rút kinh nghiệm và cho ra đời model máy cấy tay thế hệ thứ 2 và thật bất ngờ, năm 2015, mô hình máy cấy này đã thành công vang dội ngay trong lần thử nghiệm. Theo tính toán thực tế, một lao động vận hành máy cấy tay có thể cấy được từ 7-8 sào ruộng/ ngày. Không những thế, giá thành một chiếc máy cấy chỉ ở mức 4,5 triệu đồng. “Sau khi hoàn thiện, tại sao ông không đăng ký bản quyền sáng chế?” - tôi bất chợt hỏi. “Ôi, đăng ký mà làm gì! Cứ để bà con học hỏi. Ai chế được rẻ hơn, hiệu quả hơn thì chế. Miễn sao có lợi cho người nông dân là được!”- ông cười hào sảng. Ông cũng úp mở cho tôi biết, hiện tại đã và đang chuẩn bị cho ra đời máy cấy thế hệ thứ 5 và khi hoàn thành ông sẽ không giấu và giữ bản quyền cho riêng mình.

Không dừng lại ở việc chế tạo máy cấy, cuối năm 2018, một lần tình cờ bắt gặp mô hình nuôi “ruồi lính đen” – đây là mô hình kinh tế kết hợp giải quyết rác thải là thực phẩm gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương, ông đã ngay lập tức bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu về mô hình này.“Lúc đầu nghe về nuôi ruồi thì có vẻ ngạc nhiên, nhưng khi bắt tay vào tìm tòi thì mới thấy cái hay của nó. Ruồi lính đen rất thú vị vì nó có nhiều lợi ích mang tính xã hội hóa cao. Nuôi ruồi lính đen sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường vì thức ăn chủ yếu của chúng là các loại rau củ quả hư, thức ăn thừa, rác thải sinh hoạt...” - ông chia sẻ. Để có được những thành công từ nghề nuôi ruồi như hôm nay, ông cũng đã gặp muôn vàn khó khăn. Lần đầu tiên khi nhập giống ruồi lính đen từ Indonesia về, ông thất bại vì chưa hiểu cách nuôi ruồi phù hợp với khí hậu nước ta. Không khuất phục trước thất bại, ông đã tiếp tục nghiên cứu rõ rồi vào tận tỉnh An Giang để tìm mua con giống. Đến đầu năm 2019 vừa qua, một mẻ trứng ruồi lính đen đã ra lò thành công.

Theo ông, sản phẩm có giá trị nhất từ quy trình nuôi ruồi lính đen là trứng ruồi. Trứng ruồi lính đen hiện bán ra thị trường với giá trung bình từ 25-30 triệu đồng/ kg. Hiện mỗi ngày, đàn ruồi lính đen của gia đình ông cho khoảng 2-3 lạng trứng đem về thu nhập từ 3-5 triệu đồng. Đồng thời, ông cũng hướng dẫn, trao tặng quy trình nuôi ruồi cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ông Hùng đưa chiếc smartphone vuốt vuốt rồi khoe với tôi: “Cho vào đây hết! Mình đã lập một trang điện tử riêng để tiện phổ biến các kỹ thuật nuôi thả, chăm sóc cá, ếch, ruồi bằng hình ảnh, bài viết, bà con cần cứ vào tra cứu sẽ thấy. Ai thắc mắc, chưa hiểu thì gọi qua zalo, facebook, mình đều hướng dẫn cụ thể. Thời buổi 4.0 đúng là tiện thật”- lão cười, nụ cười gần gũi và đôn hậu.

Kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7: Chuyện dựng nghiệp của 'lão nông 4.0' - 2

Máy sáng chế của ông Hùng.

Nguyễn Chung