Kỳ vọng cải tiến thi cử: Vẫn còn ở phía trước

Minh Quang 21/07/2019 08:00

Nhận định về kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ vừa cho biết: Đến nay, kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã đạt được mục tiêu đề ra, kỳ thi “2 trong 1” sẽ được tổ chức ổn định tới năm 2020 theo đúng lộ trình đã công bố, sau đó, Bộ sẽ có lộ trình để đảm bảo sự ổn định và cải tiến kỳ thi tốt hơn, nhẹ nhàng hơn.

Dự kiến trong năm nay, Bộ GDĐT sẽ công bố lộ trình thi 2021-2024 trước khi thực hiện xong lộ trình đổi mới SGK để từng bước thực hiện tốt theo kế hoạch.

Kỳ vọng cải tiến thi cử: Vẫn còn ở phía trước

Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Vấn đề đặt ra lúc này là lộ trình dạy và học ở bậc THPT sẽ phải thay đổi ra sao để theo kịp với kỳ vọng cải tiến thi cử.

Chú trọng hướng nghiệp

Trước đó, sau dư âm dai dẳng của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018, nhiều ý kiến khác nhau về kỳ thi “2 trong 1” (vừa lấy kết quả công nhận tốt nghiệp, vừa làm căn cứ xét tuyển ĐH-CĐ). Đặc biệt, trước đề nghị của một số Đại biểu Quốc hội “không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ở các địa phương, chỉ tổ chức thi ĐH”, trước thềm kỳ thi THPT quốc gia 2019, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đã khẳng định: Bộ sẽ xem xét điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia cho phù hợp với thực tế sau năm 2020.

Thời điểm hiện tại, khi kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã kết thúc, nhiều học sinh THPT đang mong mỏi muốn biết kỳ thi THPT quốc gia sau năm 2020 sẽ thay đổi cụ thể ra sao, nhất là những học sinh năm học 2019-2020 sẽ bước vào lớp 11, bởi năm học 2021-2022, các em sẽ là lứa học sinh đầu tiên nằm trong lộ trình thi mới.

Theo chương trình GDPT mới đã được công bố (cuối năm 2018), việc dạy và học sẽ có tác động đến tất cả học sinh ở các cấp học, nhiều nhất là đối với học sinh cấp THPT. Điểm thay đổi lớn là việc cho phép học sinh được tự chọn môn học và phân hóa hướng nghiệp sớm đối với bậc học THPT. Nội dung giáo dục cấp THPT gồm 7 môn học bắt buộc và 5 môn lựa chọn bắt buộc.

Trước những băn khoăn rằng: Như vậy học sinh sẽ phải học rất ít môn bắt buộc, và có được tự chọn môn thoải mái theo năng lực và định hướng nghề nghiệp hay không? Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) - cho biết: Học sinh bắt buộc phải lựa chọn 5 trong 3 nhóm môn học, nghĩa là sẽ có nhóm môn học sinh chọn tới 2-3 môn tùy theo năng lực, sở thích của mình. Tuy nhiên, để đảm bảo nhóm môn thuộc các lĩnh vực khác nhau đều có học sinh lựa chọn, chương trình quy định mỗi nhóm học sinh phải chọn tối thiểu 1 môn chứ không thể chọn 5 môn trong 2 nhóm còn 1 nhóm không có môn nào được chọn. Ông Thành nhấn mạnh: Mục tiêu của chương trình giáo dục THPT là giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động. Chương trình còn giúp học sinh thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới, vì vậy, được xây dựng để học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học cùng với việc chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Trước thắc mắc là liệu sẽ có chuyện học sinh đổ xô chọn một số môn trong khi có môn quá ít học sinh lựa chọn dẫn tới không tổ chức được lớp học và dôi dư giáo viên, ông Thành khẳng định sẽ không có chuyện đó, và Bộ GDĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể vấn đề tổ chức cho học sinh lựa chọn môn học tự chọn. Cùng với đó, lần đầu tiên chương trình mới chỉ quy định thời lượng dạy học mỗi môn học trong năm, không quy định thời lượng đến từng tuần, để các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học.

Đối với cấp THPT là cấp học có nhiều môn học lựa chọn, chương trình quy định: Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập để đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường.

Băn khoăn thi trên máy tính

Liên quan đến việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT cho hay: Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình GDPT mới, nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính. Đây cũng là nội dung trong Đề án đổi mới thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ (vẫn đang trong quá trình chỉnh sửa hoàn thiện). Để triển khai định hướng thi trên máy tính từ năm 2021, cần chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, thiết bị phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi trên máy tính, phần mềm quản lý và tổ chức thi. Dự kiến, để triển khai tổ chức thi thử nghiệm trên máy tính giúp thí sinh ở các tỉnh giảm chi phí đi lại, đảm bảo an toàn, hiệu quả, sẽ xây dựng 25 trung tâm tổ chức vệ tinh của Bộ tại nhiều khu vực khác nhau trên cả nước, đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện ngân hàng đề thi. Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, liên môn, kinh nghiệm sống, hiểu biết xã hội để trả lời. Đề thi không đặt nặng yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn...

Hiện cũng có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh hình thức thi cử này. Một số địa phương cho hay: Việc thi trên máy tính là một phương án tất yếu phải hướng đến vì sẽ giải quyết được nhiều bất cập trong thi cử hiện nay, vừa đánh giá khách quan vừa tiết kiệm nhiều mặt trong khâu tổ chức thi, bởi hiện nay hệ tầng công nghệ thông tin của các trường THPT đã rất tốt, chỉ bổ sung thêm máy móc... Song, cũng có nhiều quan điểm cho rằng: dù hình thức thi trên máy tính có nhiều ưu điểm hơn so với cách thức tổ chức hiện nay, đảm bảo tính khách quan, hạn chế gian lận và đỡ tốn kém, nhưng để làm được cần chuẩn bị phương án thi tốt, đặc biệt ngân hàng đề thi trực tuyến và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở những khu vực còn nhiều khó khăn. Với một số lượng lớn thí sinh dự thi diễn ra cùng thời điểm, nếu hạ tầng không đảm bảo có thể dẫn đến nhiều sự cố xảy ra như nghẽn mạng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh. Bộ có phương án tổ chức thành nhiều đợt khác nhau thì đề ở các đợt thi phải có độ khó, dễ tương đương để đảm bảo công bằng, khách quan cho các thí sinh.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) - phân tích: Việc triển khai cần hết sức thận trọng. Bởi lẽ với một số lượng thí sinh dự thi đông đảo (gần 1 triệu học sinh) diễn ra tại một thời điểm, việc đầu tư một số lượng máy tính khổng lồ để phục vụ cho kỳ thi xong rồi “đắp chiếu” đợi kỳ thi năm sau cũng sẽ là một sự lãng phí lớn. Ngoài ra, việc kỳ thi THPT quốc gia liệu có đạt được cả hai mục tiêu là xét tốt nghiệp và làm cơ sở để tuyển sinh ĐH hay không, cũng cần phải có thêm những nghiên cứu, đánh giá khoa học và nghiêm túc. Việc sử dụng kết quả của kỳ thi THPT vào xét tuyển ĐH trong những năm vừa qua cho thấy: mục tiêu này chủ yếu mới đạt được với số đông các trường top giữa và top dưới. Với các trường top đầu, dường như mục tiêu này chưa đạt, nên các trường có thể phải tổ chức thêm một kỳ thi phụ hoặc tổ chức thành 2 đợt xét tuyển. Sơ tuyển là lấy kết quả thi THPT quốc gia, sau đó chọn ra số lượng cần đủ để tổ chức thêm kỳ thi phụ theo tiêu chí riêng của nhà trường để chọn học sinh phù hợp.

Phân tích từ các chuyên gia cũng cho thấy, Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) và Luật Giáo dục (sửa đổi) mới được thông qua cũng đã quy định rõ việc tuyển sinh là của các trường. Vì vậy các trường phải mạnh dạn thực thi quyền tự chủ của mình để lựa chọn thí sinh phù hợp, chứ không chỉ dựa vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Cùng với đó, nếu có điều kiện, Bộ GDĐT cần sớm nghiên cứu thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, chuyên tổ chức các đợt thi sẽ cho kết quả minh bạch và khách quan hơn.

* Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ: Bộ GDĐT đang tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên hiện có để đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới. Ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục - nhóm được xác định cần đổi mới tư duy. Tiếp đó là đội ngũ cán bộ các trường, giáo viên trực tiếp đứng lớp. Cùng với đó, SGK theo chương trình GDPT mới đã thực hiện theo chủ trương của Quốc hội và Luật Giáo dục sửa đổi để có bộ SGK tốt nhất. Hiện nay, Bộ GDĐT nhận được 5 bộ SGK của các tổ chức khác nhau soạn thảo và cũng tổ chức tập huấn người tham gia thẩm định SGK. Người thẩm định phải là những người am hiểu chuyên môn, công bằng, khách quan.

Minh Quang