Bất cập đường giao thông nông thôn - Bài cuối: Giải pháp cho những 'chiếc cột định kiến'
Như đã nói ở bài trước, do các con đường được làm từ tiền, mồ hôi công sức của dân, nên các trụ bê tông trở thành một thứ lệ làng được dựng lên để bảo vệ con đường. Những bất cập và hệ lụy do nó gây ra là đã rõ. Tuy nhiên, giải pháp nào để xóa bỏ và thay thế các trụ bê tông này vẫn là vấn đề nan giải.
Cổng giảm tải cũng là một giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.
Lệ làng khó bỏ?
Trên con đường liên thôn, dẫn từ tỉnh lộ 510 vào làng Thái Yên, xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) dài chưa đầy 300m nhưng đã có tới 3 điểm người dân đổ trụ bê tông để ngăn xe tải vào làng. Thậm chí ngay tại khúc cua tay áo (điểm thứ 3) đầu làng, hai chiếc trụ cũng được xây lớn hơn bình thường. Do đã được dựng từ nhiều năm trước, thân trụ đã bị sứt vỡ nhiều mảng lớn, để lộ phía trong cốt thép kiên cố. Điều này chứng tỏ, có khá nhiều vụ va chạm giữa trụ bê tông với các phương tiện giao thông đã xảy ra.
Vì sao các trụ bê tông gây ra nhiều bất cập và hệ lụy mà người dân vẫn không chịu đập bỏ? Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng thôn Thái Yên, xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn lý giải: Hầu hết các con đường giao thông liên thôn, nội thôn được bê tông hóa đều bằng tiền của, công sức, tâm huyết của người dân. Trong quá trình huy động sức dân, nhiều khẩu phải đóng góp kinh phí lên 2 – 3 triệu đồng. Nhà đông khẩu, thì phải trả góp trong 5 – 6 vụ lúa mới xong. Thời buổi xã hội phát triển, phương tiện giao thông đa dạng, nếu xe quá tải đi vào, nền đường yếu dẫn đến gãy vỡ, hư hỏng thì biết kêu ai. Trong khi người dân thì không thể đứng ra chốt chặn, xử phạt các xe quá tải như các cơ quan chức năng. “Chính những yếu tố này đã khiến bà con lờ đi những bất cập, khó khăn do các trụ bê tông gây ra! Và tôi được biết, tại nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, người dân cũng đang xem đây là biện pháp tối ưu để bảo vệ các con đường như một thứ hương ước, lệ làng!”- ông Thành nói.
Là một trong những địa phương hiếm hoi tại Thanh Hóa đã xóa xong 100% các trụ bê tông giảm tải, ông Lê Phú Thành – Bí thư Đảng ủy xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn cho biết: Mất gần 6 năm để xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nhưng phải mất đến cả 10 năm để vận động bà con đập bỏ các trụ bê tông tại các đầu đường liên thôn, nội thôn, thay bằng các khung giảm tải. “Ban đầu kêu gọi vận động người dân rất khó khăn. Hầu hết các lý do bà con đưa ra để duy trì các trụ bảo vệ đường đều rất hợp lý. Tuy nhiên, phải giúp cho người dân hiểu được rằng, chỉ có đập bỏ các trụ bê tông này thì kinh tế mới có thể phát triển, chất lượng đời sống mới được nâng lên”- ông Thành chia sẻ.
Những giải pháp cần làm ngay
Vậy, giải pháp nào để xóa bỏ vĩnh viễn “những chiếc cột định kiến” đã tồn tại hàng thập kỷ qua tại các làng quê nông thôn của Thanh Hóa? Trả lời cho câu hỏi này, từ kinh nghiệm của địa phương, ông Lê Phú Thành – Bí thư Đảng ủy xã Minh Sơn “hiến kế”: Ngoài việc vận động, tuyên truyền như đã nói ở trên thì các địa phương cần phải mở rộng mặt đường từ 3m lên 4,5m, tăng độ dày bê tông, đảm bảo cho các loại xe có trọng tải từ 10 tấn trở xuống lưu thông. Đồng thời, dựng các cổng giảm tải có khóa, ngăn các xe quá khổ, quá tải đi vào khu dân cư. “Các biện pháp mà chúng tôi áp dụng tại địa phương đã phát huy hiệu quả rõ rệt!” – ông Thành nói.
Còn theo ông Hà Hữu Khang – Chủ tịch MTTQ huyện Triệu Sơn, để xóa bỏ các trụ bê tông giảm tải, MTTQ huyện đã nhiều lần kiến nghị với Hội đồng nhân dân huyện, kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân phá bỏ mốc cản xe có trọng tải lớn, thay bằng các khung giảm tải, vừa mỹ quan vừa đảm bảo an toàn giao thông. Song song, kiến nghị các cấp chính quyền kết hợp vận động, đưa vào thành quy định không được xây trụ bê tông giảm tải đối với các xã khi làm đường giao thông nông thôn. “Với những cách làm này, hiện nay Triệu Sơn có 3 xã gồm: Đồng Lợi, Khuyến Nông và Minh Sơn đã xóa xong các điểm trụ bê tông, thay bằng các khung hạ tải”- ông Khang cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài, ông Vũ Hoàng Linh - Chánh văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trước mắt phải rà soát lại thực trạng các trụ bê tông giảm tải trên hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Sau đó sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định việc bỏ hay giữ lại các trụ bê tông này. Từ vị trí, khoảng cách giữa 2 cột phải đảm bảo cho xe tải cỡ nhỏ và trung bình, các loại xe chuyên dụng như: cứu hỏa, cứu thương… lưu thông được. Bắt buộc trên thân trụ phải có hệ thống phản quang để người điều khiển phương tiện dễ quan sát. “Còn biện pháp quy định cụ thể như ngăn không cho các địa phương làm sẽ rất khó, chúng ta sẽ vấp phải sự phản biện gay gắt của người dân!”– ông Linh dè dặt.
Đồng thời, ông Linh cũng khẳng định: “Đây là vấn đề không nhỏ đã tồn tại từ rất lâu, nhưng chưa từng được đưa ra bàn bạc một cách nghiêm túc. Tới đây, chúng tôi sẽ chính thức có văn bản báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về vấn đề này!”