Giữ lửa cho nghệ thuật hát bả trạo
Hát bả trạo hay còn gọi là “Chèo bả trạo, hò đưa linh, hò hầu linh, hò hầu Ông” là một loại dân ca nghi lễ của cư dân ven biển miền Trung, đặc biệt là từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghệ thuật truyền thống này có nguy cơ mai một dần.
Tổng mũi Trần Văn Tám biểu diễn bả trạo trong lễ cầu ngư.
Hát bả trạo có nghĩa là hát có kèm theo động tác múa. Đây là một loại hát múa dân gian được tổ chức theo tục lệ nhân dịp lễ tế cá Ông (cá voi) và trong các lễ hội cầu mùa, ra quân đánh bắt đầu năm của ngư dân.
Nội dung hát bả trạo ca ngợi công đức của cá Ông cứu người, cầu mong cho sự bình yên, thịnh vượng - từ lòng tôn kính đối với thần Nam Hải (cá Ông) và các bậc tiền nhân.
Thành viên của đội hát bả trạo gồm có: Tổng Mũi, Tổng Lái, Tổng Khoang và cùng khoảng 10 đến 16 bạn chèo (con trạo) tùy theo quy mô tổ chức, nhưng phải luôn là số chẵn.
Tại Quảng Nam, trong các lễ hội văn hóa thể thao miền biển hay trong lễ cầu ngư đầu năm ở các địa phương thường xuyên tổ chức hát bả trạo. Đây là dịp để cư dân ven biển bảo lưu được khá đậm nét yếu tố văn hóa cội nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng cá Ông trong lễ hội Cầu ngư - hát bả trạo.
Từ giá trị nội dung nghệ thuật của lời ca trong từng lối hát - nói, kết hợp các kiểu nói lối, lối hát: Nam, Thán, Phú… trong nghệ thuật sân khấu tuồng truyền thống; các kiểu: Hò kéo neo, lý… của dân ca; cũng như sử dụng các làn điệu: Tán, kệ… được tiếp biến, kế thừa, sáng tạo và vận dụng, tạo nên sự cá biệt cho một loại hình. Đồng thời đem đến nghệ thuật diễn xướng dân gian, hát bả trạo trong Lễ hội Cầu ngư có một giá trị nghệ thuật riêng biệt.
Nếu như trước đây, nguồn diễn viên hát tuồng, chèo và cả hát dân ca trong nhân dân còn rất đa dạng. Các loại hình nghệ thuật sân khấu này bổ sung cho bả trạo những Tổng Mũi, Tổng Lái, Tổng Khoang sự lựa chọn và kế thừa đáng kể. Đến nay, nghệ thuật truyền thống không còn được phát triển mạnh mẽ như trước, chủ yếu còn lại trong các nhà hát, biểu diễn phục vụ du lịch và bảo tồn.
Khi cuộc sống phát triển, cơ hội làm việc không chỉ gắn liền với sóng nước, các loại hình giải trí ngày càng đa dạng thì tiếng hát bả trạo ngày càng vơi dần. Để rồi giờ đây, nhiều địa phương không còn ai có thể nhớ và kể huyền thoại làng biển qua lời ca tiếng hát, nên các môn nghệ thuật truyền thống nói chung và hát bả trạo nói riêng có nguy cơ ngày càng mai một, thiếu tính kế thừa và phát huy như vốn có của nó.
Tuy nhiên, với những người tâm huyết với hát bả trạo thì đây là một trăn trở khôn nguôi. Chính quyền địa phương cũng như các vạn chài muốn trình diễn hát bả trạo trong các dịp nghi lễ truyền thống, các đội bả trạo được thuê về từ các địa phương như Hội An (Quảng Nam) để biểu diễn.
Tuy vẫn là bả trạo truyền thống, nhưng lời ca của các vùng miền khác nhau, phong tục tập quán khác nhau nên không thể hiện trọn vẹn được cái hồn của lời ca, tiếng hát lẫn thần thái vốn có trong từng điệu múa gắn liền bài hát bả trạo rất riêng của từng địa phương và cũng vì thế dần mất đi ý nghĩa linh thiêng vốn có của nó.
Hát bả trạo đòi hỏi người theo đuổi phải tâm huyết, khổ công luyện tập, thuộc lòng nhuần nhuyễn ca từ, điệu múa và giai điệu của cả bài hát. Vì đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, mang tính nghi lễ, linh thiêng, không chấp nhận sai sót.
Người hát bả trạo phải đồng thời là ngư dân dãi dầu mưa nắng, bám biển, hiểu từng cơn gió, ngọn sóng. Từ đó mới đem niềm vui, nhiệt huyết của người con miền biển gửi gắm linh thiêng và thể hiện trọn vẹn vào lời hát bả trạo. Hát bả trạo rất khó, tốn nhiều công sức và thời gian luyện tập nhưng không sống được với nghề, nên càng kén người theo đuổi.
Năm 2013, nghệ thuật trình diễn dân gian hát bả trạo được công nhận Di sản văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là một mốc son ghi nhận tính đại diện của nghệ thuật; thể hiện bản sắc của cộng đồng, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người.
Bả trạo đã được kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng phục hồi, tồn tại lâu dài và được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ cho thế hệ mai sau. Cần lắm sự chung tay của các nghệ nhân, sự tâm huyết của giới trẻ và đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành các cấp để nghệ thuật truyền thống bả trạo được kế thừa và phát huy, giữ lại nét văn hóa của cha ông miền duyên hải.