Nghiên cứu thí điểm xây nhà trên đất nông nghiệp
Ngay khi rộ lên tình trạng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, do báo chí điều tra, phản ánh, Sở Xây dựng TP HCM đang nghiên cứu để tham mưu với UBND TP HCM cho thí điểm việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp.
Ban đầu, Sở Xây dựng TP đề xuất cho thí điểm xây nhà trên đất nông nghiệp, tại huyện Củ Chi và Cần Giờ. Theo quy định chung của Luật Đất đai, thì trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp/đất trồng cây lâu năm sang đất xây dựng các loại công trình bán kiên cố thì không cần được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Người sử dụng đất chỉ cần đăng ký biến động với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương sinh sống.
Dựa vào quy định này, Sở Xây dựng TP HCM đang nghiên cứu để người dân tại huyện Củ Chi và Cần Giờ được phép xây công trình trên đất nông nghiệp do quỹ đất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành này còn chuyển được mục đích sử dụng. Điều kiện là các công trình này phải bán kiên cố, tức là các dạng nhà kính, nhà lưới, kho để dụng cụ nông nghiệp, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm… Sau thời gian thí điểm TP HCM sẽ sơ kết và nghiên cứu mở rộng tại các huyện khác.
Các nỗ lực của TP HCM được cho là biện pháp tạm thời để kéo giảm tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn thành phố, trong đó diễn biến cao điểm là trong sáu tháng đầu năm nay. Khi đó, chính quyền thành phố đã phát hiện, xử lý đến hơn 1.600 trường hợp vi phạm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Mặc dù vậy, từ thời điểm công bố nghiên cứu này thì TP HCM đã cho phép người dân xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng trên đất nông nghiệp tại các khu đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư như các sân bóng đá, sân thể thao, sân chơi cộng đồng,…Tuy nhiên, sự biến tướng để xây nhà trên đất nông nghiệp, sau đó hợp thức hóa thành đất thổ cư để hoàn công nhà xây trái phép, đã khiến chính quyền thành phố lo lắng.
Còn nhớ trong hai nhiệm kỳ Đảng bộ TP HCM gần nhất, đều cho rằng ngành nông nghiệp chỉ góp 1% trong cơ cấu kinh tế thành phố, nên cần chuyển đổi đất nông nghiệp để có lợi hơn cho tăng trưởng. Trong đó, một trong những đề xuất của UBND TP HCM được Chính phủ chấp thuận là việc chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp sang các loại đất khác. Đề xuất này có từ quy hoạch sử dụng đất của TP HCM trong 10 năm (2011-2020) trước, và mới đây thì được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, ở giai đoạn đầu (2010-2015) thì UBND TP đã cho chuyển được hơn 3.000 ha, còn lại khoảng 26.000 ha đất nông nghiệp đang tiếp tục cho phép chuyển mục đích (2016-2020).
Chuyển đổi cơ cấu đất nông nghiệp còn là câu chuyện chung của các thành phố lớn trong quá trình đô thị hóa. Tại TP HCM, ở nhiều nơi đất nông nghiệp cũng không còn được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Có khi, đất nông nghiệp còn bị để hoang hóa, gây lãng phí…
Dẫu vậy, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này cần một tầm nhìn dài hơi đối với công tác quy hoạch hạ tầng đô thị ở TP HCM.